Đạo đức & bạo lực sân cỏ VN: Sản phẩm của ai?
Xin nói luôn, bạo lực sân cỏ ở đâu cũng có. Và đạo đức, vốn dĩ cũng là một khái niệm khá mông lung, thậm chí mơ hồ. Nhưng tại sao và như thế nào, mỗi khi sân cỏ dậy sóng, thì cũng rất nhanh chóng, 2 phạm trù này được ghép lại, như thể một phần không thể thiếu của bóng đá Việt Nam?!
1. Tháng 9/2011, trong buổi tọa đàm của các ông bầu bóng đá với chủ đề “Doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho nền bóng đá Việt Nam”, bầu Đức đã phát biểu: “Cầu thủ bây giờ càng ngày càng mất dạy”. Tất cả đều biết luôn rằng, đối tượng mà ông Đức muốn đề cập tới ở đây là Nguyễn Tăng Tuấn, một cầu thủ cũ của HA.GL vừa chuyển về đầu quân cho B.BD vào thời điểm đó.
Theo ông Đức, việc Tuấn từ chối ký tiếp hợp đồng với nơi đã cho mình cơ hội thăng tiến nghề nghiệp thuở ban đầu (chứ không phải nơi đào tạo, vì thực tế HA.GL không đào tạo ra Tăng Tuấn, mà là Sở TDTT Gia Lai (cũ)-PV), để chạy theo tiếng gọi của đồng tiền là không thể chấp nhận.
Tất nhiên, Tuấn (và đồng nghiệp của anh) không có nhu cầu giải thích, hay nếu muốn, cũng không thể, bởi chuyện mua bán hay đẩy giá (cầu thủ) là chuyện riêng của các… ông chủ. Trong quá khứ và cả hiện tại, HA.GL đã dùng tiền đấu tiền để lấy bao nhiêu ngôi sao của đội bóng khác, chắc không cần phải nhắc thêm nữa.
Những pha bóng bạo lực như thế này không phải chuyện hiếm trên sân cỏ VN. Ảnh: V.V
2. Trở lại với vấn đề nhận thức hay trình độ học vấn của đại bộ phận các VĐV thể thao nói chung và cầu thủ bóng đá nói riêng, đó không phải là chuyện riêng của trường học, của nền bóng đá, mà của toàn xã hội rồi. Xã hội đã đẻ ra cơ chế đào tạo và sử dụng VĐV như thế (vốn thiếu sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành), thì xã hội phải gánh chịu những hệ lụy.
Một giai đoạn rất dài, dân tình bóng bánh nêu cao các tấm gương (hoặc thậm chí là tự huyễn hoặc) về bóng đá xứ Bắc. Rằng, đá bóng phải thế, phải khôn ngoan như người Nghệ hay dân Nam Định, mới thắng được thiên hạ. “Cầu thủ xứ Bắc quái lắm”, chia sẻ nghe rất quen tai của các cầu thủ miền trong. Nhưng, cái sự “quái” ở đây là gì? Trả lời luôn: “Họ dở đủ các chiêu trò trên sân, khiến đối phương và cả TT chẳng làm gì được”.
À, thì ra là thế! Với những ai từng đôi lần xỏ giầy hay đeo găng vào sân, dù chỉ ở những trận đấu phong trào cấp cơ quan ban ngành hay phường xã, cũng sẽ phần nào cảm nhận được những “hỉ, nộ, ái, ố” ở trên sân.
3. Tuy nhiên, cũng không thể đánh đồng “những chiêu trò” trong bóng đá, với nhận thức, học vấn hay mặt bằng kiến thức xã hội. Một anh nhà báo hay anh kỹ sư dám chắc không xấu chơi, cài người hay cãi nhau với đối thủ, TT ở trên sân không?! Trên thế giới, bản chất bóng đá (và các trận đấu) giống nhau, chỉ đẳng cấp mới là sự khác biệt.
Bóng đá trước khi là môn thể thao vị thành tích, nó đơn thuần chỉ là trò chơi. Mà đã là trò chơi, ắt phải cao thượng và “fair-play”. Tất nhiên giữa việc nêu cao ngọn cờ “fair-play” và thực hiện nó, là cả một vấn đề.
Những nền bóng đá phát triển nhất chưa hẳn tập trung ở các quốc gia phát triển nhất, nhưng sự thật rằng, ở đó, ý thức trang bị kiến thức nền cho đội ngũ cầu thủ, HLV rất được nêu cao. Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng chỉ cần, chứ chưa đủ, để tạo nên đẳng cấp của nền bóng đá, môn thể thao vốn nặng tính đối kháng.
Khi nào cầu thủ, HLV và cả nền bóng đá ý thức rằng, việc học trước nhất là cho mình, chứ không phải cho ai khác, chừng đó mới hy vọng. Chỉ có điều, khi tất cả chưa kịp nghĩ đến nó, họ đã bị lùa ra sân thi thố, chiến đấu giành thành tích rồi. Vậy có thể trách ai đây?!