Chuyện lớn quanh chiếc băng nhỏ
Chỉ là cái băng vải nhỏ ghi chữ “Captain” (đội trưởng) trên tay áo để dành cho những cầu thủ được tín nhiệm giao phó cương vị thủ quân đội bóng, nhưng phía sau nó lại là cả một câu chuyện dài, nhất là với cấp độ ĐTQG.
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, ĐT U20 Việt Nam sẽ thi đấu trận đầu tiên tại VCK World Cup U20 2017 được tổ chức tại Hàn Quốc. Hiện tại ĐT U20 Việt Nam đã có mặt ở Hàn Quốc để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng nhất trong năm của bóng đá Việt Nam, nhưng ngay trước ngày đội bóng rời Việt Nam để lên đường sang Hàn Quốc, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn đã đưa ra một quyết định hiếm thấy là thay thế đội trưởng của ĐT U20 Việt Nam.
Quang Hải (19) mới được chỉ định làm đội trưởng ĐT U20 Việt Nam tại World Cup U20 năm 2017. Ảnh: Quang Liêm.
Chiếc băng thủ quân từng thuộc về trung vệ Trọng Đại suốt gần 2 năm qua, kể từ khi ĐT U20 Việt Nam còn là ĐT U19 Việt Nam, đã được bàn giao lại cho tiền đạo Quang Hải.
Động thái này của HLV Hoàng Anh Tuấn tuy bất ngờ nhưng lại không làm nhiều người cảm thấy quá mức ngạc nhiên, bởi trước đó không lâu ông Tuấn đã có đăng lên Facebook cá nhân một dòng trạng thái khá bức xúc về tình hình nội bộ đội bóng, và dù sau đó ông Tuấn đã nhanh chóng xóa đi dòng trạng thái này nhưng tất cả đều hiểu rằng nội tình ĐT U20 Việt Nam sẽ thay đổi lớn.
Tuy nhiên, U20 Việt Nam không phải là đội bóng đầu tiên thay đổi thủ quân ngay trước thềm một giải đấu quan trọng, bởi cách đây 14 năm, tại SEA Games 22 được tổ chức vào năm 2003 tại Việt Nam, tiền vệ Hữu Thắng cũng đã được kế nhiệm băng đội trưởng từ tiền vệ Minh Phương ở thời điểm chỉ hơn một tháng là tới ngày khai mạc SEA Games.
Khác biệt chỉ là ở chỗ Minh Phương đã chủ động đề nghị rút lui khỏi cương vị thủ quân để trút bỏ áp lực tâm lý nhằm tập trung cao nhất cho chuyên môn, thay vì do HLV trưởng đơn phương quyết định như trường hợp mới đây ở ĐT U20 Việt Nam.
Xét về lý thuyết, đội trưởng chỉ là một chức danh mang tính biểu tượng, nhưng trên thực tế trách nhiệm của thủ quân đội bóng là rất nặng nề, bởi ngoài bảo đảm yêu cầu về chuyên môn để thường xuyên góp mặt trong đội hình chính thức, cầu thủ giữ băng thủ quân còn phải có tác phong gương mẫu về ứng xử cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Trọng Đại từng là thủ quân không thể thay thế ở ĐT U20 Việt Nam nhờ năng lực chuyên môn và tư chất thủ lĩnh, nhưng khi thể lực không được bảo đảm do chấn thương chưa bình phục, Trọng Đại không còn được sở hữu chiếc băng đội trưởng, vì không có thủ quân nào lại thường vào sân từ ghế dự bị.
Tương tự như thế là câu chuyện ở ĐT U22 Việt Nam, khi HLV Hữu Thắng phải 2 lần giải thích chỉ trong vòng 3 tháng qua về việc giao phó băng thủ quân cho Công Phượng. Mới đây ông Thắng nói: “Tôi trao băng đội trưởng U22 Việt Nam cho Công Phượng để cậu ta ý thức được việc không được dậm chân tại chỗ mà ngày càng phải hoàn thiện bản thân mình hơn. Trong đội hình U22 Việt Nam có nhiều cầu thủ có tư chất thủ lĩnh khác như Duy Mạnh, Tiến Dũng… nhưng tất cả đều cảm thấy bằng lòng khi tôi trao băng đội trưởng cho Công Phượng”.
Và chỉ vài tháng trước, HLV Hữu Thắng cũng từng phải hết lời giải thích như thế này: “Ban huấn luyện U22 Việt Nam đã phải họp bàn trước trận đấu khá lâu về tấm băng đội trưởng. Trước đó có 3 thành viên có thể đeo băng đội trưởng là tiền vệ Duy Mạnh, trung vệ Tiến Dũng và tiền đạo Công Phượng. Ban huấn luyện đã phân tích ưu điểm nhược điểm từng cầu thủ và nêu lên tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong buổi tập. Với những gì Công Phượng thể hiện trên sân tập, sinh hoạt ngoài đời đến tư chất thủ lĩnh, tôi đã quyết định trao tấm băng đội trưởng cho cậu ấy”.
Rõ ràng với mỗi HLV thì việc tìm được một thủ quân vừa đạt yêu cầu chuyên môn vừa đạt yêu cầu đạo đức luôn là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi tính cách đội bóng phần nào được thể hiện thông qua hình ảnh của cầu thủ đang giữ cương vị đội trưởng, nên bất cứ sự lựa chọn nào cho vị trí này cũng phải rất thận trọng và kỹ lưỡng.
3 ngày sau trận thua U20 Argentina, HLV Hoàng Anh Tuấn mới họp rút kinh nghiệm.