Căng thẳng thuế thu nhập cá nhân

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho rằng đề xuất mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân 7 triệu đồng/tháng là “dội gáo nước lạnh” vào dân

Chiều 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã thảo luận về dự thảo Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN - sửa đổi). Vấn đề nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng/tháng, giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng như đề xuất của Chính phủ hay giảm xuống 7 triệu đồng và 2,6 triệu đồng/tháng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) được tranh luận rất căng thẳng.

Sao không bảo vệ dân?

Trình bày phương án đề xuất của Chính phủ, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết việc đề xuất tăng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng/tháng và tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên 3,6 triệu đồng/người/tháng là dựa trên mức lương tối thiểu, chi tiêu hộ gia đình, tăng trưởng GDP. Còn theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS, cơ sở để đưa ra mức chịu thuế 7 triệu đồng/tháng, giảm trừ gia cảnh 2,6 triệu đồng/người/tháng là dựa trên lương tối thiểu và chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch QH, cho rằng đề xuất Ủy ban TCNS đã “dội gáo nước lạnh” vào dân. “Các đồng chí đại diện cho dân lại không bảo vệ dân mà yêu cầu giảm mức khởi điểm để người thu nhập thấp phải đóng thuế. Chính phủ thương dân nhưng Ủy ban TCNS có thương dân không, tại sao không đề xuất tăng mà lại giảm? Không phải nộp thuế nhiều mới là xây dựng đất nước”.

Bị phản ứng, ông Phùng Quốc Hiển “phản pháo”: “Anh Sơn là tướng quân nên vì dân, vì nước. Đề nghị của chúng tôi cũng là vì dân, vì nước. Chúng tôi không muốn người Việt Nam nào phải nộp thuế nhưng đất nước còn nghèo nên cần cân nhắc kỹ. Mức chúng tôi đưa ra cũng đã gấp 6 lần lương tối thiểu”. Theo ông Hiển, trước khi đưa ra đề xuất mức khởi điểm chịu thuế TNCN, Ủy ban TVQH đã bỏ phiếu kín và kết quả là 68% ý kiến ủng hộ phương án 7 triệu đồng/tháng, chỉ 28% ý kiến ủng hộ phương án 9 triệu đồng/tháng. “Giảm thuế như đề xuất của Chính phủ là quá nhanh, ảnh hưởng đến thu ngân sách, trong khi nhiệm vụ này càng về sau càng khó khăn” - ông Hiển cảnh báo. Không khí thảo luận trở nên căng thẳng khi ông Huỳnh Ngọc Sơn cương quyết: “Tôi là tướng quân nhưng có hiểu biết về kinh tế nên vẫn bảo lưu quan điểm”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ phương án 9 triệu đồng/tháng vì mức thu nhập này áng chừng mới đủ sống tàm tạm chứ chưa cao. Ngoài chi phí ăn mặc còn lo học hành, chữa bệnh, sinh hoạt tinh thần, nuôi con, nuôi cha mẹ, chưa kể phải tích lũy mua nhà ở. “Cần phân tích thêm trong hoàn cảnh kinh tế như hiện nay, mức 7 triệu đồng hay 9 triệu đồng đã gọi là thu nhập cao chưa?” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, đề nghị phải cân nhắc kỹ vì đến nay, Việt Nam vẫn chưa thể công bố được mức sống tối thiểu, lạm phát nhiều năm tăng cao khiến nền kinh tế khó khăn, thu nhập thực tế của người dân cũng vì thế mà giảm sút... Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng lưu ý phải bảo đảm nâng cao đời sống người dân mà nòng cốt là người lao động. “Không thể vì ngân sách mất mấy ngàn tỉ đồng/năm mà giảm mức khởi điểm chịu thuế còn 7 triệu đồng/tháng khiến đời sống của hàng triệu người lao động phải khổ. Như thế là hẹp hòi!” - ông Nguyễn Văn Hiện nói.

