Chuyện “phức tạp” ở phòng vé
Nhìn cảnh người hâm mộ lũ lượt xếp hàng chờ đọc loa cho từng 10 người vào một lách qua cái cổng nhỏ có 5-6 anh bảo vệ đứng gồng mình ép chặt cửa trông rất phản cảm.
Chứng kiến cảnh bán vé ở sân Thống Nhất chính những người đứng ra tổ chức giải cũng lắc đầu ngao ngán với kiểu bán vé như thời bao cấp. Thực tế thì lâu lắm rồi sân Thống Nhất mới có cơ hội sốt vé đến như vậy. Mừng với một giải đấu trẻ nhưng lại buồn với công tác tổ chức bán vé mà hình như bộ phận phụ trách vé ở sân Thống Nhất cố tình chọn giải pháp phức tạp. Đó là phát hành theo kiểu cổ điển tức ai đến mua thì bán. Cũng chính từ cách bán vé kiểu này mà người cần vé xem thực thụ thì không có vé trong khi chợ đen thì đủ chiêu trò để kiếm vé và để làm giá.
Khán giả xếp hàng mua vé xem giải U19 quốc tế
Tại sao lại không mở nhiều vệ tinh bán vé ngoài sân Thống Nhất?
Điều này hơn ai hết ban quản lý sân Thống Nhất phải hiểu nhưng quan trọng là họ có muốn như thế hay không. Một thành viên của ban tổ chức sau khi chứng kiến cảnh người cần vé thì kiếm không ra vé còn chợ đen thì phe phẩy cả xấp vé đã thẳng thắn nói: “Nếu để chúng tôi tự phát hành vé thì tôi tin chắc phần lớn người cần vé sẽ có vé chứ không phải rồng rắn với một cái cửa bé tẹo gần chục người của phòng vé kẹp để “thượng đế” lách vào đâu. Mà cũng chẳng cần phải học ở đâu xa. Cứ xem cách các sân khấu ca nhạc hay những chương trình lớn họ bán vé thì biết. Có 1.001 cách bán. Tiếc là sân Thống Nhất lại chỉ chọn một cách cũ kỹ làm khổ thân người bán lẫn người mua”.
Hỏi vì sao chợ đen có nhiều vé thế thì những người hiểu việc nói rằng: “Cứ hỏi ban quản lý sân Thống Nhất!”.
Hỏi vì sao có nhiều cách bán vé để giảm tải nhưng họ không làm? Câu trả lời là: “Cứ hỏi ban quản lý sân Thống Nhất!”.
Để tìm lời giải cho phương án đưa vé đến tận tay người cần xem, chúng tôi xin chỉ ra phương án phát hành vé mà các hội cổ động viên làm rất tốt đó là họ liên lạc trực tiếp với nhà tổ chức xin nhượng lại 400 vé mỗi trận rồi rao trên mạng cho các cổ động viên của các fan club rồi hẹn ngày giờ đến đóng tiền và trao vé.
Nhanh, gọn, đúng người, đúng chỗ mà chẳng mất giọt mồ hôi nào.
Nhưng ai hiểu việc thì đều biết bán vé đường đơn giản thì làm gì có phết, có phẩy.