Giới trẻ rời Facebook?
Cư dân mạng trẻ tuổi đang kéo nhau lên các dịch vụ nhắn tin như WhatsApp, WeChat, Viber…, bỏ lại cha mẹ của họ vẫn mới đang tập tành xài mạng xã hội. Điều gì đang xảy ra?
Thi công bố doanh thu quý III/2013, Facebook tung ra một tin đáng chú ý: Lượng người dùng hằng ngày giảm, đặc biệt là trong giới trẻ. Nói một cách cụ thể, họ vẫn tiếp tục dùng Facebook nhưng không thường xuyên như trước. Giới trẻ luôn là đối tượng người dùng góp phần thúc đẩy đà phát triển của các xu hướng công nghệ nên liệu đây có thể là dấu hiệu cho thấy “cơn đại hồng thủy” mạng xã hội đang trên đà thoái trào?
Những dịch vụ như WhatsApp làm đau đầu cho các mạng xã hội. (Ảnh minh họa: Internet)
Đi tìm nguyên nhân
Có thể chính sự thành công mạnh mẽ của Facebook lại là nguyên nhân của sự thuyên giảm này. Khi giới trẻ tràn lên các mạng xã hội, kèm theo đó là sự chú ý của các bậc cha mẹ, chú bác… của mình. Những người dùng trưởng thành cũng tham gia đăng bài viết, comment trên các tấm hình dễ thương, gây sốc, thậm chí kinh dị của con cháu họ. Bỗng nhiên, những mạng xã hội như Facebook không còn là “thiên đường” bàn chuyện nữa. Mạng xã hội đã trở nên phổ biến đến mức trở thành một phương tiện liên lạc công cộng cho tất cả mọi người.
Một nơi khác lại được giới trẻ sử dụng nhiều hơn để “tám chuyện” tự do, đó là điện thoại di động. Từ lâu, tin nhắn đã luôn là một cách để họ có thể liên lạc mà không sợ bị soi mói bởi người khác. Hình thức này cũng tiện lợi, nhanh chóng bởi bây giờ gần như bất kỳ đứa trẻ nào cũng có điện thoại di động. Những hình ảnh vốn có tính riêng tư, không nghiêm túc... cũng không bị lọt vào tay những người lớn. Thế là xuất hiện hàng loạt dịch vụ tin nhắn như WhatsApp, Kakao Talk, WeChat... để tận dụng xu hướng này.
Làn sóng mới
Rất khó nói gì về tương lai của các dịch vụ tin nhắn miễn phí khi mà hướng phát triển công nghệ của chúng vẫn khó xác định được. |
Làn sóng của các tiện ích tin nhắn như thế xuất hiện vào khoảng năm 2009. WhatsApp là một trong những dịch vụ tiên phong. WhatsApp được thành lập tại Mỹ với các thành viên có gốc từ Yahoo!, dịch vụ tin nhắn đa nền này nhảy vọt lên trở thành một trong những dịch vụ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới với 300 triệu lượt người dùng hằng tháng (11-2013). Để so sánh, Twitter chỉ có 218 triệu lượt người dùng hằng tháng. Kéo theo đó là các dịch vụ gốc châu Á, trong đó có Kakao Talk (Hàn Quốc) và WeChat (Trung Quốc), LINE (Nhật Bản).
Người dùng bị cuốn hút bởi khả năng gửi tin nhắn, bao gồm cả hình ảnh và ký hiệu emoticon sinh động, tất cả đều miễn phí nên thậm chí họ bỏ cả các dịch vụ tin nhắn của các nhà mạng di động. 90% dân số Brazil, 3/4 dân số Nga, 1/2 người Anh đều sử dụng các dịch vụ tương tự (thống kê của hãng Tyntec). Riêng WhatsApp chiếm đến 95% thị phần người dùng smartphone tại Tây Ban Nha. Trong khi Kakao Talk chiếm 90% lượng smartphone tại Hàn Quốc. Tất cả những người dùng này, dù là mới sử dụng hay đã quen thuộc, hầu hết đều ở độ tuổi dưới 25.
Đó là chưa kể những dịch vụ mới có bao gồm cả hội thoại miễn phí như Viber, gửi ảnh tự hủy như Snapchat… Bản thân các dịch vụ tin nhắn kể trên cũng đã và đang mở rộng tính năng của mình, thậm chí dần dà trở thành các mạng xã hội riêng biệt, cung cấp game giải trí, nhạc trực tuyến và còn nhiều thứ khác nữa. Một số như Kik (Canada), Tango (Mỹ) còn biến thành các nền tảng riêng để mời gọi các nhà phát triển thứ ba phát triển phần mềm cho họ.
Tương lai?
Tuy nhiên, vẫn khó có thể nói về tương lai của các dịch vụ này. Mặc dù nhiều người cho rằng chúng sẽ là khởi đầu của sự kết thúc mạng xã hội nhưng ngay cả các dịch vụ đông người dùng nhất như WhatsApp cũng chật vật không biết hướng tiếp tục phát triển ra sao để chiều lòng người tiêu dùng tuổi nhỏ và đối phó với cơn sóng người dùng lớn tuổi đi theo.