Barca: Nỗi ám ảnh ở San Siro
Từ Inter đến Milan, Barca luôn cảm thấy ngột ngạt khi chơi tại San Siro.
San Siro (hay Giuseppe Meazza) một lần nữa lại trở thành chốn đi dễ khó về với Barca. Trong cái đêm mà nhiều người tin Barca sẽ thu được kết quả có lợi trước một Milan vốn đang trong giai đoạn chuyển giao lực lượng, thì họ đã vấp ngã đau đớn. Không có chiến thắng, cũng không có bàn thắng ở sân khách, Barca ra về với một thất bại có thể khiến họ phải trả giá bằng chiếc vé đi tiếp. Tỷ số 2-0 cho một trận knock-out trực tiếp Champions League đủ để khiến những cule tự tin nhất phải lo lắng.
Milan vẫn áp dụng một kịch bản tương tự mùa trước khi họ tiếp Barca tại San Siro. Lối chơi phòng ngự kiểu Italia mẫu mực với sự liên kết chặt chẽ giữa các mắt xích, bóp nghẹt không gian chơi bóng, phong tỏa từng vị trí, tranh chấp khôn ngoan đã khiến Barca lao đao cho dù các tiền vệ xứ Catalunya nổi tiếng là nhanh nhẹn, thông minh và cũng đầy láu cá. Hệt như năm ngoái, 45 phút đầu tiên khép lại với thế trận cực kỳ chặt chẽ của Milan và sự bất lực đến nỗi không có nổi một cú sút nguy hiểm từ Barca.
Barca tiếp tục bộc lộ sơ hở
Khác biệt lần này mà Milan tạo ra là những khoảnh khắc trong hiệp hai. Hai cú ra chân cực nhanh và chuẩn của Boateng và Muntari làm tung lưới Valdes đã gợi lại ký ức buồn cho Barca ở trận bán kết lượt đi năm 2010 gặp Inter. Khi ấy, Inter cũng chơi phản công sắc như Milan để thắng 3-1, trong đó có 2 bàn ghi ở hiệp hai. Barca, một lần nữa, rơi vào trận địa ma thuật ở San Siro để rồi bị “bắn hạ” bởi những tình huống tấn công chớp nhoáng của đối thủ.
Đêm qua, pha lập công của Boateng ngay đầu hiệp hai làm nổ ra tranh cãi lớn bởi trước đó các cầu thủ Barca cho rằng bóng đã chạm tay Zapata. Nhưng không có một tiếng còi thổi phạt nào từ phía trọng tài và Barca đã phải hứng chịu một bàn thua. Ở San Siro, bóng ma thất bại tiếp tục hiện về và Barca lại có lý do để than thở, hệt như khi họ phải bắt xe bus đến đá với Inter vì… núi lửa. Nhưng lần này, có lẽ cả Jordi Roura và Tito Vilanova đều phải thừa nhận Barca đã chơi không tốt và thất bại là điều tất yếu.
Hệ thống phòng ngự xập xệ được chỉ ra suốt từ đầu mùa giải rốt cuộc đã sụp đổ đúng như lo ngại trước giờ bóng lăn. Đã không có một sự chỉnh đốn cần thiết nào. Không ai hỗ trợ Puyol khi anh bị tốc độ của Niang hành hạ trong bàn thua thứ hai. Trong khi Pique tiếp tục tỏ ra chậm chạp và vụng về dù Milan trên thực tế chỉ có mỗi Pazzini chơi cao nhất. Những vị trí đáng tin cậy hơn ở hành lang cánh cũng không hoàn thành nhiệm vụ. Dani Alves nhiều lần để El Shaarawy qua mặt, còn Jordi Alba cũng không lường hết được sự nguy hiểm của Boateng.
Messi và các đồng đội đã chơi quá tệ
Khi Barca không làm được việc mà họ giỏi nhất là tấn công và ghi bàn, có nghĩa Milan đã thành công về chiến thuật phòng ngự. Nhưng khi đã sở hữu đến hơn 72% thời lượng kiểm soát bóng mà vẫn để bị thủng lưới, đội Barca ấy thực sự có vấn đề. Vấn đề càng trầm trọng khi Jordi Roura không tìm được cách giải quyết và để các học trò tiếp tục phạm sai lầm dẫn đến bàn thua thứ hai. Một thất bại hoàn toàn xứng đáng bất chấp một vài cầu thủ Barca cố gắng bào chữa bằng cách đổ lỗi cho trọng tài.
Sau khi chứng kiến Milan quật đổ Barca, huyền thoại bóng đá Anh Gary Lineker phát biểu: “Để trở thành đội bóng hay nhất mọi thời đại, Barca bắt buộc phải tìm ra cách hóa giải lối chơi phòng ngự khoa học, nhiều tầng lớp, có tổ chức chặt chẽ và được phối hợp như lập trình của Milan”. Đội bóng số 1 hành tinh còn 90 phút (hoặc hơn) để làm điều đó trong trận lượt về tại Nou Camp nếu không muốn nói lời tạm biệt Champions League từ quá sớm.
Quay chậm: Bóng chưa hề chạm tay Zapata! Trong một góc máy thẳng rõ ràng hơn, có thể nhận ra bóng từ cú sút của Montolivo đập vào Jordi Alba sau đó nảy vào mặt Zapata. Do hậu vệ này giơ hai tay lên song song với mặt nên nhiều người lầm tưởng bóng đã chạm tay anh. Kỳ lạ là Zapata cũng không tỏ ra đau đớn gì nên càng làm tình huống này trở nên tranh cãi hơn. Tuy nhiên, dù đứng hơi chếch về bên trái nhưng trọng tài chính vẫn kịp quan sát và đưa ra quyết định chính xác. |