Vượt ra ao làng
Đã biết bao lần bóng đá Việt Nam tính chuyện vượt khỏi ao làng nhưng chưa bao giờ thực hiện lộ trình một cách nghiêm túc và tử tế được vì bệnh thành tích.
Người hâm mộ rất hời hợt với thông tin đội tuyển chuẩn bị tiếp Uzbekistan tại Mỹ Đình vì biết chẳng học được gì khi cả đội mệt mỏi muốn đá cho xong. Người hâm mộ cũng không háo hức chờ đợi vàng SEA Games như nhiều lần chờ đợi bởi giá trị của sân chơi ao làng Đông Nam Á ngày càng thấp.
Dù là chưa một lần lên ngôi SEA Games sau hàng chục năm chờ đợi và đã bốn lần tham dự trận chung kết nên bạc bây giờ cũng chẳng có ý nghĩa gì. Thế nhưng ngẫm nghĩ lại mới thấy vàng để làm gì khi chúng ta đã một lần vô địch AFF Cup 2008 rồi sau đó lại hụt hẫng và cứ cay cú quanh cái ao làng nhiều tiểu xảo trong vùng trũng.
Các cầu thủ U-19 Việt Nam sẽ cọ xát với các cầu thủ cùng lứa của lò Barcelona, Ajax và Nhật. Ảnh: NHƯ NGUYỆN
Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia… đều đã tính cửa vượt khỏi khu vực Đông Nam Á nhưng những bước tính nhất thời đầu tắc ở đầu ra. Nó cũng hệt như bóng đá Việt Nam từ sau chiếc HCB SEA Games 1995 đã tính đến lộ trình gia nhập làng bóng châu Á rồi dự World Cup nhưng cũng chỉ là thừa giấy vẽ voi. Cái chính là nền tảng bóng đá trẻ thì những nhà làm bóng đá lại rất nhỏ giọt khi vướng vào căn bệnh thành tích với kiểu làm “mì ăn liền”.
Năm 2000, khi đội U-16 Việt Nam dự vòng chung kết châu Á và tạo tiếng vang lớn thì Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh khẳng định xuất phát điểm của bóng đá trẻ Việt Nam không thua quốc gia nào. Điều ông Thanh nói vẫn còn nguyên giá trị nhưng ngầm chỉ ra rằng chúng ta không phát triển được lớp trẻ như những quốc gia tiên tiến là vì công tác ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển để các tài năng mọc thẳng, mọc tốt.
Lứa U-16 Việt Nam từng đứng thứ tư châu Á toàn các tài năng nhưng khi về tay người lớn thì lần lượt hỏng bởi môi trường. Có cầu thủ về địa phương thì nghiện ngập rồi mất hút; có cầu thủ về lò đào tạo trẻ nổi tiếng thì trưởng thành nhanh nhưng cũng hư nhanh khi học đòi và phải “theo” các anh lớn rồi sa ngã, bán độ, ngã và không đứng lên nổi…
Khi Quyến sa ngã rồi nhiều người mới vỡ lẽ tại môi trường, tại thằng bé chỉ biết đá bóng và chỉ được khen đá giỏi chứ chưa được dạy là người tốt biết đá bóng. Thậm chí có người còn đặt ra giả thiết nếu Quyến không ở trong môi trường và cạm bẫy đấy thì sao?
Chuyện tạo ra một con người tốt rồi song song với việc hình thành một cầu thủ giỏi lại là chuyện hiếm trong làng bóng Việt và tại các lò đào tạo. Và điểm khác biệt đấy được thấy rất rõ khi Arsenal mang cái công nghệ đào tạo của JMG trang bị cho các cầu thủ trẻ Việt Nam ở Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG.
Vì thế mà chỉ mới xỏ giày khoảng một năm sau suốt quá trình hơn bốn năm chỉ tập chân trần, các cầu thủ đấy đã làm nòng cốt của lứa U-19 Việt Nam tạo tiếng vang lớn. Họ may mắn được dưỡng dục trong một môi trường chuyên nghiệp. Và các đồng đội của họ ở U-19 Việt Nam đến từ các đội khác cũng may mắn có môi trường đấy để thẩm thấu.
Họ đâu cần phải một ban chỉ đạo hay những ban bệ lớn từ những tiến sĩ bóng đá mà chỉ cần cái tâm, những tấm lòng và những chuyên gia nhiệt tình.
Bây giờ thì lứa U-19 Việt Nam đấy chuẩn bị ra mắt một giải quốc tế U-19 với các CLB mạnh của thế giới như Barcelona, Ajax, Nhật. Một khởi đầu cho một quy trình bóng đá mới và tử tế nhưng cũng là một ý định hăm he vượt ra khỏi ao làng một cách nghiêm túc.