"Bùng nổ" mua sắm online mùa dịch Covid-19: Lưu ý để mua hàng tốt, giá rẻ

Sự kiện: Internet

Dịch Covid-19 đang là thời cơ cho sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam, Bộ TT&TT từng nhận định.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD, thuộc Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Cục này đã tiếp nhận một số phản ánh, khiếu nại liên quan đến việc mua sắm trực tuyến. Cụ thể, người tiêu dùng phản ánh về việc mua hàng trên mạng không giống với quảng cáo, có sự chênh lệch giá lớn giữa các nhà bán lẻ, nhà bán lẻ có dấu hiệu lừa đảo, công dụng của sản phẩm không được tốt như những nhận xét (review) trên mạng, khó khăn trong việc thanh toán bằng phương thức điện tử,…

Mua sắm qua mạng đang rất phổ biến hiện nay.

Mua sắm qua mạng đang rất phổ biến hiện nay.

Nhằm giúp người tiêu dùng tránh những nguy cơ bị lừa đảo và có được trải nghiệm tốt khi mua sắm trực tuyến, Cục CT&BVNTD lưu ý người tiêu dùng một số nội dung, cụ thể:

Sử dụng các công cụ tìm kiếm

Khi cân nhắc về việc mua sản phẩm/dịch vụ qua mạng, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ đó. Do đặc tính của mua sắm trực tuyến là không gặp trực tiếp nhà bán hàng, người tiêu dùng cũng nên tìm hiểu kỹ về nhà bán hàng.

Bên cạnh việc tham khảo người thân, bạn bè, người tiêu dùng có thể sử dụng công cụ tìm kiếm về nhà bán hàng kèm từ khóa “nhận xét”, “chất lượng”, “có tốt không”, “lừa dối”/“lừa đảo”,… Khi xuất hiện những dòng nhận xét không tốt trong mục kết quả, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ về quyết định mua hàng.

Hiện nay, các sàn thương mại điện tử kết nối người mua hàng với rất nhiều nhà bán lẻ, cùng một sản phẩm nhưng đôi khi lại có sự chênh lệch lớn về giá bán. Một trong những nguyên nhân của sự chênh lệch này là do cách hiển thị giá của nhà bán lẻ (cách tính giá).

Dùng các công cụ so sánh giá là việc cần thiết để tìm được nơi uy tín và giá tốt.

Dùng các công cụ so sánh giá là việc cần thiết để tìm được nơi uy tín và giá tốt.

Ví dụ: Một số nhà bán lẻ chỉ thể hiện giá của sản phẩm, một số khác thể hiện giá đã bao gồm giá sản phẩm và các loại thuế, phí giao hàng,… Vì vậy, người tiêu dùng nên so sánh tổng giá trị giao dịch, bao gồm phí vận chuyển và giao hàng, các loại thuế, thay vì so sánh mỗi giá bán của sản phẩm đó. Việc này giúp cho người tiêu dùng có được giá chính xác của sản phẩm, từ đó giúp cho trải nghiệm mua sắm tốt hơn, thuận tiện hơn, hạn chế được tình trạng phản ánh/khiếu nại do hiểu sai về giá sản phẩm.

Xem xét các phiếu mua hàng giảm giá

Trong thời gian gần đây, các sàn thương mại điện tử và trang web thương mại điện tử đã và đang thực hiện các chương trình thu hút người tiêu dùng bằng các mã giảm giá khi mua hàng. Mã giảm giá hiện nay rất phổ biến và thường xuyên được người tiêu dùng áp dụng ở bước thanh toán cho các giao dịch. Để tìm kiếm mã giảm giá, người tiêu dùng có thể truy cập trang web của đơn vị bán hàng hoặc tìm kiếm trên các công cụ với cú pháp: Tên công ty “giảm giá", “voucher" hay “miễn phí giao hàng”.

Tuy nhiên, người tiêu dùng nên cẩn trọng với những trang web yêu cầu tải phần mềm hay yêu cầu điền các thông tin tài chính/thông tin cá nhân để nhận mã giảm giá, do hành vi này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng.

Đọc các nhận xét và nâng cao cảnh giác

Trong những năm gần đây, khi nhận xét sản phẩm/dịch vụ (review) đã trở nên rất phổ biến, thì phần lớn người tiêu dùng có xu hướng tìm đọc nhận xét trên mạng trước khi quyết định có mua hàng hay không. Tuy nhiên, không phải tất cả nhận xét trên mạng đều dựa trên việc mua, sử dụng, và cảm nhận thật. Bên cạnh các nhận xét thật của người tiêu dùng, có trường hợp nhận xét được chính công ty bán sản phẩm/dịch vụ đó xây dựng, hoặc của doanh nghiệp đối thủ xây dựng.

Để có hiểu biết đầy đủ và chính xác về sản phẩm/dịch vụ sắp mua, người tiêu dùng có thể tìm những trang web hay diễn đàn chuyên nhận xét, đánh giá về sản phẩm cụ thể để có thêm thông tin. Những trang web này không bán hàng mà chỉ đưa ra các đánh giá sâu hơn về từng loại sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên tham khảo thêm các nguồn thông tin khác như bạn bè, người thân,...

Thanh toán an toàn

Có nhiều phương thức thanh toán khi mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng nên cân nhắc lựa chọn kênh thanh toán an toàn như thẻ tín dụng, ví điện tử hay thanh toán khi nhận hàng (Cash on Delivery - COD). Người tiêu dùng nên tránh phương thức thanh toán tiềm ẩn nhiều rủi ro như chuyển khoản trước - nhận hàng sau. Bên cạnh đó, một lưu ý nhỏ mà người tiêu dùng nên lưu ý khi mua sắm và thanh toán trực tuyến, đó là: Địa chỉ trang web phải bắt đầu bằng https (chữ “s" là viết tắt của “security”, dịch sang tiếng Việt là "an toàn").

Làm gì khi có vấn đề phát sinh trong quá trình mua sắm trực tuyến?

Trước khi mua hàng, người tiêu dùng nên cân nhắc về thương hiệu, uy tín của bên bán hàng; tìm hiểu thông tin liên lạc với người bán hàng trong trường hợp sản phẩm có vấn đề. Việc đọc kỹ các điều khoản và điều kiện, cũng như chính sách đổi trả, dịch vụ hậu mãi khi mua hàng trực tuyến là rất cần thiết, điều này giúp củng cố sự tự tin khi mua và sử dụng hàng hoá, đồng thời giúp người tiêu dùng biết rõ các phương thức giải quyết vấn đề nếu phát sinh.

Trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền lợi khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng tham khảo thực hiện các phương thức sau:

- Liên hệ với nhà bán hàng/sàn thương mại điện tử để giải quyết tranh chấp.

- Trong trường hợp cần tư vấn hoặc phản ánh, khiếu nại, người tiêu dùng liên hệ:

+ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng: 1800.6838 (miễn phí cước gọi).

+ Gửi đơn khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Gửi đơn khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng qua địa chỉ email: bvntd@moit.gov.vn.

Nguồn: [Link nguồn]

Cảnh báo mã độc, lừa đảo mua khẩu trang, thẻ chống Covid-19,... trên mạng

Gần đây trên thị trường xuất hiện hàng loạt các thông tin về loại thẻ “chống virus gây bệnh Covid-19” có khả năng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Internet Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN