Năm không vàng…
Tuổi 19 của giải thưởng cao quý Quả bóng vàng bất đắc dĩ… không sinh nhật mà theo ban tổ chức là: “Năm 2013 chắc chắn không phải là năm thành công của bóng đá Việt Nam, nếu không nói có quá nhiều nốt trầm”.
Thực tế không chỉ ở mùa bóng này mà trong vài năm gần đây, bóng đá Việt Nam thường gây ra chuyện buồn nhiều hơn vui. Nếu như ở năm đầu tiên 1995, các nhà tổ chức khai sinh ra giải thưởng Quả bóng vàng hào hứng với chiếc HCB SEA Games 18 và muốn ghi công cầu thủ bao nhiêu thì sau này, họ như rơi vào hố sâu hụt hẫng bấy nhiêu.
Trưởng ban tổ chức Nguyễn Thành Lợi trần tình, qua 18 lần tổ chức, giải thưởng đã góp phần không nhỏ của mình trong việc phát triển nền bóng đá nước nhà. Vì vậy đã không ít lần giải thưởng đối diện với khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan nhưng vẫn được tổ chức thành công…
Công Vinh thi đấu tại Nhật Bản
Ngay cả phó Chủ tịch chuyên môn VFF Trần Quốc Tuấn cũng thừa nhận thời gian qua thành tích không tốt trên các đấu trường quốc tế của các đội tuyển đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh của bóng đá Việt Nam. Thậm chí đến cả tổ chức lãnh đạo nền bóng đá VFF cũng không thể hoàn thiện công tác đại hội nhiệm kỳ để đổi mới mà còn hoãn đến hai lần.
Trong khi đó, giải V-League ở mùa chuyên nghiệp thứ 14 vẫn hết sức nghiệp dư với những vấn nạn cũ cũng không tìm đâu ra một gương mặt nổi bật có thể trao bóng vàng thiếu tuổi…
Một năm của bóng đá Việt Nam gặt hái quá nhiều chuyện xui xẻo dù bóng đá nữ đoạt vé vào vòng chung kết châu Á, hạng nhì SEA Games hay tuyển U-19 quốc gia chơi tưng bừng ở giải Đông Nam Á và vòng loại châu Á vẫn không cứu vãn nổi bức tranh ảm đạm của cả một nền bóng đá.
Có ý kiến dự đoán Công Vinh có khả năng đoạt Quả bóng vàng nếu giải thưởng này được trao nhưng nhìn lại thì dấu ấn lớn nhất của chân sút này chỉ là việc chuyển nhượng có tiền cho đội hạng nhì Nhật Sapporo.
Thôi thì thà để một năm không bóng vàng còn hơn là miễn cưỡng trao vàng cho cầu thủ nào đó chưa đủ sức thuyết phục trong tiếng xì xào của dư luận có khi còn làm họ mắc cỡ hơn.