Bộ TT&TT: Không nên giảm khả năng cạnh tranh của Grab, Uber, Go-Viet...

Sự kiện: Công nghệ

Thay vì giảm khả năng cạnh tranh của các mô hình taxi công nghệ, Bộ TT&TT đề xuất Chính phủ gia tăng tính cạnh tranh cho mô hình taxi truyền thống.

Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) vừa có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ. Văn bản số 1486/BTTTT-CNTT do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ký ngày 13/5 nhằm thực hiện Thông báo số 93/TB-VPCP ngày 12/3/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc cho ý kiến đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ.

Theo văn bản này, Bộ TT&TT nêu quan điểm cho rằng, để tạo điều kiện cho công nghệ số có khả năng đem lại nhiều lợi ích mới cho xã hội, đặc biệt là thúc đẩy cạnh tranh qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng của các hoạt động kinh tế, các nước trên thế giới như Anh, Đức, Singapore, Indonesia... đều nỗ lực xây dựng và thực hiện các mô hình, phương thức quản lý mới.

Tại Việt Nam, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng các khuôn khổ pháp lý mới để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thực hiện thí điểm chính sách quản lý các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới có tính đột phá.

Cần xem những đơn vị cung cấp nền tảng như Grab, Uber, GoViet, là một chủ thể riêng biệt

Do đó, Bộ TT&TT đề xuất cần xem những đơn vị cung cấp nền tảng (platform) như Grab, Uber, GoViet là một chủ thể riêng biệt, ngoài những chủ thể được quy định hiện nay.

Bộ TT&TT: Không nên giảm khả năng cạnh tranh của Grab, Uber, Go-Viet... - 1

Một chiếc ô tô tham gia kinh doanh bằng nền tảng Uber khi Uber còn hoạt động tại Việt Nam - Ảnh: Hải Đăng

Đối với hoạt động kinh doanh taxi truyền thống, có 3 chủ thể có vai trò chi phối chính: Công ty vận tải taxi, người dân và cơ quan quản lý nhà nước.

Khi có sự xuất hiện của các đơn vị cung cấp nền tảng như Grab, Uber, Go-Viet, hoạt động kinh doanh taxi có 4 chủ thể chính: Công ty vận tải (hoặc hợp tác xã vận tải), đơn vị cung cấp nền tảng, người dân và cơ quan quản lý nhà nước.

Trong 4 chủ thể đó, công ty vận tải và đơn vị cung cấp nền tảng kết hợp lại cung cấp cho người dân một loại dịch vụ tương đương taxi. Công ty vận tải và đơn vị cung cấp nền tảng không tự mình thực hiện tất cả những công đoạn mà taxi truyền thống thực hiện mà mỗi chủ thể thực hiện một số công đoạn của hoạt động taxi.

Bộ TT&TT cho rằng, trên cơ sở những lợi ích thật sự mà mô hình kinh doanh mới đem lại cho người dân và được xã hội thừa nhận rộng rãi (như minh bạch về giá cước và lộ trình, giá cước phù hợp với nhu cầu của người dân, chất lượng phục vụ được nâng cao), cần nhìn nhận đơn vị cung cấp nền tảng như một chủ thể riêng biệt, không quy chiếu vào những chủ thể theo mô hình truyền thống.

Do đó, để quản lý Grab, Uber, Go-Viet,..., cần có những quy định riêng và phù hợp với chủ thể này, đảm bảo tương ứng với các công đoạn trong hoạt động kinh doanh taxi mà đơn vị này trực tiếp thực hiện.

Cần sử dụng công nghệ để quản lý và giám sát

Văn bản cho rằng, để quản lý nhà nước đối với những hoạt động kinh doanh sử dụng công nghệ, cơ quan chức năng cần sử dụng chính công nghệ để quản lý và giảm sát.

Bộ TT&TT: Không nên giảm khả năng cạnh tranh của Grab, Uber, Go-Viet... - 2

Tem kinh doanh GrabCar trên một chiếc xe kinh doanh dùng nền tảng Grab - Ảnh: Hải Đăng

Thay vì yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử có “Bảng đèn hiệu” hoặc biển số khác màu, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể yêu cầu đơn vị cung cấp nền tảng đảm bảo khả năng truy cập vào dữ liệu những xe vận tải đang tham gia trong mô hình.

Một trường hợp khác, cơ quan quản líýcó thể yêu cầu đơn vị nền tảng chỉ đề xuất lộ trình cho xe hợp đồng đúng quy định về tuyến đường và thời gian vận chuyển... Tất cả lộ trình phải được lưu lại để truy xuất trong trường hợp thanh, kiểm tra. Đây là một hình thức dùng công nghệ để thực hiện hậu kiểm thay vì tiền kiểm.

Cần tăng khả năng cạnh tranh cho những mô hình taxi truyền thống thay vì giảm khả năng cạnh tranh của những mô hình taxi sử dụng công nghệ

Bộ TT&TT nêu ý kiến cho rằng, việc yêu cầu gắn biển điện tử đối với các xe hợp đồng dưới 9 chỗ trong dự thảo Nghị định sẽ làm giảm sự sẵn sàng tham gia của các đơn vị vận tải, đưa thị trường kinh doanh taxi trở lại thời điểm trước khi xuất hiện loại hình kinh doanh sử dụng công nghệ.

Bộ TT&TT: Không nên giảm khả năng cạnh tranh của Grab, Uber, Go-Viet... - 3

Tài xế GrabBike, Go-Viet và taxi cùng chờ khách dưới một trung tâm thương mại ở TP.HCM - Ảnh: Hải Đăng

Thay vào đó, cơ quan quản lý có thể tăng tính cạnh tranh cho các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống bằng các quy định mới phù hợp. Ví dụ: Nếu khách hàng đặt taxi truyền thống thông qua phần mềm của hãng, khi mà các điều kiện minh bạch về lộ trình và giá cước được đảm bảo, thì cũng cho phép hãng taxi và khách hàng có thể thỏa thuận giá cho phù hợp với nhu cầu ở thời điểm đó, thay vì sử dụng giá niêm yết. Giá niêm yết vẫn tiếp tục áp dụng cho trường hợp khách vẫy và vận chuyển theo đồng hồ.

Có thể tóm lại rằng, đối với hoạt động kinh doanh vận tải vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, Bộ TT&TT đề xuất tách các đơn vị trung gian như Grab, Uber, Go-Viet, Be,... thành chủ thể riêng và có quy định riêng cho các đơn vị này. Thay vì gắn bảng hiệu, làm biển số xe khác, cơ quan quản lý có thể yêu cầu truy cập vào dữ liệu bất kỳ xe nào để kiểm tra. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho taxi truyền thống dựa trên các tiến bộ về công nghệ.

Grab đã đổ bao nhiêu tiền đầu tư vào Việt Nam?

Có mặt tại Việt Nam từ 2014, Grab đã đổ một lượng tiền để mở rộng thị trường. Con số này là bao nhiêu trong 5 năm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Đăng ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN