Lợi thế
Ứng viên cạnh tranh duy nhất với ông Lê Hùng Dũng trong cuộc chạy đua tới ghế chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Lê Khánh Hải sẽ không rút lui nhưng khả năng đương kim phó chủ tịch tài chính của VFF một mình về đích vẫn khá lớn.
Đại hội VFF đã bị trì hoãn tới 4 tháng, từ đầu tháng 6 sang đầu tháng 10-2013 nhưng nhiều khâu chuẩn bị đang bị đình trệ. Vấn đề then chốt là nhân sự ứng viên cho vị trí chủ tịch đã được chốt lại nhưng đến giờ này, hồ sơ của các ứng viên vẫn chưa được cơ quan quản lý của họ phê duyệt để VFF gửi sang Bộ Nội vụ. Theo Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, Trưởng Tiểu Ban nhân sự đại hội, hồ sơ ứng viên thực ra không có gì phức tạp, chỉ là sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp của họ với nguyện vọng ứng cử chủ tịch.
Thứ trưởng Lê Khánh Hải không có ý kiến gì xung quanh việc chậm trễ hồ sơ của mình dù Ban Cán sự Đảng Bộ VH-TT-DL đã có ý kiến chính thức và cả bằng văn bản với VFF về việc đề cử ông. Trong khi đó, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói: “Việc của tổ chức cứ đợi tổ chức”.
Thứ trưởng Lê Khánh Hải là người ủng hộ việc hoãn Đại hội VFF đến đầu tháng 10. Khi đó, rất nhiều ý kiến cho rằng trước một ứng viên dày dạn kinh nghiệm như ông Lê Hùng Dũng, ông Hải muốn có thêm thời gian để chứng tỏ mình trong mắt công chúng. Tuy nhiên, quãng thời gian Đại hội VFF bị hoãn lại là lúc ông Dũng ghi điểm đậm nét. Việc đưa Arsenal đến Việt Nam có dấu ấn lớn của ông Dũng, giúp ông đang dành lợi thế.
Đại hội VFF sẽ bầu ra chủ tịch mới
Ông Hải thể hiện sự sát sao hơn với những vấn đề nóng của ngành thể thao và lĩnh vực bóng đá, nhất là sau khi ông lên tiếng về việc cần đầu tư hơn cho bóng đá nữ - đội vừa giành quyền vào vòng chung kết châu Á và có cơ hội lần đầu giành vé dự cúp thế giới, cũng như cho các đội tuyển quốc gia.
Ý kiến của các cựu lãnh đạo VFF và ngành thể thao cho rằng VFF là một tổ chức xã hội thì nên chọn người “xã hội”, thay vì người do Bộ VH-TT-DL đưa về, có vẻ đang giúp ông Dũng trở thành người thích hợp hơn ông Hải vào lúc này.
Ông Hải cũng nhiều lần bày tỏ quan điểm quá tải với công việc quản lý ở Bộ VH-TT-DL. Vì vậy, việc đảm nhận thêm trọng trách lãnh đạo cao nhất ở VFF có thể sẽ làm những người bỏ phiếu cho ông ngại ngần.
Tuy vậy, cuộc đua từ nay đến khi Đại hội VFF diễn ra hứa hẹn còn nhiều bất ngờ, bởi đây là lần đầu tiên 2 ứng viên chạy đua đều "nặng ký", đều có lợi thế khác nhau. Việc chọn ai cũng cho thấy những người làm bóng đá lựa chọn hướng đi nào cho VFF trong tương lai: Xã hội hóa triệt để hay tiếp tục con đường được dẫn dắt bởi một vị chủ tịch là lãnh đạo trong ngành để được “bảo trợ”?