Vua thì đã làm sao nào?
Hàng loạt đội bóng kiện tụng liên quan đến trọng tài, những người được mệnh danh là vua trên sân cỏ. Thậm chí, lắm đội doạ bỏ giải vì vua, rồi thông tin vua bị C45 mời điều tra khiến chưa bao giờ uy quyền của “vua áo đen” xuống thấp đến vậy.
Nhiều người bất ngờ trước việc đương kim danh hiệu Còi vàng, trọng tài Võ Quang Vinh sẽ không tham gia cầm còi ở lượt về giải V-League 2013. Lý do, trọng tài này không thể vượt qua vòng kiểm tra thể lực hôm 12.6. Thế nhưng, cũng không ít người cho rằng, Vinh thật sự là một trọng tài khôn ngoan bởi, cái chân của anh đau khá kịp thời giúp Vinh đứng ra ngoài vòng xoáy đấu đá, tranh giành quyền lực và đang bị tai tiếng của giới cầm còi.
So với thời điểm năm 2012, vốn được coi là một năm đầy những bất ổn của giới trọng tài thì năm 2013 còn hơn cả vậy. Mùa bóng này được coi là mùa bóng mà các đội “bắn phá” trọng tài một cách không thương tiếc khi các đội bóng bắt được “tín hiệu”, chính những người điều hành giới trọng tài cũng muốn mượn “phốt” để cắt “dây” của nhau.
Mới nhất, hồi cuối tuần Thanh Hoá đã lại đâm đơn kiện trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh. Sau khi kể tội ông Khanh và cho rằng trọng tài này đã tước đi chiến thắng của mình trên sân Hải Phòng, phía đội bóng Thanh Hoá không quên nhắc lại chuyện cũng chính ông vua này đã ép đội mình đến độ lãnh đạo đội phải “chửi thề” rồi nhận án kỷ luật. Chốt lại, phía Thanh Hoá cho hay, họ sẽ không thi đấu nếu ban tổ chức tiếp tục để “vua” Công Khanh nắm vận mệnh của mình ở các trận đấu sắp tới. Thậm chí, phía Thanh Hoá tuyên bố mạnh miệng hơn khi cho rằng, nếu ép quá họ sẽ bỏ giải.
Việc ông Dương Vũ Lâm bị đình chỉ để phối hợp điều tra cùng cơ quan công an về trọng tài đã khiến những chiếc ngai vua lung lay dữ dội
Trước Thanh Hoá, Bình Dương cũng tuyên bố nếu còn để trọng tài Trần Trung Hiếu cầm còi những trận liên quan đến Bình Dương, họ sẽ bỏ. Lý do là hôm 15.6, trong trận đấu giữa Bình Dương và Đà Nẵng gặp nhau trên sân Chi Lăng, trọng tài Hiếu bị khán giả lẫn ban huấn luyện đội Bình Dương tố là làm vua không công tâm, ép Bình Dương cho Đà Nẵng thắng.
Nhưng, điểm cốt lõi nằm ở việc, vì sao trên một số sân, trọng tài bị tố cáo nhiều hơn hẳn lại chưa được lưu tâm đến. Ví dụ, trên sân Hải Phòng, từ đầu mùa bóng đến giờ đã có ba đội bóng phản ứng gay gắt là Thanh Hoá, Sài Gòn Xuân Thành và Đà Nẵng. Tương tự như vậy, trên các sân Thanh Hoá, Đà Nẵng và Hà Nội T&T, các trọng tài cũng thường xuyên bị kiện tụng, tố cáo là trọng tài ưu ái cho đội chủ nhà. Ngay từ trận khai mạc mùa bóng giữa Hoàng Anh Gia Lai và Hà Nội T&T, trận đấu đã nhuốm màu bạo lực, ban huấn luyện đội Hoàng Anh Gia Lai đã phản ứng quyết liệt vào cuối trận đấu. Có vẻ như, trong việc những người điều hành trọng tài phản ứng với nhau, việc ông Đoàn Phú Tấn và ông Dương Vũ Lâm tạm bị đình chỉ chức vụ vì những liên quan đến bốn trọng tài bị cáo buộc đến việc nhận tiền hối lộ, vốn bị coi là cái rủi lại có cái may. May bởi, chí ít đến thời điểm này các đội bóng mạnh miệng phản ứng hơn thay vì phải cam chịu, thay vì phải tìm cách “bôi trơn” cho được việc mình. Cũng ở thời điểm này, những người tạm được giao quyền điều hành trọng tài, những người ở VFF muốn thể hiện mình trong kỳ đại hội tới cũng không “thương tiếc” như ngày xưa, họ chứng tỏ quyết tâm giúp nền bóng đá Việt lành mạnh hơn. Xử lý các đội bóng trước tình cảnh cần đội chơi cho đủ số lượng e rằng hơi khó, xử lý các ban tổ chức sân cũng hơi cực bởi họ là người địa phương. Và còn điều gì tốt bằng việc xử lý những trọng tài, những ông vua đang bị thất sủng.
Vua thì đã làm sao nào, hết thời thì có khi vua còn đáng thương hơn cầu thủ, những người vốn được coi là thần dân đấy chứ.