Bất ngờ tìm thấy hành tinh giống Trái Đất nhất từ trước đến nay

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Con người liên tục có những khám phá mới về vũ trụ bao la trong hành tình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Năm 2009, tàu vũ trụ Kepler được phóng lên vũ trụ, mang theo kính viễn vọng Kepler với nhiệm vụ phát hiện các ngoại hành tinh (những hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời) ở những hệ sao khác nhằm phục vụ mục đích tìm kiếm các hành tinh có thể ở được. Tới năm 2018, Kepler chính thức ngừng hoạt động do hết nhiên liệu.

Tuy nhiên những dữ liệu do kính viễn vọng Kepler gửi về vẫn tiếp tục được phân tích cho đến ngày nay. Và từ đó, một nhóm nhà khoa học NASA đã phát hiện ra Kepler-1649c, hành tinh với những đặc điểm cực kỳ giống với Trái Đất. Điều đặc biệt là trước đó dữ liệu này đã bị bỏ qua do phân tích sai, tuy nhiên thật may mắn nó lại xuất hiện trong một nhóm dữ liệu khác và được mổ xẻ nghiên cứu lại.

Hình ảnh đồ họa mô tả Kepler-1649c trong hệ sao của nó.

Hình ảnh đồ họa mô tả Kepler-1649c trong hệ sao của nó.

Kepler-1649c chỉ lớn hơn 1,06 lần so với hành tinh của chúng ta. Tổng lượng ánh sáng mà nó nhận được từ sao chủ bằng 75% tổng lượng ánh sáng mà Trái đất nhận từ Mặt trời, điều này có nghĩa là nhiệt độ của ngoại hành tinh này có thể giống với hành tinh của chúng ta. Nhưng có một điểm khác với Trái đất, nó có quay quanh một sao lùn đỏ.

Sao lùn đỏ là loại sao có ánh sáng rất yếu, với khối lượng thường chỉ bằng 40% so với Mặt Trời. Chúng khá phổ biến trong thiên hà. Sao lùn đỏ không được ưu tiên trong việc tìm kiếm sự sống từ các hành tinh quay xung quanh, do nó có ánh sáng đỏ và cường độ ánh sáng yếu. Tuy nhiên sao lùn đỏ lại có tuổi đời cực kỳ lâu, thường từ hàng chục tỷ đến hàng nghìn tỷ năm, nên trong quãng thời gian tồn tại lâu dài đó đôi lúc nó có thể tỏa ra đủ nhiệt lượng để hỗ trợ sự sống.

Kích thước của Kepler-1649c so với Trái Đất.

Kích thước của Kepler-1649c so với Trái Đất.

Kepler-1649c quay xung quanh sao lùn đỏ chỉ mất 19,5 ngày Trái Đất. Đó là một tốc độ quay khá nhanh, tuy nhiên đó là vì nó ở gần sao chủ hơn so với khoảng cách Trái Đất đến Mặt Trời. Chính vì khoảng cách gần như thế, nhiệt độ của nó nhận được là khá ôn hòa, có thể hỗ trợ cho sự sống.

Vẫn còn nhiều điều chưa biết về Kepler-1649c, như bầu khí quyển, điều có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ của hành tinh này. Các tính toán hiện tại về kích thước của hành tinh này có sai số đáng kể, cũng giống như các giá trị trong thiên văn học khi nghiên cứu về các đối tượng ở rất xa. Nhưng trên cơ sở những gì đã biết, Kepler-1649c đặc biệt hấp dẫn với các nhà khoa học đang tìm kiếm các hành tinh với điều kiện có khả năng sống được.

Hình ảnh đồ họa giả định bề mặt của Kepler-1649c.

Hình ảnh đồ họa giả định bề mặt của Kepler-1649c.

Sau nhiều tính toán, các nhà khoa học cho rằng khả năng rất cao Kepler-1649c là một hành tinh đá. Điều đó có nghĩa là nó có thể tồn tại nước ở dạng lỏng trên bề mặt. Và như thế, khả năng tồn tại sự sống ở hành tinh này là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, khoảng cách của nó đến Trái Đất không gần lắm, khoảng 300 năm ánh sáng. Đó thật sự là một khoảng cách rất xa với các công nghệ hiện tại.

Nguồn: [Link nguồn]

Hành tinh thuộc ”vùng sự sống” áp sát Trái Đất, tỏa ánh đỏ sáng nhất bầu trời

"Miền đất hứa" của sự sống ngoài hành tinh dang dần đi vào vị trí thẳng hàng với Trái Đất và Mặt Trời, trở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vĩnh Hậu ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN