"Bể khổ" của cha đẻ bài hát Last Christmas

30 năm rồi, khi tiếng chuông nhà thờ ngân vang, khi bản Last Christmas (Mùa giáng sinh ấy) rộn rã khắp mọi ngõ phố, người ta biết chắc Noel đã về.

Nhưng phía sau sự bất tử của bản nhạc ấy lại là sự lụi tàn của cuộc đời một huyền thoại, người sáng tác ra nó. Một sự đối lập oái oăm mà không phải ai cũng khám phá được.

Ra đời vào năm 1984, Last Christmas đã trở thành một hiện tượng âm nhạc được cả thế giới cùng nghe đi nghe lại mỗi mùa Noel đến. Ca khúc tuyệt vời của George Michael được cover hàng trăm lần bởi rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới, như Atomic Kitten, Busted, Carrie Underwood, Coldplay…  nhưng bản do Wham! thể hiện vẫn được nhiều người chọn nghe nhất. Ngày nay, đến cả trẻ con 3 tuổi cũng có thể hát Last Christmas…

"Bể khổ" của cha đẻ bài hát Last Christmas - 1

Ca khúc tuyệt vời của George Michael được cover hàng trăm lần bởi rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới

Sự bất tử của một bài hát

Từ khi ra đời đến nay, Last Chistmas luôn chiếm vị trí số một tại các bảng xếp hạng âm nhạc ở khá nhiều quốc gia, trở thành ca khúc “hit” đứng đầu danh sách những bản nhạc giáng sinh được tải về nhiều nhất của mọi thời đại. Giọng hát đầy tâm trạng của George Michael đưa người nghe đi tới tận cùng cảm xúc của sự khắc khoải, day dứt.  Last Christmas là câu chuyện về một chàng trai đã cuồng si, hết mình vì tình yêu trong mùa Giáng sinh đầu tiên được yêu. Nhưng người con gái anh yêu lại ra đi, bỏ lại chàng trai ấy trong cô đơn, tuyệt vọng.

Giáng sinh về đem theo những bông tuyết trắng xóa, những cơn gió lạnh buốt thổi qua ánh đèn lung linh, mờ ảo trên mọi nẻo đường, ở đó đôi lứa khoác tay tình tứ, ôm hôn ngọt ngào, gửi trao những lời yêu thương ấm áp, chỉ còn mỗi chàng trai trẻ lẻ loi. Giáng sinh trong Last Christmas gợi nhớ tới quá khứ, tới những ký ức buồn của một tình yêu lụi tàn. Tình yêu trong đêm giáng sinh giống như một ly rượu vang thơm nồng đem tới cả hương vị đắng, cay, chua chát nhưng vẫn đủ say sưa để xua đi phần nào cái giá lạnh của ngày đông.

Last Christmas trở thành một trong những bản nhạc kinh điển của lễ Giáng sinh, bên cạnh Jingle Bells, Feliz Navidad hay Mary’s Boy Child. Dù cho được vang lên trên những con phố tấp nập người qua lại trong ánh đèn chùm rực rỡ, hay trong một căn phòng nhỏ trống vắng, Last Christmas của Wham vẫn đem tới cho người nghe những cảm xúc trọn vẹn, như khi nó xuất hiện lần đầu từ gần 30 năm về trước.

“Mùa Giáng sinh ấy” sẽ vẫn luôn là miền ký ức riêng để mỗi chúng ta tìm về khi những ngày cuối cùng của năm sắp trôi đi. Tình yêu luôn đến bất ngờ và không ai có thể chế ngự được con tim, để rồi khi nhìn lại, ta thấy mình giống như kẻ ngốc. Chàng trai trong Last Christmas đã yêu hết mình, để đến khi tuyệt vọng mới nhận ra mình quá dại khờ. Nhưng anh biết rằng, mình sẽ tiếp tục cuồng nhiệt nếu tình yêu lại đến xâm chiếm lấy tâm hồn, bởi lẽ Giáng sinh là mùa của yêu thương, của sự hồi sinh kỳ diệu và những tình yêu bất tử.

