Bóng đá Anh đã hết thời?
Sân Wembley sẽ là nơi tổ chức trận chung kết Champions League thứ hai trong 3 mùa gần đây, nhưng không có một đội bóng Anh nào được trở về nhà. Premier League không hào nhoáng như ta tưởng?
Không chỉ các CLB Anh, mà cả những đội bóng nhà giàu của nước Anh cũng đã sạch bóng ở tứ kết, lần đầu tiên kể từ năm 1995. HLV Arsene Wenger của Arsenal thẳng thắn thừa nhận: “Đây là nỗi thất vọng lớn lao. Đây cũng là cảnh báo đắt giá, khi Manchester United, Arsenal, Manchester City, Chelsea đều đã bị loại ở vòng đấu này. Điều đó có nghĩa là phần còn lại của châu Âu đã bắt kịp chúng tôi, và chúng tôi sẽ phải suy nghĩ thật nghiêm túc về tương lai của Premier League”.
4 đội bóng Anh ở Champions League đã tiêu gần 250 triệu bảng để mua cầu thủ mùa này: Chelsea bỏ ra 92 triệu cho 8 tân binh. Man City, dù đã giảm sức mua trong những năm gần đây, đã tiêu 54 triệu. M.U 48 triệu, trong đó một mình Robin van Persie đã “ngốn” 22 triệu. Arsenal, sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng, đã trải qua một mùa Hè phóng tay bậc nhất trong nửa thập kỷ qua, với 52,3 triệu cho 4 tân binh.
Một thập kỷ qua, trừ trận chung kết năm 2010 giữa Inter Milan và Bayern, các đội bóng Anh đã lọt vào đến 7 trận chung kết Champions League, trong đó có 5 lần liên tiếp từ 2005 đến 2009. Trong hai năm 2008 và 2009, Premier League đều có 3 đại diện ở bán kết.
Đội hình đầy sao của Man City vẫn thất bại
Mùa trước, hai đại diện thành Manchester đều bị loại ngay từ vòng bảng, và sau đó thậm chí không vượt qua nổi vòng 1/16 Europa League. Arsenal bị loại ở vòng 1/8 Champions League. Chelsea đi đến trận chung kết và vô địch, nhưng đó thực sự là một kỳ tích mà chính bóng đá Anh cũng không ngờ đến.
Manchester United, đại diện xuất sắc nhất của bóng đá Anh tại châu Âu và cũng đã từng lọt vào 3 trận chung kết trong 5 năm trở lại, không vượt qua vòng bảng mùa trước, và dừng lại ở vòng 1/8 mùa này. 2 năm trước, họ đã có mặt tại Wembley, và chịu thua 1-3 trước Barcelona.
Trước đó 3 năm, trận chung kết 2009 tại Olimpico, Roma, M.U đem đến Ý một đội hình cực mạnh đang ở độ chín, kết hợp giữa sức trẻ và kinh nghiệm, với nhiều cầu thủ thuộc hàng giỏi nhất ở vị trí của mình, như thủ môn Van der Sar, cặp trung vệ Ferdinand – Vidic, hậu vệ trái Evra, các tiền đạo Rooney và Ronaldo, còn chưa kể Tevez và Berbatov.
Năm 2011, chơi cao nhất trên hàng công của họ là Chicharito, mới 23 tuổi và cho đến tận bây giờ, vẫn chưa thực sự được coi là trụ cột của M.U. Đội hình của họ khi ấy đã bắt đầu lão hoá và cho đến giờ, số cầu thủ đẳng cấp thế giới của M.U thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay là Evra hay Rooney. Số còn lại hoặc chịu gánh nặng tuổi tác (Ferdinand), chấn thương (Vidic), hoặc chỉ ở mức khá so với chính Premier League (Young), thuộc diện “quy hoạch” để giữ bản sắc cho lò đào tạo, (như Evans, Cleverley), hay vẫn ở dạng tiềm năng (Jones, Chicharito).
Họ thậm chí còn phải gọi lão tướng Paul Scholes, đã 37 tuổi và nghỉ chơi bóng gần một năm, trở lại mùa trước, và thậm chí là anh còn chơi khá hay ở Premier League.
MU có năm thứ 2 liên tiếp không thể tiến sâu ở Champions League
Chelsea đăng quang mùa trước với một đội ngũ già cỗi, một HLV thời vụ không có tương lai và sau chức vô địch, vẫn lay lắt với việc tìm lại bản sắc, chưa nói thành công.
Manchester City, nhà ĐKVĐ Premier League, có vẻ chưa hề chuẩn bị sẵn sàng cho những cuộc chinh phạt châu Âu. Các trận đấu ở Champions League và thậm chí là Europa League đều cho thấy đội bóng này vẫn ở phía sau mặt bằng chung của châu Âu một khoảng cách đáng kể.
Arsenal thì liên tục lọt vào vòng bảng một thập kỷ trở lại, nhưng ngay cả ở Premier League, họ cũng chỉ giẫm chân ở tốp bốn, và việc đầu tư quá thiếu thốn cũng ngăn cản họ tạo ra sức bật cần thiết ở Champions League.
Premier League hiện tại vẫn được mệnh danh là giải đấu hay nhất hành tinh. Tháng Tư năm ngoái, derby Manchester thậm chí còn thu hút lượng khán giả truyền hình xấp xỉ với El Clasico giữa Real Madrid và Barcelona. Đây vẫn là nơi phồn hoa nhất của châu Âu.
Nhưng phồn hoa không có nghĩa là chất lượng của bóng đá thế giới nằm ở đây, mà vị thế kém cỏi của đội tuyển Anh trong nhiều năm qua cũng như sự sa sút cấp CLB của Premier League bây giờ là minh chứng.
Kể từ khi Cristiano Ronaldo rời M.U năm 2009, Premier League ít khi bén mảng đến đề cử bóng Vàng, chứ đừng nói là cạnh tranh với sự “độc quyền” của Lionel Messi.
Vậy thì chúng ta còn lý do gì để cho rằng giải đấu này là hay nhất hành tinh, trừ tính giải trí của nó?