Hàng công Chelsea: Tiền, SAO & kết quả
Nhìn vào hai cái tên mà Chelsea đang sở hữu. Rồi nhìn vào số tiền mà họ đã phải bỏ ra để có được sự phục vụ của hai chân sút Torres và Ba thì bất kỳ ai cũng phải nể nang đôi phần. Nhưng thực tế, Tiền hay những cái Tên chưa phải là thước đo chính xác nhất cho sự thành bại.
Một bản hợp đồng “khủng bố” trị giá 50 triệu Bảng tức tốc được thực hiện vào kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2 năm về trước nhằm mục đích xóa bỏ toàn bộ sự lệ thuộc vào Drogba, cũng là để thực hiện mục tiêu sexy hóa bóng đá. Một bản hợp đồng khủng bố tiếp theo cũng được tức tốc thực hiện vào kỳ chuyển nhượng mùa Đông năm nay, để đóng vai trò bổ trợ, sửa sai cho bản hợp đồng khủng bố trước đó. Thế nhưng…
Phải nói thẳng một điều rằng bản hợp đồng mang tên Demba Ba cũng lại là một thất bại ê chề của Chủ tịch Roman Abramovich. Thực tế, Ban lãnh đạo Chelsea đã định đợi đến khi mùa giải kết thúc mới tính đến chuyện chiêu mộ chân sút người Senegal. Song với nhu cầu bức bách cần phải có người chia lửa, đồng thời khích tướng để Torres hồi sinh, cho nên Chelsea ngay lập tức phá két để đưa ngôi sao này về Stamford Bridge ngay trong mùa Đông, khoảng thời gian cực khó để thích nghi với môi trường mới.
Lợi ích thì chẳng thấy đâu, mà sự xáo trộn trong đội hình Chelsea là điều có thể thấy rõ. Thứ nhất, Ba và Torres là hai mẫu tiền đạo đối lập và dường như không bao giờ có thể cùng nhau sát cánh. Bởi thế cho nên, hệ thống thi đấu của The Blues cứ thay đổi xoành xoạch để phuc vụ cho lối chơi của hai chân sút kể trên mỗi khi một trong hai được đá chính. Thứ hai, sự có mặt của Ba đồng nghĩa với việc một chân sút khác phải ra đi, mà người chịu thiệt thòi ở đây là Daniel Sturridge, một chân sút trẻ đang lên và được cả nước Anh kỳ vọng.
Ba đóng vai một chàng trai trẻ, giàu nhiệt huyết nhưng cực kỳ thiếu sự sắc sảo.
Điểm sáng duy nhất người ta có thể nhận thấy ở hai tiền đạo này, đó là những phút tỏa sáng xuất thần tại Europa League và FA Cup. Ở nơi đó, những đối thủ sừng sỏ như Rubin Kazan hay Man Utd lần lượt bị những “nhát kiếm” của Torres và Ba “sát hại”.
Nhưng về với đấu trường quốc nội thì bộ đôi này lại kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Một câu chuyện mà Torres luôn thể hiện mình là một nhân vật mờ nhạt, thiếu sức sống. Trong khi đó, Ba đóng vai một chàng trai trẻ, giàu nhiệt huyết nhưng cực kỳ thiếu sự sắc sảo. Có một dẫn chứng chỉ ra rằng: hàng công của Chelsea chỉ ghi được chưa đến ¼ số bàn thắng của toàn đội. Nếu ở một đội bóng bình thường khác, thì thành tích của hàng tiền đạo lẽ ra phải gấp nhiều con số đó.
Hãy nhìn vào số liệu thống kê dưới đây để thấy sự khập khiễng nếu đặt hàng công của Chelsea bên cạnh đối thủ lớn nhất của họ là Man Utd:
Đội bóng | Tổng số bàn thắng | TB số bàn/trận | Tổng số pha kiến tạo | TB kiến tạo/trận | Tỷ lệ ghi bàn cho toàn đội |
Chelsea | 10 | 0.32 | 4 | 0.13 | 23% |
Man Utd | 40 | 1.25 | 19 | 0.6 | 81% |
Vậy nguồn sống của Chelsea ở đâu, để đến tận phút này họ vẫn “tồn tại” được ở vị trí thứ 3 trên BXH? Câu trả lời nằm ở sự cơ động và biến ảo của tuyến tiền vệ. Người ta hết lời ca ngợi Chelsea là đội bóng có lối chơi quyến rũ nhất mùa giải này kể cũng đúng. Nhìn vào cách những nghệ sỹ sân cỏ như Mata, Hazard hay Oscar tung hoành ở giữa sân, ai cũng phải thừa nhận Chelsea chơi thực sự thích mắt.
Nhưng, thích mắt là một chuyện, thực dụng để thành công lại là chuyện khác. Ở đây, trách nhiệm không ai khác thuộc về những con người góp mặt ở hàng công. Sự tồn tại của Torres ở Chelsea trong suốt 2 mùa giải qua đã không mang đến một cuộc cách mạng. Sự góp mặt của Demba Ba không mang đến nhiều đổi thay tích cực như người ta mơ ước.
Đã có ý kiến cho rằng, nhìn vào đội hình thi đấu của Chelsea mà không có hoặc là Mata hoặc là Hazard thì kể như đội bóng sẽ mất đi một phần lớn sức mạnh. Nếu đúng như vậy, thì hàng công siêu đắt giá kia ở đâu? Họ tồn tại, hay không tồn tại?!