Trái đạo lý

Một nội dung khiến nhiều đại biểu QH bức xúc là đề xuất người chịu thuế được chọn mức thu nhập chịu thuế khoán, trong đó có tính giảm trừ gia cảnh cho 1 người phụ thuộc. Còn nếu không nộp thuế khoán thì mỗi cá nhân có thu nhập chịu thuế chỉ được giảm trừ tối đa cho 2 người phụ thuộc.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Kim Ngân không chấp nhận đề xuất này vì: “Nếu có nghĩa vụ nuôi 4 người thì phải nuôi hết. Quy định như vậy chẳng khác nào cho rằng nuôi con thì không nuôi cha mẹ”.

Căng thẳng thuế thu nhập cá nhân - 1

Hướng dẫn người dân làm hồ sơ thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TPHCM. 

Bà Trương Thị Mai cho rằng như vậy là trái đạo lý, không phù hợp với văn hóa và truyền thống Việt Nam. “Việt Nam có truyền thống cha mẹ sống cùng con cái, gia đình 2-3 thế hệ thì các quy định pháp luật cũng phải phù hợp với truyền thống, văn hóa và đạo lý” - bà Mai nhấn mạnh. Trước ý kiến trên, ông Phùng Quốc Hiển giãi bày: “Đây chỉ là một trong số các ý kiến được nêu ra trong Tiểu ban Chính sách và thu ngân sách của Ủy ban TCNS”.

Tính toán lại

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và một số đại biểu QH đề nghị Bộ Tài chính xem xét dãn, giảm bậc thuế và đưa mức thuế suất 0% hoặc 1% vào biểu thuế lũy tiến từng phần.

Theo bà Vũ Thị Mai, nếu vừa giảm mức khởi điểm chịu thuế vừa dãn, giảm bậc thuế sẽ giảm thu ngân sách rất lớn. Còn áp dụng thuế suất 0% có tác dụng kiểm soát được thu nhập nhưng số lượng người kê khai thuế sẽ rất lớn, làm tăng chi phí quản lý.

Bộ Tài chính cho biết nếu theo phương án 7 triệu đồng, thu ngân sách Nhà nước năm 2013 sẽ giảm 4.000 đồng tỉ đồng, năm 2014 giảm 10.700 tỉ đồng và chỉ 62% người nộp thuế bậc 1 không phải nộp. Còn theo phương án 9 triệu đồng, mức giảm thu tăng lên 5.200 tỉ đồng trong năm 2013 và 13.320 tỉ đồng trong năm 2014 nhưng 100% người nộp thuế bậc 1 sẽ không phải chịu thuế TNCN và một số người phải nộp thuế bậc 2, 3 sẽ được chuyển xuống bậc thấp hơn.

Kết thúc phiên họp, Ủy ban TVQH mới chỉ thống nhất được 2 vấn đề là khi CPI tăng 20% thì điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế và không hạn chế người phụ thuộc. Mặc dù đa số ý kiến tại cuộc họp nghiêng về phương án 9 triệu đồng nhưng vẫn chưa thống nhất được con số cuối cùng. Do đó, Ủy ban TVQH giao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp tính toán lại với cơ sở lý luận vững chắc để thống nhất đề xuất cùng một mức. Sau đó, Ủy ban TVQH cũng sẽ bổ sung một cuộc họp khác để thảo luận lại tờ trình mới trước khi trình QH thông qua tại kỳ họp cuối năm.

Cần kiểm toán ngành nhạy cảm

Cùng ngày, ông Đinh Tiến Dũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, đã báo cáo với Ủy ban TVQH về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2013.
Về lĩnh vực ngân sách Nhà nước, sẽ kiểm toán tại 34 tỉnh, TP, trong đó có 3 đơn vị đã được kiểm toán (TP Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng) và 31 đơn vị chưa được kiểm toán trong năm 2012; đồng thời kiểm toán tại 20 bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Các thành viên Ủy ban TVQH đề nghị trong lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính ngân hàng cần tập trung nguồn lực kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn và tài sản Nhà nước; sản xuất, kinh doanh các mặt hàng độc quyền như điện, than, xăng dầu...


T.Dũng

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà - Báo Người lao động
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN