Bóng đá thế giới thay đổi chóng mặt vì Covid-19
Không còn những thương vụ bom tấn, tác động từ Covid-19 khiến kinh doanh bóng đá, mảnh đất vốn rất màu mỡ trở nên khô hạn.
Những trận đấu không khán giả khiến bóng đá chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh: FIFPro
Những hợp đồng “bom tấn” khó xuất hiện và làm rung chuyển làng túc cầu như vài năm trước. Bản thân các câu lạc bộ (CLB) cũng phải định hình lại mô hình kinh doanh, coi lợi ích của người hâm mộ lớn hơn lợi ích của mình để có thể tồn tại và thành công.
Không còn những quả “bom tiền”
Cách đây 4 năm, cả thế giới rúng động khi PSG bỏ tới 222 triệu euro chiêu mộ Neymar từ Barcelona, con số chưa từng có và được cho vượt xa giá trị thực tế của cầu thủ Brazil. Tiếp đó, vẫn PSG chi 180 triệu euro để đem về Kylian Mbappe, cầu thủ thời điểm đó chưa đầy 20 tuổi.
Sau hai thương vụ này, bóng đá thế giới tiếp tục chứng kiến nhiều quả “bom tiền” khác, được coi như kết quả cuộc chạy đua của các ông lớn.
Nhưng kỳ chuyển nhượng trước thềm mùa giải 2020 - 2021 ở châu Âu không chứng kiến bất kỳ một thương vụ chấn động nào. Cầu thủ đắt nhất là Kai Havertz được Chelsea mua về với giá 80 triệu euro. Tình hình ở kỳ chuyển nhượng tháng 1/2021 thậm chí còn đìu hiu hơn khi thương vụ giá trị nhất thuộc về Said Benrahma, được West Ham mua về từ Brentford với 23 triệu euro.
Số lượng các thương vụ mua bán giảm khoảng 30% và điều này đồng nghĩa 30% cầu thủ trẻ nhận được cơ hội thi đấu.
Không chỉ mua bán cầu thủ, những thương vụ thôn tính đội bóng, mở rộng tầm ảnh hưởng cũng bị khựng lại. Tiêu biểu nhất phải kể tới việc Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman dừng thâu tóm CLB Newcastle (Anh).
Tác động từ Covid-19 khiến kinh doanh bóng đá, mảnh đất vốn rất màu mỡ trở nên khô hạn. Trong bối cảnh như vậy, cắt giảm chi tiêu đương nhiên là ưu tiên. Việc đầu tư càng hạn chế bởi tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.
Theo thống kê từ Tập đoàn Deloitte, 20 CLB bóng đá có thu nhập cao nhất trên thế giới kiếm về 8,2 tỷ euro tổng doanh thu trong ở mùa giải 2019 - 2020, giảm khoảng 1,1 tỷ euro (tương đương 12% so với mùa trước). Tuy nhiên, theo dự báo của Deloitte, mùa giải 2020 - 2021, nhóm này sẽ mất hơn 2 tỷ euro doanh thu.
Các chuyên gia của World Football Summit và SPSG Consulting đã thực hiện cuộc nghiên cứu về tác động của Covid-19 đối với các dòng doanh thu khác nhau của bóng đá. Trong đó, giá trị của các khoản tài trợ và quảng cáo sẽ giảm đáng kể.
Nếu sân vận động không thể lấp đầy khán giả, bóng đá sẽ không còn hấp dẫn đối với các công ty. Những khó khăn tài chính cũng buộc họ phải điều chỉnh ngân sách tiếp thị cho phù hợp. Tiến trình tác động tiêu cực của Covid-19 sẽ kéo dài cho tới năm 2024. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, phần tồi tệ nhất sẽ kết thúc vào cuối năm 2022. Sự ảnh hưởng có thể giảm bớt trong những năm tiếp theo.
Cây bút Kieran Maguire của tờ Onlinelibrary nhận định, Covid-19 đã nêu bật những điểm yếu về quản trị và tài chính hiện có ở làng bóng đá thế giới. Để minh chứng, Kieran Maguire lấy ví dụ về việc các CLB chi quá nhiều tiền trả lương cho cầu thủ, dẫn tới mất cân bằng thu - chi trầm trọng.
“Tại Ngoại hạng Anh, tiền lương đã tăng từ 97 triệu euro trong mùa giải đầu tiên (1992 - 1993) lên 3.120 triệu euro trong mùa giải 2018 - 2019. Đáng nói hơn, các đội bóng dành tới 60 - 70% doanh thu để trả lương cầu thủ”, Kieran Maguire nói.
“Ngành công nghiệp bóng đá đã làm rất tốt cho đến khi mất doanh thu và gián đoạn. Giống như nhiều lĩnh vực dịch vụ giải trí, bóng đá đang ở trong tình thế bấp bênh và rất cần một hướng đi mới để vượt qua khủng hoảng”, tiếp lời Kieran Maguire
CLB cần chuyển mình mạnh mẽ ngay từ bây giờ
Tác động của đại dịch có thể kéo dài với bóng đá tới năn 2024. Ảnh: TRT
Khó khăn bóng đá phải đối mặt do Covid-19 là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tờ World Football Summit cho rằng, vẫn có những cơ hội để bóng đá đưa ra những thay đổi.
“Rõ ràng chưa thời điểm nào phù hợp hơn hiện tại để bóng đá phát triển theo hướng số hóa. Lấy bóng đá làm trung tâm, chúng ta có thể tạo ra những cuộc thi trực tuyến để thu hút người hâm mộ. Chương trình trải nghiệm bóng đá 4D dựa trên tiếp xúc vật lý và kỹ thuật số cũng là ý tưởng hay giúp cổ động viên không cần ra khỏi nhà nhưng vẫn sống trọn với từng khoảnh khắc các trận đấu”, tờ báo viết.
Giám đốc bộ phận Thể thao Tập đoàn Deloitte, Tim Bridge cũng đồng tình với quan điểm này: “Bóng đá cần tập trung vào các mô hình tương tác kỹ thuật số để tương tác với người chơi và người hâm mộ.
Đại dịch Covid-19 đã tạo động lực cho CLB phải nghĩ tới việc thay đổi mục tiêu chiến lược, mô hình kinh doanh để đảm bảo phục hồi mạnh mẽ. Đương nhiên, việc thực hiện không hề dễ dàng bởi nó yêu cầu một lượng dữ liệu khổng lồ”.
Cũng theo tờ World Football Summit, bóng đá nói riêng, thể thao nói chung nên phát triển thể thao điện tử và coi đây là mũi nhọn trong tương lai. Trước khi Covid-19 bùng phát, khoảng 5% người dùng Internet xem các trận đấu thể thao điện tử. Con số này tăng lên 25% kể từ thời điểm Covid-19 đến và làm đảo lộn mọi thứ.
Hồi năm 2020, Ngoại hạng Anh đã khởi động cuộc thi ePremier League Invitational lần đầu tiên trong lịch sử. Theo NielsenSports, trận chung kết giữa Trent Alexander-Arnold (Liverpool) và Diogo Jota (Wolves) đã thu hút 3 triệu người xem trên Facebook và 394 nghìn người xem trên YouTube. Lượng người xem tăng 275% từ vòng khai mạc đến chung kết. Đây rõ ràng là thị trường tiềm năng các đội bóng nên hướng tới.
Cựu Giám đốc điều hành CLB Mallorca (Tây Ban Nha) Maheta Molango thì cho rằng, các CLB bóng đá chuyên nghiệp hiện tại có tâm lý dùng các danh hiệu, chiến thắng trận đấu để thu hút cổ động viên, trở thành chiến lược kinh doanh thì cần suy nghĩ lại.
¨Khi bạn có một mô hình kinh doanh mà 80% doanh thu đến từ bản quyền truyền hình, tài trợ thì Covid-19 rõ ràng là cú sốc quá lớn. Muốn đứng vững và vượt qua thời kỳ khó khăn này, CLB cần định hình tương lai. Họ phải coi lợi ích của khách hàng lớn hơn lợi ích của mình, cung cấp dịch vụ thoải mái hơn và trải nghiệm tổng thể tốt hơn. Có một nền tảng vững chắc với người hâm mộ là chìa khóa thành công trong tương lai”, ông Maheta Molango nói.
Marshall Glickman, Giám đốc điều hành của G2 Strategic, một tập đoàn cung cấp các giải pháp kinh doanh thể thao ở Mỹ và châu Âu thì nhấn mạnh vào việc cần cung cấp dịch vụ mang tính cá nhân hóa tới người hâm mộ.
“Bằng cách có sẵn kiến trúc dữ liệu phù hợp và nền tảng kỹ thuật số được thiết lập, CLB bóng đá có thể cải thiện nhiều lĩnh vực trong tổ chức. Điển hình như việc họ thu thập và phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn về người hâm mộ và cung cấp nội dung, sản phẩm được cá nhân hóa cho họ. Nếu làm tốt, đội bóng sẽ chinh phục được những khách hàng khó tính nhất ở mọi phân khúc”, CEO của G2 Strategic nói.
“Cầu thủ bóng đá là một loại lao động đặc biệt, là trung tâm của trò chơi và lâu nay vẫn nhận đãi ngộ vô cùng tốt. Hãy thử tưởng tượng Barcelona sẽ ra sao nếu không có Lionel Messi. Nhưng hoàn cảnh hiện tại buộc đội bóng phải đưa ra quyết định, họ phải tồn tại và lợi ích của cầu thủ không thể cao hơn CLB. Những khoản chi khác cũng cần tính toán lại để tránh khủng hoảng", Marshall Glickman, CEO Tập đoàn G2 Strategic. |
Nguồn: [Link nguồn]
Joan Laporta, chủ tịch của Barcelona, đang lên kế hoạch thực hiện một trong những phi vụ chuyển nhượng lớn nhất trong lịch...