“Soi” kỹ khi họp kỹ thuật
Có ai ngờ lãnh đạo các đội bóng dự giải U-19 trong cuộc họp kỹ thuật lại hỏi rằng nếu trận đấu bị gián đoạn thì hôm sau có thi đấu lại không và bắt đầu từ thời điểm nào.
Trọng tài FIFA Võ Minh Trí được đánh giá là “người dũng cảm” trong trận đấu vòng bảng SEA Games 27 khi làm nhiệm vụ chính trận U-23 Myanmar và U-23 Indonesia. Cũng là người tham gia Giải quốc tế U-19 NutiFood, trọng tài Trí kể những chuyện thật thú vị.
Đó là cuộc họp kỹ thuật ngày 5-1, các lãnh đội của U-19 Tottenham, U-19 AS Roma, U-19 Nhật hỏi cặn kẽ từng chi tiết từ luật đối đầu, hiệu số phụ... Thậm chí HLV của U-19 Tottenham ông MacDermott còn hỏi rằng nếu trận đấu trên sân bất ngờ gián đoạn thì sẽ thi đấu tiếp ngày hôm sau kể từ phút nghỉ hay thi đấu lại ngay từ đầu? Cũng cần phải nói thêm rằng việc gián đoạn đó có thể do mưa bão, sự cố về điện hoặc các điều kiện khách quan khác… Tương tự như thế các lãnh đạo đội U-19 AS Roma, U-19 Nhật hỏi rất sát điều lệ, xét chỉ số phụ khi hai đội đồng điểm…
Trọng tài Võ Minh Trí chỉ ra nhiều lãnh đạo đội bóng rất chủ quan và qua loa trong những buổi họp kỹ thuật. Ảnh: XUÂN HUY
Đấy là ý thức chuyên nghiệp mà trong cuộc họp kỹ thuật cần phải rõ ràng. Hoàn toàn khác với các lãnh đạo đội bóng ở Việt Nam mà điển hình là V-League 2014 khi phổ biến điều lệ, quy định mã số bốc thăm thì ai cũng cười trừ như rành rẽ lắm. Đến lúc mọi việc xong rồi và kết quả là đội mình thiệt thòi thì lúc đó mới lên tiếng cho rằng ban tổ chức không công bằng…
Thậm chí là các giải Đông Nam Á vào họp kỹ thuật cũng rất qua loa, các lãnh đội không chịu lắng nghe, theo dõi hoặc không chịu đọc tài liệu để rồi mọi chuyện xảy ra rồi mới chưng hửng.
Trọng tài FIFA Võ Minh Trí kể rằng rõ nhất là chuyện HLV Park Sung Hwa của U-23 Myanmar sau trận thua U-23 Indonesia vẫn còn tưởng rằng tính hiệu số bàn thắng bại trước (khi hai đội đồng điểm) là một thiếu sót dẫn đến sai lầm do những người trợ lý cho ông hay bản thân ông đều không quan tâm trong cuộc họp kỹ thuật. Trọng tài Trí mô tả nhiều lãnh đội đi họp kỹ thuật rất chủ quan cứ nói “À, à, hiểu hết rồi, biết hết rồi” nhưng thực chất chưa nắm rõ gì hết, đến khi xảy ra chuyện thì ôm… hận như trường hợp đội bóng U-23 của Myanmar.
Ông Trí kể tiếp thậm chí điều lệ bóng đá SEA Games còn không cho cầu thủ đeo băng keo phía ngoài vớ gần cổ chân (để giữ ống bảo vệ khỏi tuột xuống sâu). Đến khi vào làm nhiệm vụ trận U-23 Myanmar và U-23 Indonesia tôi đã buộc một số cầu thủ Myanmar phải ra tháo những dải băng keo ấy trên chân ngay tức khắc. Họ… lầm bầm bảo tôi gây khó, gây ức chế cho đội nhà. Nhưng thực chất tôi làm theo quy chế, theo điều lệ giải cơ mà. Nhiều cầu thủ Myanmar không chịu thực hiện, tôi càng cứng rắn hơn. Tôi sẽ cho thêm thời gian nhưng phải ra ngoài sân tháo những dải băng keo ấy. Cuối cùng họ chấp nhận. Nếu những điều này mà không thực thi khi cuộc họp kỹ thuật đã quy định thì trọng tài là người phải chịu trách nhiệm chính.