DANH MỤC

Khi Anh Đức tung cú sút chân trái để đón một quả tạt như đặt của Quang Hải tại cầu trường Mỹ Đình tối 15/12/2018, có lẽ Đức không nghĩ gì trong đầu ngoài làm sao để sút bóng căng nhất có thể để ghi bàn. Đó chỉ là một trong gần 200 bàn thắng anh đã ghi được trong cuộc đời bóng đá, và có lẽ bản thân Đức cũng không hy vọng nó sẽ thành bàn khi anh đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội như thế trong sự nghiệp.

Nhưng với 90 triệu người Việt Nam, đó là “cú đấm” đủ mạnh để chặn đứng giấc mơ vô địch AFF Cup của người Malaysia. 10 năm sau cú đánh đầu lịch sử của Lê Công Vinh, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã mong chờ thêm một hình ảnh biểu trưng như vậy, một bàn thắng định đoạt chức vô địch, một người hùng đưa đội tuyển đặt tay vào ngôi vương khu vực.

10 năm, đó là hành trình mà Anh Đức đã lặng lẽ đi trong bóng tối. Câu chuyện cổ tích nào cũng có cái kết có hậu, phải chăng cú vô-lê chân trái của Đức tại Mỹ Đình sẽ là đoạn kết có hậu trong câu chuyện của chính mình?

Bàn thắng mở tỉ số tuyệt đẹp của Anh Đức (Bản quyền Next Media, phát sóng trên VTC)

Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 2

Trong lịch sử đã có 14 người được vinh dự trao giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam. Những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Vinh, Minh Phương, Tài Em và Thành Lương đều đã có không dưới 50 trận khoác áo đội tuyển quốc gia. Một số cầu thủ có sự nghiệp quốc tế kéo dài lâu hơn bất kỳ ai, như 12 năm của Công Vinh hay 9 năm của Tài Em, 8 năm của Thành Lương & Minh Phương.

Điều đó chỉ khiến việc Anh Đức, người đoạt QBV vào năm 2015, mới được chơi 32 trận cho ĐTQG từ năm 2006 đến nay, thêm phần khó giải thích. Mặc dù nổi lên cùng thời với những Công Vinh, Văn Quyết và Thanh Bình, nhưng Anh Đức luôn là người bị chìm lấp nhất, ánh sáng ít soi rọi nhất trong những năm đầu thập niên 2000 khi dư luận bàn về hàng tiền đạo của các đội tuyển Việt Nam.

SEA Games 22 năm 2003 là điểm khởi đầu. Văn Quyến đã nổi như cồn trong màu áo Sông Lam Nghệ An và bài toán dành cho HLV Alfred Riedl chỉ là ông sẽ dùng ai đá cặp bên cạnh Quyến, người đồng đội cùng CLB Công Vinh, hay chân sút có tốc độ, tranh chấp tốt Phan Thanh Bình. Anh Đức, với lợi thế thể hình và tranh chấp tốt nhưng không nhanh và khéo như Vinh, hay được ông Riedl thích như Bình, thường xuyên nằm ngoài lựa chọn của HLV người Áo.

Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 3

Anh Đức bắt đầu xuất hiện ở ĐTQG trong giai đoạn 2006 – 2007 và đã ghi 2 bàn thắng ở vòng bảng Asian Cup 2007 giúp ĐTVN lọt vào vòng 1/8. Nhưng sau đó là 3 năm anh vắng bóng trên tuyển, HLV Henrique Calisto vô địch AFF Cup 2008 với Công Vinh trong vai trò dẫn đầu hàng công. Anh Đức đứng ngoài nhìn Công Vinh lên ngôi vô địch trước khi được triệu tập một cách không đều đặn trong giai đoạn 2010 – 2014, tùy vào HLV trưởng trên ĐTQG là ai.

