Quả ngọt đầu tư
Thành tích của các đội tuyển trẻ quốc gia trong thời gian vừa qua cho thấy, bóng đá Việt Nam đang đi đúng hướng khi đẩy mạnh đầu tư vào khâu đào tạo trẻ.
U19 Việt Nam
Chỉ tính riêng trong năm 2016, bóng đá trẻ Việt Nam đã liên tiếp đón nhận các tin vui khi lần lượt đội tuyển U16 và U19 giành quyền tham dự VCK châu lục. Với U19 Việt Nam, thành tích còn tuyệt vời hơn khi chúng ta hiện đã vào tới bán kết, trở thành 1 trong 4 đội mạnh nhất châu Á. Điều quan trọng hơn, lứa cầu thủ do HLV Hoàng Anh Tuấn đang dẫn dắt cho thấy sự đồng đều cả về thể hình, thể lực và tư duy chiến thuật.
Nhìn lại dài hơn, từ năm 2014 trở lại đây, bóng đá trẻ Việt Nam không hề thua sút mà đạt được thành tích rất tốt so với các quốc gia trong khu vực. Năm 2015, U23 Việt Nam từng lần đầu giành quyền tham dự VCK châu Á dưới sự dẫn dắt của HLV Toshiya Miura. Asiad 2014 tại Incheon Hàn Quốc cũng ghi nhận thành tích cao của tuyển Olympic Việt Nam. Năm 2015, dù chưa được như kỳ vọng của người hâm mộ, nhưng tuyển U23 cũng đã giành HCĐ, sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp không thành công.
Để có được những thành tựu này không thể không nhắc tới định hướng đầu tư mạnh cho khâu đào tạo trẻ do LĐBĐVN (VFF) đặt ra từ ngay đầu nhiệm kỳ VII. Kể từ thời điểm trên, bóng đá trẻ Việt Nam đã có sự chuyển mình rất tích cực. Từ chỗ thiếu hụt tài năng trẻ, Việt Nam hiện đang có rất nhiều gương mặt triển vọng, đủ để giới mộ điệu có thể chờ đợi vào thành tích cao hơn trong tương lai. Trong xu thế chung trên, không thể không nhắc đến cảm hứng do lứa trẻ Học viện HA.GL-Arsenal-JMG của bầu Đức tạo nên.
Một thực tế rất rõ nét, từ khi bầu Đức trình làng lứa U19 năm 2013, công tác đào tạo trẻ trở nên sôi động hơn giữa các CLB. Chúng ta hiện đang có những HA.GL, Viettel, PVF, Hà Nội T&T…đều đang làm rất tốt khâu tạo nguồn. Hiện nay, một đội bóng vốn nổi tiếng vung tiền tỷ mua ngôi sao để kiếm thành tích nhiều năm qua như B.Bình Dương cũng quyết tập trung nguồn lực cho đào tạo trẻ. Mỗi đội một cách làm khác nhau, nhưng đều đang tạo nên nhiều tài năng hứa hẹn.
Vấn đề lớn nhất đặt ra đối với VFF cùng các CLB hiện nay, có lẽ là việc bằng cách nào để các tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam tiếp tục phát triển lên một tầm cao hơn. Thực tế cho thấy, Việt Nam từng có nhiều lứa cầu thủ trẻ tài năng, nhiều triển vọng. Điển hình như lứa của Văn Quyến, Như Thuật… năm 2000.
Tuy nhiên, số cầu thủ tiếp tục phát triển được ở cấp độ cao hơn sau đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thành tích ở cấp độ quốc gia vì vậy qua nhiều năm vẫn chưa thoả mãn được giới mộ điệu. Một chiến lược đầu tư bài bản, giải vô địch quốc gia mạnh và sạch…có lẽ là một trong những yêu cầu cần thiết với bóng đá Việt Nam lúc này.