Phía sau hợp đồng "bom tấn" tại V-League
Trong nhiều trường hợp, cầu thủ chỉ được nhận chưa đến 50% khoản tiền “lót tay” so với con số công bố. Thị trường chuyển nhượng bóng đá VN, dưới bàn tay đạo diễn của “cò” và những người liên quan, trở nên méo mó.
Câu chuyện không mới, nhưng trong bối cảnh các CLB đang vùng vẫy trong khó khăn hiện nay, vẫn mang tính thời sự. Cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy, thị trường chuyển nhượng VN trở nên minh bạch hơn, dù đã “hạ nhiệt”.
Bom tấn trên thị trường chuyển nhượng
Kết thúc AFF cup 2008, Quang Hải trở về CLB K. Khánh Hòa với “vốn” là chức vô địch cùng ĐTQG. Từ thời điểm đó, giá trị của tiền đạo này được “đẩy” lên chóng mặt.
Đầu mùa 2011, Quang Hải về Navibank Sài Gòn với số tiền “lót tay” theo công bố là 9 tỷ đồng. Đội bóng của ông bầu Nguyễn Vĩnh Thọ ở thời điểm trên đang đẩy mạnh đầu tư lực lượng.
Ngoài Quang Hải, Navibank Sài Gòn còn mua nhiều cầu thủ tên tuổi khác như Tài Em (ĐT.LA) hay Được Em (Cao Su Đồng Tháp), thủ môn Santos…với tổng chi phí hàng chục tỷ đồng.
Theo những người thân cận với Hải “gà” (biệt danh của Quang Hải), tiền đạo này được nhận đủ 9 tỷ đồng từ Navibank Sài Gòn. Nằm trong số ít cầu thủ không “dính” và các tệ nạn của giới cầu thủ, Quang Hải đã làm được rất nhiều việc có ích cho gia đình từ số tiền trên.
Quang Hải có lẽ cũng là trường hợp hiếm hoi ở bóng đá VN được nhận đầy đủ tiền “lót tay” khi ký hợp đồng với một CLB mới.
Tiền đạo Việt Thắng (trái) được đưa về Ninh Bình với giá được cho là 9 tỷ đồng
Luật bất thành văn, trong hầu hết các trường hợp, cầu thủ buộc phải cắt lại một khoản % nhất định cho những người có quyền quyết định đối với bản hợp đồng của mình. Giới bóng đá gọi là tiền “phế”. Tuỳ từng thương vụ, số tiền “phế” có thể chiếm tới trên dưới 40%, thậm chí cao hơn rất nhiều so với số tiền được công bố.
Giữa mùa giải 2011, trung vệ Đình Luật được CLB Sài Gòn Xuân Thành cho Hải Phòng mượn. Số tiền Đình Luật được Hải Phòng trả, như thông báo ở thời điểm trên, là 4 tỷ đồng.
Có người thậm chí đã tính, mỗi trận đấu cho Hải Phòng, Đình Luật “bỏ túi” 270 triệu đồng. Con số thực bao nhiêu chỉ có người trong cuộc mới nắm rõ. Nhưng có một thực tế là không ít lần Đình Luật phải than thở về tiếng oan phải đeo trong một thời gian dài.
Đã có người khẳng định, Đình Luật chỉ nhận được hơn 1/10 con số kể trên một chút, và sau đó có được thêm 500 triệu đồng, gọi là “động viên tinh thần thi đấu”.
Sẽ có người hỏi, chuyện gì xảy ra nếu cầu thủ “phá kèo”, nhận tiền nhưng không chịu cắt “phế”?
Hậu vệ V.A, từng thi đấu qua nhiều đội bóng như HN.ACB, Huế, Ninh Bình và Than Quảng Ninh. Mùa giải 2012, hậu vệ này đầu quân cho một CLB phía Bắc với bản hợp đồng có thời hạn 3 năm, tiền “lót tay” 1,8 tỷ đồng. Hết giai đoạn 1, hậu vệ này không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu, và được CLB “gợi ý” tìm đội mới, đền tiền thanh lý hợp đồng.
Cho tới thời điểm hiện tại, V.A hiện vẫn chưa có cơ hội được thi đấu trở lại. Người trong giới khẳng định, V.A không thực hiện giao kèo trước đó, cắt tiền “phế tương” đương 1/3 chi phí “lót tay” cho những người thực hiện bản hợp đồng trên.