"Bể khổ" của cha đẻ bài hát Last Christmas - 2

Last Christmas trở thành một trong những bản nhạc kinh điển của lễ Giáng sinh

“Cái chết” của một thiên tài

Last Christmas ngọt ngào xuyên qua mọi lớp bụi thời gian để thánh thót ngân vang và mới mẻ như ngày đầu, thế nhưng cuộc đời chủ nhân nó thì lại như một khúc ca bi tráng.

George sinh năm 1963, trên đảo Síp, Hy Lạp, với cái tên khai sinh rất khó đọc: Yorges Kyriakou Panayiotou. Anh là con trai cả của ông Jack, chủ cửa hàng Greek Cypriot và bà Lesley, một diễn viên múa không chuyên. Chẳng ai có thể ngờ nổi con ốc sên nhút nhát, “cận thị nặng”, béo, lùn xủn George ấy lại có ngày trở thành một huyền thoại.

Suốt thời tiểu học, George thường bị chúng bạn mang ra làm trò tiêu khiển. Cậu bé ấy chỉ biết xách cặp, mếu máo chạy một mạch về nhà mách bố. Ở cửa hiệu, bố cậu tháo chiếc bao tay bám đầy bột mì trắng, xoa đầu con an ủi.  May thay, khi bước vào trường trung học Bushey Hertfordshine thì “người hùng” Andrew Ridgley xuất hiện và che chở cho George. Andrew có khá nhiều điểm tương đồng về sở thích, đặc biệt là sở thích âm nhạc với George. Anh ta kéo George ra khỏi chiếc vỏ ốc sên nhút nhát bằng cách rủ George làm DJ cho 1 hộp đêm, giúp George làm quen ánh đèn và sự náo nhiệt của sân khấu.

Không ngờ một ngày nọ, chính George lại táo bạo đề nghị thành lập ban nhạc The Executive đi hát ở các trường học địa phương. Năm 1979, lần đầu tiên George và Andrew Ridgeley biểu diễn cùng nhau trong điệu nhạc ska, có nguồn gốc từ Jamaica. George viết bài hát này với câu: "Wham bam thank you ma"am", và thế là hai người đã quyết định đặt tên cho ban nhạc mới là Wham – Phát nổ, ban nhạc huyền thoại với những bản ballad bất hủ đã lay động hàng triệu triệu trái tim người yêu nhạc trên toàn thế giới.

Ngày 28.6.1986, Wham đã biểu diễn trên sân vận động Wembley với một lượng khán giả kỷ lục, 72.000 người… Đôi bạn này đã cùng “chinh chiến” trên rất nhiều bảng xếp hạng với những Careless Whispers, Freedom, Everything She Wants… và  hai lần đoạt giải Grammy. Và điều tuyệt vời hơn cả chính là Last Christmas (1984).

Tuy thế, Wham rồi cũng đến ngày tàn. Năm 1986, họ tan rã. Một năm sau, George tung ra album solo đầu tiên của mình với tên gọi Faith (Định mệnh), album ngay lập tức đã liên tiếp đứng đầu các bảng xếp hạng và bán được hơn 7 triệu bản, một thành công rực rỡ nhất của George.

Sự nghiệp vẫn suôn sẻ nhưng cuộc sống của George bắt đầu vần vũ mây đen. Năm 1993, người tình trong bóng tối của anh là Anselmo Feleppa mất vì nhiễm HIV. Bản thân George cũng nhiều lần bị giữ vì tàng trữ ma túy và điều khiển xe hơi trong trạng thái lâng lâng vì suy sụp, phải dùng chất kích thích triền miên. Những năm đó, George sống nhờ vào ma túy, ẩn dật, hầu như không xuất hiện trên sân khấu nữa. Năm 1997, mẹ George mất vì ung thư,  mất mát quá lớn khiến George cảm thấy hụt hẫng và lại chìm đắm trong ma túy. Một năm sau đó, George bị bắt sau khi gạ gẫm làm tình với một cảnh sát trong toilet công cộng ở Will Rogers Park, Mỹ. Sự kiện ấy khiến người ta tẩy chay anh.

