PSG: Tiền có mua được tình yêu?
Buồn làm sao cho một đội bóng mà ngày ra mắt tân binh đắt giá Edinson Cavani lại không thấy báo chí đăng tải thông tin rầm rộ.
Tất cả những gì mà người Pháp đang nói về trong những ngày này, đó là “La Crise”, khủng hoảng. Tất cả, ngoại trừ Paris Saint-Germain và AS Monaco, hai CLB đang sống trong thế giới riêng.
Thực ra, cả Radamel Falcao và Edinson Cavani đều có 52 bàn kể từ mùa giải 2011/12 cho giải đấu của họ (La Liga & Serie A), nhưng nếu Cavani tốn của PSG nhiều phí chuyển nhượng hơn, số tiền dành cho Falcao chiếm một phần rất lớn GDP của Công quốc Monaco.
Nhưng bất chấp thực tế như thế, người Pháp có vẻ coi thường những gì hai đội bóng này đang làm. Tờ Le Parisien (trụ sở ngay tại Paris) không nói gì về Edinson Cavani trên trang nhất số ra ngày thứ Tư (nhưng lại nói nhiều hơn về sự ra đi của Giám đốc thể thao Leonardo). Số ra ngày thứ Ba có hình của Cavani trên trang nhất, nhưng sự kiện điểm nhấn trên bìa lại là việc phí đỗ xe ở thành phố thay đổi.
L’Equipe thậm chí còn giật tít lớn cho Alberto Contador tại Tour de France, trong khi tin tức về Cavani bị đẩy xuống dưới cùng của trang nhất. Câu chuyện được viết trong tin tức ấy nói nhiều về sự hỗn loạn thời hậu Leonardo và Carlo Ancelotti.
Lý do? Đơn giản, lúc này Pháp không phải là đất nước của bóng đá được nổi bật như những quốc gia láng giềng.
Người Pháp không quan tâm tới việc Cavani ra mắt PSG
Đây là vấn đề mà các ông chủ của PSG phải đối mặt. Tập đoàn Qatar Sports Investment (QSI) muốn biến PSG trở thành CLB hàng đầu thế giới và sẵn sàng tung tiền cho Cavani, bất chấp Zlatan Ibrahimovic đã có mặt sẵn. Lý do thực ra chỉ là để “cho oai”, tức PSG làm như họ đã thực hiện được một cú hích lớn với một ngôi sao được các thế lực truyền thống theo đuổi, và kéo được khán giả đến sân xem.
QSI cũng rất thẳng thắn với tham vọng của họ. Không phải là đoạt Champions League trong vòng 4 năm tới, họ muốn đoạt Champions League ngay, và tại sao lại không nếu nhìn vào lực lượng Laurent Blanc đang có?
Nhưng giữa xây dựng một đội bóng thành công (về danh hiệu) và một đội bóng lớn (về mọi mặt), cái sau khó hơn cái trước rất nhiều. Mồ hôi và công sức phải đổ, và công trình xây dựng ấy có thể kết thúc trong những giọt nước mắt. Minh chứng cho sự thành công của một đội bóng lớn phải là tình yêu của khán giả.
Trong mùa bóng vô địch Ligue 1 vừa qua, PSG dẫn đầu về lượng khán giả với trung bình 43.000 người/trận, nhưng chủ yếu là do sân Velodrome của Marseille đang được nâng cấp cho EURO 2016. Không phải trận sân nhà nào PSG cũng bán hết vé, và họ thậm chí không bán hết nổi số vé cho trận gặp Barcelona ở tứ kết Champions League (nhiều người đến để xem Lionel Messi).
Người Pháp đơn giản là không yêu bóng đá một cách cháy bỏng, và Paris là một ví dụ. Khu nội thành Paris đã chiếm tới 1 phần 6 tổng dân số nước Pháp (65 triệu người), nhưng dù trong thành phố chỉ có một CLB bóng đá duy nhất tồn tại và đang đá ở Ligue 1, PSG không bán hết vé tất cả các trận sân nhà trong mùa giải vô địch.
Cũng chẳng phải lỗi của CLB, có thể sắp tới họ sẽ trình diễn một lối chơi đẹp hơn lối đá chặt chẽ của Carlo Ancelotti, nhưng chỉ có vô địch Champions League mới giúp PSG có cơ hội lấp đầy sân vận động của mình hàng tuần.
Ngay cả khi ấy, đối tượng mà PSG phục vụ vẫn sẽ là những người lắm tiền nhiều của và sống ở nội đô hơn là những CĐV trung thành ít ở ngoại thành. Những CĐV ít tiền này là những người mà các ông chủ PSG ít muốn giao tiếp nhất, và chỉ cần xem màn hỗn loạn tại đại lộ Champs-Elysees tháng 5 vừa qua sẽ thấy sự phẫn uất của những khán giả lâu năm nay lại không được đến xem đá bóng chỉ vì giá vé “quá chat”.
Và cả đội tuyển quốc gia nữa. Hình ảnh của Les Bleus đã bị tàn phá nghiêm trọng từ sau World Cup 2010, và nó còn bị bôi xấu hơn - trớ trêu thay - bởi Laurent Blanc và các học trò tại EURO 2012. Đang trong thời buổi khủng hoảng và chất lượng bóng đá lại tồi như thế, khán giả cũng khó mà yêu PSG cho được.