Và rồi giới bóng đá còn rộ lên câu chuyện không hợp nhau giữa Anh Đức và Công Vinh do xung đột quan điểm ở Bình Dương. Với lối chơi của mình, Anh Đức được HLV Lê Thụy Hải chọn làm tiền đạo cắm trên hàng công của CLB và Công Vinh phải chơi dạt biên để mớm bóng cho anh. Nhưng khi lên tuyển, Công Vinh được xem là quân bài chủ lực của HLV Toshiya Miura và sau đó là HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Việc Công Vinh phát biểu chất vấn động lực thi đấu cho ĐTQG của Anh Đức đã khiến mâu thuẫn giữa hai người dường như rộng hơn và phải đến khi Công Vinh không còn trên tuyển, HLV tạm quyền Mai Đức Chung mới đặt vấn đề mời Anh Đức trở lại cuối năm 2017. Ngay cả khi được báo tin trong lúc tập gym, Anh Đức vẫn còn tưởng cậu đồng đội đàn em trêu đùa mình nên đã “mắng” lại.

Tướng Chung là cựu Giám đốc kỹ thuật của Bình Dương, từng cầm quân ở Bình Dương, nên ông hiểu Đức, gọi anh lên tuyển, và có thể nói sau đó HLV Park Hang Seo đã gặp may khi được trực tiếp xem tiền đạo được tiến cử với ông ở hàng công của ĐT Việt Nam. Những vinh quang vĩ đại đôi lúc được bắt đầu từ những quyết định nhỏ.

Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 4 Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 5 Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 6

Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 7 Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 8 Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 9

Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 10

Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 11

Khi Anh Đức được trao Quả bóng Vàng 2015, lễ trao giải đã diễn ra trong ánh mắt nghi kỵ của nhiều người. Không ít ý kiến cho rằng một cầu thủ không chơi phút nào cho đội tuyển quốc gia lại giành Quả bóng Vàng thì có phần bất công cho những người chỉ giành Bạc và Đồng như Văn Quyết & Công Vinh, thậm chí cho rằng không nên trao Quả bóng Vàng năm đó vì đội tuyển quốc gia đá không ra gì.

Anh Đức đã ở vào thế bất lợi khi đối mặt với định kiến của người hâm mộ, lối chơi dựa vào thể lực và đá đơn giản không dễ xây dựng được ấn tượng tốt cho các đời HLV trưởng, trong khi các fan lúc đó bắt đầu chứng kiến sự trỗi dậy của lứa cầu thủ kỹ thuật như Công Phượng ở HAGL. Người ta cho rằng Anh Đức chỉ biết đánh đầu, được đá cặp với “Tây” và có đồng đội ở Bình Dương làm bóng tốt để tận dụng cơ hội ngon ăn.

Bạn đồng nghiệp cũng chỉ nể trọng Anh Đức ở khâu làm kinh tế và sự chỉn chu, cần mẫn trong tập luyện, còn khi xỏ giày ra sân thì bị đánh giá là một gương mặt hết sức bình thường, chuyên môn vừa phải. Ngay chính trung vệ đồng đội Phước Tứ, vốn thẳng tính, cũng nói rằng Anh Đức không phải thủ lĩnh ở Bình Dương, là “tuýp người chỉ cố gắng chăm sóc bản thân”.

Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 12

3 năm sau có lẽ Anh Đức vẫn không thay đổi gì mấy. Lối chơi vẫn đơn giản và không màu mè, vẫn cần mẫn trong tập luyện và tiếp tục phát triển kinh tế gia đình. Có chăng xung quanh anh điều kiện đã thay đổi: Anh được HLV Mai Đức Chung tin cậy, được HLV Park Hang Seo trọng dụng, và được đá bên cạnh những đồng đội có lối chơi tương thích.

Miura và Hữu Thắng có lý riêng của mình trong cách xây dựng lối chơi của ĐT Việt Nam trước đây, nhưng dường như chỉ có HLV Park Hang Seo dám gạt sang một bên sức ép dư luận để gọi lại Anh Đức, cũng như cách ông đã mặc kệ mọi chỉ trích mỗi lần triệu tập Văn Quyết và ở AFF Cup này là Quế Ngọc Hải. Đức không cần phải là thủ lĩnh, việc đó đã có Quyết và Hải lo, anh chỉ cần là chính mình, làm đúng chức trách trong bức tranh chiến thuật mà thầy Park vẽ ra.

Khó có thể tưởng tượng được sự nghiệp của Anh Đức ở ĐTQG sẽ ra sao nếu thầy Park không ở đây. Những định kiến năm xưa đã đeo bám anh suốt từ SEA Games 22 và có lẽ sẽ không có cơ hội để thể hiện nếu anh sớm bỏ cuộc chơi.

Nhưng thời cơ đã tới để Anh Đức cho thấy vì sao anh từng là Quả bóng Vàng Việt Nam, vì sao anh từng vượt qua những chân sút nước ngoài để trở thành Vua phá lưới V-League 2017.

Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 13

Ở tuổi 33, Anh Đức đã có một sự nghiệp CLB thành công, và anh cũng không hề thiếu thốn về kinh tế. Anh đã có 2 cửa hàng bán đồ thể thao, sở hữu một khách sạn, spa, sân bóng mini và các hình thức bất động sản khác, thuộc diện giàu có trong giới quần đùi áo số.

Anh đã có thể nghỉ hưu từ những năm trước và vẫn sẽ có một cuộc sống dễ chịu, nhưng vẫn tiếp tục theo nghề, trong lúc Công Vinh đã từ giã, còn Văn Quyến và Thanh Bình chìm vào dĩ vãng.

Quyết tâm bám trụ lại với nghề đã khiến Anh Đức được tưởng thưởng bằng một chiến thắng đáng nhớ và một khoảnh khắc lịch sử của riêng mình. Và Anh Đức là một chủ lực của chiến thắng đó. Khả năng tì đè của Anh Đức giúp giữ bóng chờ những cầu thủ tấn công kỹ thuật từ phía sau băng lên, và anh chọn vị trí cũng như dứt điểm rất nhạy bén như cách Đức đánh đầu ngay khi thấy thủ môn Philippines lên cao ở bán kết lượt đi.

Có lẽ giây phút Anh Đức từ giã đội tuyển sẽ là giây phút nhiều đồng đội phải nuối tiếc, bởi anh ăn ý với gần như mọi đối tác tấn công dù họ có khi trẻ hơn anh tới hơn chục tuổi. Cặp Văn Đức – Anh Đức tỏ ra hết sức lợi hại từ khi họ đá với nhau ở ASIAD, và Công Phượng ghi bàn đầu tiên ở giải này vào lưới ĐT Lào khi được Anh Đức làm tường.

Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 14

Nhưng khi năm 2018 kết thúc, anh có lẽ vẫn sẽ là “diễn viên phụ”, khi mà Quang Hải đã chiếm trọn gần như mọi sự tán dương của dư luận (một cách xứng đáng). Đó có lẽ là số phận của Anh Đức, một ngôi sao bị phủ bóng bởi những ngôi sao khác và bị ngờ vực khi bản thân được ghi nhận với vinh dự cao nhất.

Bộ tứ tiền đạo trẻ được đặt nhiều hy vọng từ sau SEA Games 2003 ngày nào giờ đã có 3 người chia tay bóng đá. Văn Quyến rời sân cỏ trong sự tiếc nuối cho một tài năng đã từng sa ngã, Thanh Bình lặng lẽ kết thúc nghiệp đá bóng rồi chuyển sang làm HLV lẫn tham gia bình luận bóng đá trên truyền hình, còn Công Vinh đã khóc trong trận đấu cuối cùng ở ĐTQG tại AFF Cup 2016 trước khi chuyển sang làm quản lý bóng đá.

Chỉ Anh Đức vẫn còn trụ lại, vẫn còn nhắm đến những vinh quang cao nhất. Là người cuối cùng được nhận sự trọng vọng của 90 triệu trái tim Việt Nam, nhưng nụ cười của Anh Đức là nụ cười ngọt ngào nhất, đoạn kết có hậu cho một sự nghiệp gian truân không thiếu.

Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 15
Anh Đức nói gì về hành trình AFF Cup 2018 đầy tự hào của ĐT Việt Nam và tương lai sắp tới của anh như thế nào? Mời các bạn đón đọc bài tiếp theo lúc 6h sáng thứ Tư, 19/12.

Tiền đạo Anh Đức: Từ ngôi sao bị “bỏ rơi” tới người hùng lịch sử AFF Cup 2018 - 16

Bài viết: Hoàng Quân

Ảnh: Tuấn Hữu

Thực hiện: Nãm Trung Nguyên

Thứ Ba, ngày 18/12/2018 10:07 AM (GMT+7)
Theo Q.D - N.T.N ([Tên nguồn])