12 công nghệ sẽ "biến mất" ở thế hệ con cháu chúng ta
Những công nghệ dưới đây đang rất thịnh hành ở thời điểm hiện tại, song sự phát triển như vũ bảo của những công nghệ mới hơn cho biết chúng sẽ sớm trở nên lỗi thời trong tương lai gần.
1. Kết nối Internet có dây
Hiện nay, vẫn còn nhiều hộ gia đình sử dụng kết nối Internet có dây do có giá cước rẻ và tốc độ cao. Tuy nhiên, kết nối Internet có dây có thể sẽ không “chống đỡ” lại được sự phát triển của 3G và 4G LTE.
2. Máy ảnh và máy quay phim
Những chiếc smartphone thời nay đều được trang bị camera nhiều “chấm” với những tính năng chụp ảnh, quay phim không thua gì máy ảnh PnS hay máy quay phim gia đình. Ngoài ra, kho ứng dụng tạo hiệu ứng ảnh trên smartphone rất phong phú cho phép người dùng tùy biến ảnh chụp với nhiều bộ lọc ấn tượng. Hầu hết các ứng dụng đều có khả năng chia sẻ ảnh lên mạng xã hội. Tuy nhiên, các dòng máy ảnh chuyên nghiệp như DSLR và Micro-3/4 vẫn sẽ còn được ưa chuộng trong nhiều năm nữa.
3. Điện thoại cố định
Theo số liệu từ Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh tại Mỹ, năm 2010 chỉ có 26% hộ gia đình dùng điện thoại không dây. Dự kiến đến năm 2017, phần lớn mọi người sẽ chuyển sang sử dụng điện thoại di động, chỉ những người già còn giữ lại thói quen dùng điện thoại cố định. Vào năm 2020, các doanh nghiệp cũng dùng điện thoại di động làm phương tiện liên lạc chính.
4. Máy tính khởi động chậm
Những chiếc máy tính thế hệ mới sẽ khởi động “nhanh như chớp” nên người dùng sẽ không còn phải trải qua những phút ngồi chờ sau khi mở máy nữa. Máy tính còn có thể hoạt động liên tục không cần tắt, luôn ở trạng thái sẵn sàng phục vụ người dùng khi cần thiết. Ngoài ra, việc cập nhật bản vá lỗi cho các HĐH không phải khởi động lại máy như trước nữa. Nhờ vào việc sử dụng ổ đĩa SSD và HĐH “nhanh như Windows 8” thì cho dù có phải khởi động lại máy thì thời gian khởi động lại cũng chỉ từ một đến hai giây!
5. Chế độ cửa sổ trên giao diện HĐH
Trong tương lai, các HĐH sẽ không còn hiển thị giao diện ứng dụng dưới dạng từng cửa sổ như giao diện Windows hiện tại. Thay vào đó là giao diện hỗ trợ tốt màn hình cảm ứng, điển hình là giao diện dưới dạng ô gạch trên Windows 8 của Microsoft.
6. Ổ cứng
Phương tiện lưu trữ dữ liệu trên máy tính được thay đổi qua từng thời kỳ, từ việc sử dụng băng cassette, ổ mềm 5,25 inch, ổ mềm 3,5 inch, cho đến HDD chuẩn IDE, chuẩn SATA, hiện tại là ổ rắn SSD. So với HDD, SSD có tốc độ và hiệu suất cao hơn rất nhiều, giá bán còn khá đắt và dung lượng thấp là nguyên do mà hiện tại SSD vẫn chưa được phổ biến. Tuy nhiên, trong vài năm nữa, SSD sẽ trở thành phương tiện lưu trữ chính cho máy tính, chỉ riêng những máy server vẫn còn dùng HDD do cần nhiều dung lượng hơn là chất lượng.
7. Rạp chiếu phim
Sự bùng nổ của những HDTV màn hình lớn và TV hỗ trợ công nghệ 3D chính là lý do mà mọi người sẽ ít đi đến rạp chiếu phim. Tại nhà, bạn vẫn có thể tận hưởng những “siêu phẩm” cùng gia đình. Bên cạnh đó, các hãng sản xuất phim và nhà cung cấp truyền hình cáp cũng có kế hoạch phát hành phim lên truyền hình trùng ngày với rạp chiếu phim, cho phép người dùng luôn cập nhật những phim mới nhất mà không cần đến rạp.
8. Chuột
Trong 5 năm tới, chi phí trang bị thêm màn hình cảm ứng cho máy tính rất rẻ, do vậy mà những thiết bị như chuột, touchpad trên laptop dần trở nên lạc hậu. Tuy nhiên, sự biến mất hoàn toàn của chuột vẫn còn lâu, vì đôi khi người dùng vẫn thích dùng chuột song song với màn hình cảm ứng.
9. Kính 3D
Những bộ phim 3D lúc mới ra yêu cầu người xem phải trang bị kính 3D thì mới tận hưởng được các hiệu ứng nổi y như thật. Những sản phẩm công nghệ mới hiện nay hỗ trợ xem phim 3D mà không cần đeo kính. Hiện nay có nhiều mẫu notebook, smartphone, máy chơi game có thể tái hiện lại hình ảnh 3D kể cả khi người dùng không cần đeo kính.
10. Điều khiển từ xa
Những chiếc TV đầu tiên không có bộ điều khiển từ xa (remote) như bây giờ, nên khi muốn chuyển kênh hay tăng giảm âm lượng, bạn phải đi đến chỉnh bằng nút bấm trên TV rất bất tiện. Trong tương lai, remote cũng sẽ không còn được sử dụng nữa. Thay vào đó, bạn chỉ cần đứng tại chỗ và dùng cử chỉ để ra lệnh cho TV, hay dùng smartphone đóng vai trò tương tự remote.
11. Máy tính để bàn
Dự đoán trong tương lai, những chiếc máy tính để bàn không còn được ưa chuộng như hiện nay. Tuy nhiên, máy tính All-in-one với màn hình lớn, hay các dòng máy cao cấp, máy chủ (server) vẫn còn được sử dụng trong thời gian dài.
12. Số điện thoại
Với sự phát triển của các dịch vụ gọi điện trực tuyến VoIP như Skype, Facebook, Google Talk, người dùng ít khi giao tiếp bằng điện thoại. Do vậy, username trên các dịch vụ chat trực tuyến sẽ dần thay thế số điện thoại.