Sốc: Cầu thủ đen đủi bị "lạc" 73 ngày ở sân bay, gia đình tưởng đã chết
Cầu thủ bóng đá đen đủi này vừa được cứu sau 73 ngày "lạc trôi" ở sân bay với số tiền chỉ gần 300.000 đồng trong túi.
Cầu thủ bóng đá người Ghana, Randy Juan Muller đã trải qua khoảng thời gian thực sự ác mộng khi có 73 ngày lưu lạc ở sân bay Mumbai (Ấn Độ). Trước đó, khi vừa đặt chân tới sân bay Mumbai hồi đầu tháng 3, Randy Juan Muller đã nhận được thông báo về lệnh cấm các chuyến bay quốc tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Muller (khoanh đỏ) đang là ngoại binh chơi bóng tại Ấn Độ
Randy Juan Muller, ngoại binh người Ghana đã 7 lần khoác áo đội bóng giải Ấn Độ - FC Kerala mùa trước, rời Thrissur (bang Kerala) để đi tàu hỏa tới Mumbai, rồi đáp chuyến bay về quê nhà Ghana. Chuyến đi tưởng như sẽ trở thành một chuyến du lịch nhanh chóng trở thành cơn ác mộng thực sự.
Khi đến sân bay Mumbai, Muller đã được thông báo về lệnh cấm các chuyến bay quốc tế và tất nhiên, anh sẽ không thể lên máy bay trở về Ghana. Với ít hơn 1.000 rupee trong túi (khoảng gần 300.000 đồng), cầu thủ này đã buộc phải vất vưởng ở sân bay để chờ đợi cơ hội được lên máy bay.
Với sự giúp đỡ của Cảnh sát Mumbai, CISF và chính quyền sân bay, chàng trai 24 tuổi này đã được dựng tạm một chiếc lều cạnh nhà ga sân bay. Hoàn cảnh khó khăn vì hết tiền khiến Muller đã xác định sẽ chết vì sự chờ đợi quá mất thời gian.
Cho đến ngày thứ 73 sống tại sân bay, cầu thủ người châu Phi đã may mắn được Bộ trưởng Ghana, ông Maharashtra Aaditya Thackeray cùng Đại sứ quán Ghana can thiệp để đưa anh tới một khách sạn ở khá xa sân bay.
Khoảng thời gian ác mộng 73 ngày chấm dứt nhưng nó vẫn là nỗi ám ảnh cho tới tận về sau đối với Muller.
"Tôi đã ngủ lại sân bay rồi sau đó bị đánh thức bởi một cảnh sát. Ông ấy yêu cầu tôi rời sân bay vì không muốn tôi ngồi vất vưởng ở đó. Nhưng tôi không thể trở về Kerala vì các chuyến tàu đã bị hủy. Tôi cũng không thể đến khách sạn vì tôi không còn tiền trong người. Tôi đã thực sự nghĩ đến cái chết vì quá bế tắc", cầu thủ 24 tuổi chia sẻ.
Khoảng thời gian 73 ngày ác mộng tại sân bay Mumbai của cầu thủ người Ghana
Muller đã đi quanh sân bay và tìm thấy một góc khuất bên đường ga. Vị trí tương đối thoáng đãng và đủ để khuất tầm nhìn của các cảnh sát sân bay. Chính nơi anh lựa chọn đã trở thành chỗ để cầu thủ này ăn ở trong khoảng 2 tháng rưỡi. Thế nhưng, sau đó anh đã bị phát hiện.
"Gia đình tôi đã tưởng rằng tôi đã chết. Họ không thể liên lạc với tôi trong 20 ngày vì điện thoại của tôi bị hỏng. Sau đó, tôi được cho mượn một chiếc điện thoại cũ và thử liên lạc về nhà. Mọi người đều vui mừng vì nghe thấy giọng tôi. Đó là động lực để tôi sống tiếp tại sân bay, dù thực sự mọi thứ rất khó khăn", Muller bồi hồi kể lại.
"Tôi giống như ăn mày tại sân bay. Nhiều người đi qua và cho tôi thức ăn, nước uống. Tôi phải mặc một bộ quần áo suốt nhiều tuần và tôi thường chỉ cởi ra để phơi nắng trước khi mặc tiếp. Việc giặt giũ là hết sức khó khăn và tôi không còn một xu dính túi để có thể làm được gì", cầu thủ người Ghana nói thêm.
Gia đình Muller tưởng rằng anh đã chết
Tại giải vô địch bóng đá Ấn Độ, các ngoại binh như Muller thường nhận được khoản phí lót tay ban đầu là từ 30.000 đến 50.000 rupee (10-15 triệu đồng). Sau đó, họ sẽ nhận tiền sau từng trận đấu ra sân.
Ở giải VĐQG, ngoại binh thường nhận được 1.500 rupee (khoảng 450.000 đồng) cho mỗi trận đấu. Các giải hạng dưới, mức lương sẽ thấp hơn, khoảng từ 500 rupee đến 800 rupee (khoảng 150.000 đến 250.000 đồng).
"Việc thi đấu tại Ấn Độ vẫn còn tốt hơn so với cơ hội về Ghana thi đấu. Ở Ghana, tôi sẽ khó cạnh tranh cho một suất chơi ở giải VĐQG. Bởi vậy, lương của tôi tại Ấn Độ sẽ cao hơn so với việc tôi chơi ở những hạng đấu nghiệp dư tại Ghana.
Một vài ngày tới, Đại sứ quán Ghana tại Ấn Độ đã hứa sẽ đưa tôi về nhà. Tôi không có tiền để mua quà lưu niệm nhưng tôi nghĩ việc được cứu khỏi sân bay Mumbai chính là món quà mà Chúa đã dành cho tôi", Muller xúc động khẳng định.
Nguồn: [Link nguồn]
Liên đoàn bóng đá Bolivia xác nhận Deibert Frans Roman Guzman là cầu thủ bóng đá đầu tiên tử vong vì mắc Covid-19.