Công Vinh đi, còn lại khoảng trống
Sự ra đi của Công Vinh không chỉ khiến SLNA gặp khó khăn cho việc tìm người thay thế, mà cuộc đua vua phá lưới ở V.League lại quay trở lại thành cuộc chơi riêng của những cầu thủ ngoại.
Trung phong nội đâu rồi?
Không khó để giải thích nguyên nhân vì sao kể từ khi V.League ra đời, bóng đá Việt Nam thiếu hẳn những trung phong nội mà chưa nói đến xuất sắc như Huỳnh Đức ngày trước mà chỉ cần “tạm được” thôi cũng chưa thấy. Đơn giản, vị trí ấy đã được CLB dành sẵn cho các cầu thủ ngoại. Ngay cả những cầu thủ nội ghi nhiều bàn thắng nhất các mùa giải vừa qua như Công Vinh, Quang Hải, Đình Tùng, Tăng Tuấn... đều chơi ở vị trí là một tiền vệ cánh chứ không phải là một tiền đạo mũi nhọn như sở trường của họ.
Điều ấy có nghĩa, nhiệm vụ chính của các cầu thủ này khi ra sân không phải để ghi bàn mà để phục vụ cho các cầu thủ ngoại. Những cầu thủ có ngoại hình và bản năng của một trung phong như Hà Minh Tuấn, Anh Đức, Mạc Hồng Quân, Việt Thắng... cũng phải chấp nhận đá lùi như tiền vệ. Chưa nói đến khả năng ghi bàn có hơn các cầu thủ ngoại hay không thì trong hoàn cảnh ấy quá khó để cho các cầu thủ nội có thể nghĩ đến đua tranh ngôi vị “vua phá lưới” với các tiền đạo ngoại.
Tiền đạo nội lép vế
Cơ hội có, nhưng...
Trong bóng đá hiện đại thì đôi khi tiền đạo chưa hẳn là người giữ nhiệm vụ ghi bàn. Tùy thuộc vào chiến thuật của mỗi HLV mà các chân sút nội vẫn có khả năng và cơ hội để tìm kiếm bàn thắng cho riêng mình. Trường hợp của Công Vinh mùa giải này là một ví dụ. Ở SLNA, Công Vinh không chơi ở vị trí tiền đạo mũi nhọn, nhưng trong cách tổ chức lối chơi của HLV Hữu Thắng, Vinh chính là điểm đến của những pha kết thúc tấn công. Trong cách chơi ấy, các tiền đạo ngoại như Plaza, Kavin đóng vai trò là những “chim mồi” tạo khá nhiều khoảng trống cho Công Vinh đột nhập và ghi bàn.
Trong 14 bàn thắng của Công Vinh mùa này, đa phần đều là những tình huống anh thoải mái đối mặt với thủ môn đối phương. Trường hợp của Anh Đức cũng tương tự. Cầu thủ này có sở trường chơi trung phong nhưng kể từ HLV Lê Thụy Hải trở lại thì Anh Đức chơi như một tiền vệ, các tiền đạo Philani và Sunday là những người đóng vai trò tạo cơ hội cho Anh Đức. Đến lúc này, Anh Đức vẫn đang là cầu thủ ghi bàn số một của đội bóng đất Thủ, điều đó cho thấy dù không chơi gần khung thành đối phương, nhưng các chân sút nội vẫn có cơ hội để ganh đua với các tiền đạo ngoại.
Tuy nhiên, những cầu thủ mang bản năng “sát thủ” như Công Vinh, người có thể tận dụng được mọi khoảng trống trước cầu môn, ở bóng đá Việt Nam bây giờ là quá ít ỏi. HLV Phan Thanh Hùng hay Huỳnh Đức cũng từng sử dụng cách chơi này để tạo cơ hội cho Văn Quyết hay Quốc Anh... nhưng kết quả là rất khiêm tốn. Ngay cả Anh Đức, dù ghi nhiều bàn nhất của B.BD nhưng số cơ hội “ngon ăn” mà cầu thủ này bỏ lỡ cũng hơn gấp nhiều lần. Cũng cần nói thêm rằng, 7 bàn thắng của Anh Đức thì có đến phân nửa được ghi trong trận gặp Thanh Hóa, nghĩa là phong độ ghi bàn của cầu thủ này cũng không cao.
Những cầu thủ có khả năng ghi bàn khác đáng kỳ vọng như Quang Hải, Việt Thắng, Tăng Tuấn... thì số bàn thắng họ ghi được như “lá mùa thu”. Đình Tùng thì “mất tích” hoàn toàn, còn những tiền đạo trẻ như Hà Minh Tuấn, Mạc Hồng Quân vẫn chưa thể hiện khả năng ở V.League.
Thế nên, khi Công Vinh ra đi, nhìn lại cả V.League chợt giật mình khi thấy chẳng có cầu thủ nào có đủ khả năng để đảm đương vai trò ghi bàn. Đương nhiên, ĐTQG chính là nơi nhận hậu quả từ việc này, khoảng trống mà Công Vinh để lại quả thực là quá lớn với cả nền bóng đá lúc này.