Những chảo lửa... hết nhiệt
Lượng khán giả đến sân gần đây có nhúc nhích đôi chút so với giai đoạn ế ẩm vì EURO 2016. Nhưng về tổng thể, bài toán lôi kéo CĐV tới sân vẫn khiến VFF trước kia cũng như VPF hiện nay phải đau đầu.
Đơn cử như lượt trận 17 vừa diễn ra hồi cuối tuần qua, các sân nổi tiếng “nóng” như Lạch Tray (Hải Phòng), hay Thanh Hóa cũng chỉ tròm trèm 9.000 người. Đấy là cả Hải Phòng và Thanh Hóa đều đang trong cuộc đua vô địch, tinh thần của CĐV hai đội rất phấn khích. Đối thủ của Thanh Hóa và Hải Phòng lượt 17 lại đều là những đội rất mạnh. Thanh Hóa “đụng” ĐKVĐ B.Bình Dương, trong khi Hải Phòng tiếp đối thủ nhiều duyên nợ SHB Đà Nẵng.
Những khán đài vắng tanh ở sân Lạch Tray (nơi vốn luôn đầy ắp khán giả những mùa giải trước) trong lượt trận cuối tuần qua. Ảnh: VSI
Giai đoạn cao điểm, “thánh địa” Lạch Tray của Hải Phòng với sức chứa gần 30.000 người trận nào cũng gần như không còn chỗ trống. Tương tự, Thanh Hóa cũng là đội bóng có số lượng CĐV đông đảo ở V.League. Nhìn vào lượng CĐV hiện nay mà kể chuyện thời xưa thì những người làm bóng đá ở Thanh Hóa và Hải Phòng chắc chỉ thêm buồn.
Ít hơn một chút, sân vận động Hàng Đẫy lượt đấu vừa qua đón tới 8.000 CĐV. Đây là con số vào loại “khủng” so với tình trạng ế ẩm kinh niên của Hàng Đẫy lâu nay. Được đến vậy cũng nhờ Hàng Đẫy đón một lượng lớn CĐV SLNA, đâu vào khoảng trên dưới 5.000 người. Bình thường, đếm “thoáng tay” mấy, sân bóng của Hà Nội T&T cũng chỉ được dăm đôi nghìn CĐV. Kể cũng thiệt thòi cho đội bóng của bầu Hiển, năm nào cũng hoặc vô địch hoặc trong tốp đầu, nhưng vẫn chẳng được mấy người yêu. Người Hà Nội chẳng hiểu có phải do kỹ tính, qua bao năm vẫn không thay đổi tình yêu.
Bóng đá Hà Nội xưa như chia đôi, một bên theo Thể Công, một bên dành sự ủng hộ cho Công An Hà Nội. Cả hai cái tên nay chỉ còn trong quá khứ, nhưng lâu lâu người ta vẫn thấy CĐV của 2 đội bóng tụ họp bên nhau, hàn huyên, kể chuyện cũ. Chẳng thiếu những lời kêu gọi mong một ngày Thể Công tái xuất. Nhưng với Hà Nội T&T thì tịnh chẳng mấy người. Bầu Hiển chẳng phải không quan tâm tới CĐV.
Ông Hiển từng mời cả danh hài Chí Trung vào Hội CĐV của đội, hòng mong thu hút CĐV đến sân. Nhưng quyền năng của Táo giao thông có lẽ chưa đủ lớn, hoặc người hâm mộ bóng đá Hà Nội chưa chịu chuyển lòng, nên sân Hàng Đẫy vẫn vắng hoe. Một dạo thấy Chí Trung hay ra sân, nhưng gần đây có vẻ vắng hẳn. Lượt trận 17 chẳng thấy mặt danh hài đâu.
Bỏ qua Hàng Đẫy thì một loạt sân bóng từng được ví như “chảo lửa” với lượng CĐV đông đảo trước đây, nay đã giảm nhiệt đi khá nhiều. Không kể tới Thanh Hóa và Lạch Tray ở trên, thành Vinh của SLNA cũng đang trong cảnh vắng. Các vòng đấu gần đây của thầy trò HLV Ngô Quang Trường, sân Vinh chỉ lèo tèo được vài nghìn CĐV. Chẳng hiểu lãnh đạo Nghệ An và những người làm bóng đá xứ Nghệ có buồn, có lo không, chứ nơi khác nhìn vào cũng thấy tiếc nuối.
Sân Gò Đậu của Bình Dương từng có lúc khá đông, nay cũng thưa thớt. Dưới thời của tân TGĐ Lê Hồng Cường (thay ông Cao Văn Chóng qua làm TGĐ VPF), sân Gò Đậu ngày càng vắng khán giả. Một đội bóng vốn nhận được nhiều yêu mến như HA.GL, nhưng do thành tích gần đây không được tốt, số lượng CĐV đến sân Pleiku cũng không còn đông đảo như giai đoạn cao điểm.
Mất khách, V.League cũng giảm sức hút đối với các nhà tài trợ. Những năm vừa qua, việc tìm kiếm nguồn thu của VPF trở nên khá chật vật. Chẳng đâu xa, như để chuẩn bị cho mùa giải tới, quan chức VPF mới đây than thở, đang gặp nhiều khó khăn khi đàm phán với các đối tác. Do bức tranh kém tươi sáng của giải các vòng đấu vừa qua, và chắc chắn cũng có phần do việc khán giả kém đông đảo. Bị nhắc chuyện tiêu cực nhiều quá, VPF có lúc quay sang “trách” cả báo chí, rằng trong bóng đá, truyền thông đóng vai tiền đạo, nhưng cứ “đá phản lưới nhà” suốt thì chịu sao thấu.
Giai đoạn cao điểm, “thánh địa” Lạch Tray của Hải Phòng với sức chứa gần 30.000 người trận nào cũng gần như không còn chỗ trống. Tương tự, Thanh Hoá cũng là đội bóng có số lượng CĐV đông đảo ở V.League. Nhìn vào lượng CĐV hiện nay mà kể chuyện thời xưa thì những người làm bóng đá ở Thanh Hoá và Hải Phòng chắc chỉ thêm buồn. |