V.A cũng là trường hợp hiếm bởi trong đa số các thương vụ chuyển nhượng khác, cầu thủ thường thực hiện đúng giao kèo trước đó.
Trong số các CLB ở VN hiện nay, The Vissai Ninh Bình từng nổi đình nổi đám với các thương vụ chuyển nhượng có giá trị cao kỷ lục. Điển hình phải kể đến hợp đồng của trung vệ Như Thành, tiền đạo Việt Thắng (Bình Dương), thủ môn Đinh Hoàng La, tiền vệ Mai Tiến Thành… Trong số trên, hợp đồng với tiền đạo Việt Thắng được cho là 9 tỷ đồng, Như Thành 8,5 tỷ đồng.
“Cò” lợi lớn
Nhắc đến The Vissai Ninh Bình, không thể không nói tới cựu Giám đốc điều hành (GĐĐH) Trần Tiến Đại, người được biết đến nhiều hơn với tên gọi “Cò” Đại. Chỉ sau vài năm dưới sự điều hành của ông Đại, Ninh Bình đã trở thành “trạm trung chuyển” cầu thủ ở miền Bắc, với hàng chục bản hợp đồng tiền tỷ mà Như Thành và Việt Thắng như kể trên là điển hình.
Do số tiền “phế” từ mỗi bản hợp đồng có thể lên đến vài tỷ, nên việc ký một bản hợp đồng mới cũng đồng nghĩa những người có liên quan có thể “bỏ túi” một khoản tiền vô cùng lớn. Tiền “lót tay” cho cầu thủ (trên danh nghĩa) theo đó cũng được đẩy lên cao ở mức tối đa có thể.
Ông Trần Tiến Đại nổi tiếng với những phi vụ mua bán cầu thủ đình đám
HLV, GĐĐH hay thậm chí chủ tịch một CLB đều có thể trở thành “cò”, hoặc trực tiếp quyết định hợp đồng để hưởng khoản tiền “phế” của cầu thủ.
Một vài thời điểm, “cò” thường thích làm các vụ chuyển nhượng nội binh vì độ an toàn cao. Với những ngoại binh chất lượng chỉ tầm tầm, “cò” buộc phải lo chi phí vé máy bay, khách sạn, sinh hoạt…trong thời gian tìm được CLB chấp nhận ký hợp đồng. Độ rủi ro vì vậy cũng cao hơn.
Năm 2011, “cò” Đại rời Ninh Bình chuyển sang CLB Sài Gòn Xuân Thành. Gần như lập tức, đội bóng của bầu Thụỵ trở thành điểm “nóng” chuyển nhượng.
Cũng thời điểm trên, ông bầu Hoàng Mạnh Trường của The Vissai Ninh Bình cũng lên báo “tố” cựu GĐĐH Trần Tiến Đại “phá bóng đá VN”.
Kết thúc mùa giải 2011, tại hội nghị ông bầu 28 CLB tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ đã lên tiếng chỉ trích một số HLV làm nhiều việc ảnh hưởng tới đội bóng.
Trong bài phát biểu, bầu Đệ gián tiếp đề cập tới những mờ ám trong hoạt động chuyển nhượng. Thanh Hóa có lẽ nằm trong số hiếm các CLB ở VN hiện nay, khi HLV trưởng không được toàn quyền quyết định các vấn đề chuyên môn, nhân sự của đội bóng.
Sức nóng chỉ giảm khi các CLB bắt đầu “ngấm” đòn khủng hoảng kinh tế. Tới thời điểm hiện tại, đa số các CLB đều phải thắt chặt chi tiêu, giảm thiểu tối đa các khoản đầu tư không cần thiết. Giá trị cầu thủ cũng được trả lại đúng thực chất hơn.
Đầu mùa giải vừa qua, SLNA được cho là chỉ phải bỏ ra khoản tiền gần 1/3 so với dự toán ban đầu để giữ chân các trụ cột như Trọng Hoàng, Đình Đồng, hay Âu Văn Hoàn. Công Vinh, để tránh thất nghiệp, cũng chấp nhận “đại hạ giá” để trở về quê hương và đang cùng SLNA thăng hoa với những số liệu ấn tượng cả trên sân cỏ lẫn khán đài.