"Bể khổ" của cha đẻ bài hát Last Christmas - 3

Cuộc sống của George quá nhiều mây đen

Nhưng quá ngông cuồng tưởng rằng sự nổi tiếng là bảo chứng cho vị trí sáng giá của mình, George còn “chọc điên” khán giả bằng việc tái tạo lại cảnh gạ gẫm viên cảnh sát này trong một show diễn ở Miami.  Mãi đến 6 năm sau, anh mới trần tình trên CNN rằng: “Anh chàng cớm đó cứ nhìn tôi chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống, mà cái nhìn như thế có thể coi là mật mã với giới đồng tính. Cứ như thế, tôi bị thôi thúc tiến đến gần. Hậu quả là tôi bị bắt giữ, toà buộc lao động công ích 80 giờ và đóng phạt 450 USD. Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may, đây là cơ hội để tôi có thể công khai chuyện mình gay”.

Thời đó, ở thập niên 90, đồng tính vẫn còn là một điều trái với luân thường và bị dè bỉu, George không thoát ra khỏi chiếc “vòng kim cô” nghiệt ngã ấy. Người ta đã từng thần tượng anh vì tài năng, vẻ nam tính toát lên từ ánh mắt đa tình, bộ râu quai nón, nhưng rồi khi tất cả được phanh phui, George đã bị đánh gục, mất sạch mọi thứ, từ vinh quang cho tới cuộc sống cá nhân.

Nhớ chiếc mic, nhớ ánh đèn sân khấu, George thấy mình cần phải sống và đứng lên. Anh quay lại sân khấu với album Fail (Ngã). Cũng từ đây, anh công khai tên tuổi và hình ảnh người tình đồng giới của mình là Kenny Goss. Nhưng George vẫn là một kẻ đa tình, bên đời anh luôn tồn tại những chàng trai đẹp. George thường giấu Kenny, lén lút ôm ấp một tài xế taxi thất nghiệp trong bụi rậm hoặc thuê du thuyền đi nghỉ mát với các nhân viên massage nam và vẫn không thể cai nghiện được.

Tháng 7. 2010, George vừa lái xe vừa hút cần sa, chiếc Range Rover của anh đâm sầm vào tiệm ảnh Snappy Snaps ở phía bắc London khiến 3 người bị thương. Anh chính thức bị cảnh sát Mỹ liệt vào danh sách “những người có thể gây nguy hiểm cho xã hội”. Khi cánh cửa phòng giam nhà tù Pentonville vừa khép lại sau lưng, nam ca sĩ “Careless wishper” đã òa khóc nức nở như một đứa trẻ con. Những ngày ngồi bóc lịch, George mới có cơ hội nghiền ngẫm về quá khứ huy hoàng đã trượt dài trong bóng tối và gắng tìm lại cảm hứng sáng tác. Dẫu sao, còn một chút niềm an ủi, ngôi sao George dù đã tàn đi nhưng những Careless Whisper hay Last Christmas vẫn sống mãi trong lòng người yêu nhạc.

Hiện tại, George cho biết anh không có ý định viết tự truyện vì sợ vẫn chưa có hứng thú nhưng người ta đoán rằng, anh sợ làm mất lòng người tình Kenny (44 tuổi), một nhà buôn đang yêu anh say đắm.

Tháng 5.2012, George đã thực hiện tour diễn vòng quanh thế giới mang tên Symphonica Tour. Tuy nhiên, mới biểu diễn được nửa chừng thì anh bị nhiễm trùng đường ruột và phải nhập viện mất 1 tuần.

 Lắng nghe và cảm nhận ca khúc Last Christmas do Wham! thể hiện:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mốt và cuộc sống
Ca khúc hay nhất thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN