Cẩn thận với trò cướp SIM điện thoại

Thời gian qua cộng đồng mạng đang xôn xao về những tình huống mất SIM điện thoại “trời ơi”. Theo đó, nạn nhân bị kẻ gian đánh cắp SIM, rồi dùng để đi lừa gạt, giao dịch bất hợp pháp,… Vậy, người dùng cần trang bị những kiến thức gì để không trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này.

Cướp số điện thoại: hình thức tội phạm mới

Ngày nay, điện thoại di động là “vật bất ly thân” của hầu hết người dùng, tất nhiên thiết bị phải đi kèm với một hoặc hai chiếc SIM. Nếu như trước kia mọi người có thể vô tư sử dụng điện thoại cùng chiếc SIM của mình, thì giờ đây mọi thứ không còn an toàn như vậy do đã xuất hiện thêm hình thức tội phạm mới, đó là cướp số điện thoại. Sau khi cướp được số điện thoại của người dùng, kẻ gian sẽ sử dụng nó làm công cụ cho những trò lừa đảo tinh vi, như giả dạng để xin tiền người nhà của nạn nhân, lấy tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân,…

Cẩn thận với trò cướp SIM điện thoại - 1

Số điện thoại trở thành mục tiêu mới của tội phạm.

Nếu kẻ gian cướp được chiếc điện thoại thì hiển nhiên đã có thể sử dụng SIM gắn theo máy cho những mục đích trên trong một khoảng thời gian ngắn, trước khi người dùng liên hệ đến nhà mạng để khóa SIM. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại và sự lỏng lẻo của nhà mạng đã vô tình tiếp tay cho kẻ gian cướp số điện thoại “hợp pháp”.

Theo đó, thay vì phải bỏ sức đi “giựt” điện thoại, kẻ gian có thể ung dung đến trung tâm của nhà mạng, khai báo bị mất số điện thoại và cung cấp thông liên quan, đánh lừa sự cả tin của nhân viên để chiếm đoạt số điện thoại bằng một chiếc SIM mới. Điều này xảy ra, một phần cũng do sự chủ quan và kỹ năng tự bảo vệ tài sản trong môi trường công nghệ còn kém của chính người dùng, như không đăng ký thông tin thuê bao, công khai quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng, thiếu cân nhắc khi gọi lại những số điện thoại lừa đảo,…

Nhà mạng quản lý lỏng lẻo!?

Khi liên hệ với tổng đài của nhà mạng Mobifone và hỏi về trường hợp muốn làm lại SIM mà chưa đăng ký thông tin chính chủ (SIM khuyến mãi), tổng đài viên hướng dẫn: “Người dùng ra trung tâm của nhà mạng để khai báo 4 trong 6 thông tin sau: mệnh giá của lần nạp tiền gần nhất, 4 đến 5 số điện thoại đã gọi đi, ngày kích hoạt, thời hạn sử dụng còn lại, số tiền trong tài khoản, dịch vụ thay đổi gần nhất. Còn trường hợp đã đăng ký thông tin thì cần phải có chứng minh nhân dân chính chủ”.

Tuy nhiên, thực tế mỗi thuê bao ngoài thị trường đều đã được đăng ký thông tin, chỉ khác ở chỗ thông tin đó là sai hay đúng với người đang sở hữu mà thôi. Xét cách giải quyết của Mobifone, nếu người dùng bảo mật thông tin cá nhân tốt thì khó có cơ hội cho một kẻ xa lạ trên mạng cướp được SIM, nhưng với một người thân quen hoặc đã từng chạm vào điện thoại để kiểm tra *101# thì họ dễ dàng lấy được nhiều thông tin quan trọng cho việc xin cấp lại SIM.

Như thời gian vừa qua là trường hợp của anh Đặng Thanh Hải (TP.HCM) và Vũ Minh Nhật (Hà Nội). Theo hai nhân vật này, họ đã đăng ký thông tin thuê bao, nhưng vẫn bị mất SIM vì một lý do chưa rõ ràng từ phía nhà mạng. Như vậy, có thể kẻ gian đã làm giả CMND khi biết tên, ngày sinh, quê quán của nạn nhân, hoặc do quá thân thiết và hiểu rất rõ về số điện thoại của nạn nhân nên dễ dàng đánh cắp, rồi rút hàng chục triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân thông qua hệ thống OTP.

Để không bị mất SIM, người dùng cần chú ý những điều sau:

- Phải đăng ký chính xác thông tin thuê bao.

- Không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng. Tham khảo bài viết Kinh nghiệm giữ an toàn trên mạng.

- Hạn chế gọi lại những số điện thoại không rõ nguồn gốc, đặc biệt là những thuê bao 11 số (như 0123570541x, 0128424556x,…), vì kẻ gian có thể tích đủ 5 số thuê bao mà người dùng đã gọi đi, rồi khai báo với nhà mạng để yêu cầu làm lại SIM.

- Không cho người khác mượn SIM, vì trên đó chứa dãy số series của SIM, là thông tin quan trọng để kẻ gian làm lại SIM khác cùng số.

- Hạn chế cho người lạ mượn điện thoại, vì chỉ với thao tác *101#, họ đã có được nhiều thông tin quan trọng trong việc xin cấp lại SIM.

- Ngoài ra, người dùng cần nâng cao tính bảo mật của smartphone, không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc, cập nhật thường xuyên các bản vá của hệ điều hành và phần mềm có trên máy; tắt Bluetooth khi đang ở nơi công cụ vì hiện nay đã có nhiều phần mềm xâm nhập âm thầm vào điện thoại của người dùng thông qua kết nối này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN