Thầy trò ông Park 5 tháng chơi 3 giải lớn
Tính từ nửa tháng 8-2018 tới đầu năm 2019, các đội tuyển Việt Nam sẽ tham gia ba giải đấu quan trọng là Asiad (giữa tháng 8), AFF Cup từ ngày 8-11 đến ngày 15-12) và vòng chung kết Asian Cup (tháng 1-2019).
HLV Park Hang-seo thời gian gần đây thường sử dụng nòng cốt đội tuyển Việt Nam chủ yếu là lứa U-23 vừa thành công ở giải trẻ châu Á.
Bóng đá Asiad 18 là thành phần đội Olympic, bao gồm lứa U-23 +3 cầu thủ trên 23 tuổi nên dễ thấy bộ khung của đội tuyển quốc gia vẫn là U-23. Hàng loạt cầu thủ trẻ trụ cột trên cả hai đội tuyển, đó là Quang Hải, Văn Thanh, Xuân Trường, trung vệ Bùi Tiến Dũng, Công Phượng… Họ là những nhân tố gây đột biến trong mỗi trận đấu từ cấp độ U-23 đến cả đội tuyển quốc gia và còn có nhiều tiềm năng phát triển cao lên.
Công Phượng là trụ cột ở đội Olympic lẫn tuyển quốc gia. Ảnh: HUY PHẠM
Từ ngôi á quân U-23 châu Á, người hâm mộ Việt Nam đòi hỏi ít ra đội Olympic phải vào bán kết Asiad 18. Sức ép tiếp theo đến từ các đối thủ với sự tôn trọng lớn đồng nghĩa sẽ “soi” rất kỹ cách chơi của thầy trò ông Park. Điều này làm cho U-23 Việt Nam rất khó đá, bởi họ không còn là “kẻ núp gió” như VCK U-23 châu Á nữa.
Với hai sân chơi còn lại AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, rất nhiều trụ cột của U-23 đều là những niềm hy vọng của tuyển quốc gia. Đáng nói là hầu hết chỉ có thời gian rất ngắn để nghỉ ngơi hồi phục sau Asiad. Trường hợp Olympic Việt Nam có thành tích tốt tại Asiad sẽ tác động tốt lên AFF Cup và ngược lại, nếu kết quả không như mong đợi cũng rất ảnh hưởng đến tinh thần của họ.
Trong ba giải đấu trên, các đội Olympic và tuyển Việt Nam đều chịu áp lực thành tích lớn từ giới hâm mộ. Bốn năm trước, HLV Miura từng có công giúp đội Olympic vào tốp 16 đội mạnh nhất Asiad. Còn giải AFF Cup cũng phải nuôi mục tiêu cao, sau nhiều lần vào chung kết và từng vô địch, không thể chỉ đặt chỉ tiêu vào bán kết.
ĐT Việt Nam nằm chung bảng với 3 đối thủ Tây Á ở Asian Cup 2019.