Ba bài học lớn từ "hiện tượng" U.23 Việt Nam
Mặc dù thua nghiệt ngã trong những khoảnh khắc cuối cùng của trận đấu cuối cùng - trận chung kết, nhưng rõ ràng những gì mà lứa U.23 hôm nay làm được tại VCK U.23 châu Á không khác gì một câu chuyện trong mơ.
Giấc mơ ấy, rất nhiều thế hệ đàn anh của họ (tính từ năm 1995) đã từng mơ, nhưng không bao giờ chạm đến. Vậy thì rốt cuộc công thức nào và bài học nào từ một giải đấu trong mơ cần phải rút tỉa để có thể tiếp tục đưa cả một nền bóng đá phất lên?
Bài học thứ nhất: Phải sạch hoá bản thân mình
Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam có một lứa cầu thủ mà niềm tin vào sự trong trẻo sạch sẽ lại lớn đến như thế.
Với thế hệ vàng trước đây, trận thua đau Singapore 0-1 ở chung kết Tiger Cup 1998 (tiền thân của AFF Cup bây giờ) vẫn là một dấu hỏi lớn, vì có khá nhiều thành viên của trận thua ấy chơi thân với giới giang hồ, và cũng vì chỉ một năm trước đó, tại Tiger Cup 1996, thầy ngoại Weigang từng chỉ thẳng mặt 4 cầu thủ và hỏi: Các anh đã bán trận này bao nhiêu? Thế hệ ấy bây giờ có người giải nghệ, có người chuyển sang công tác huấn luyện.
Sau đó là đến "thế hệ bạc" của đầu những năm 2000 - thế hệ gắn liền với trận thua lạ Thân Hoa Thượng Hải trong ngày khai mạc sân Mỹ Đình, cũng là thế hệ mà sát sạt thời điểm SEA Games năm 2003 còn tạo ra nghi án bán độ tại giải giao hữu quốc tế JVC Cúp. Đến năm 2005, khi 7 cầu thủ trong thế hệ này chính thức làm độ tại SEA Games thì những người hiểu làng bóng đều bảo "điều phải đến rốt cuộc cũng đến, không thể nào khác được".
Nếu hai thế hệ này cách xa chúng ta quá thì chỉ 4 năm trước thôi, khi Đội tuyển Việt Nam thua sốc Malaysia 2-4 trong trận lượt về trận bán kết AFF Suzuki Cup thì chính ông chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phải thốt lên: "Có vấn đề gì không?". Với bóng đá Việt Nam, từ nhiều năm nay luôn luôn là những dấu hỏi, những nghi kỵ kiểu như vậy, và thực tế là tất cả những nghi kỵ đều có lý do của nó.
Nhưng đến thế hệ của những Quang Hải, Công Phượng, Tiến Dũng, Duy Mạnh... ngày hôm nay thì tuyệt nhiên không ai nghi kỵ cả. Ngay cả ở SEA Games 29 khi thế hệ này thua Thái Lan 0-3 và bị loại ngay sau vòng bảng, khi mà chính một số tờ báo Đông Nam Á cũng đặt vấn đề về "một tỷ lệ cá độ rất khả nghi" xuất hiện trước trận đấu thì chúng ta tuyệt nhiên cũng không nghi ngờ.
Những hình ảnh tuyệt đẹp như thế này sẽ còn mãi trong trái tim người hâm mộ.
Bởi phần lớn những con người này đều lớn lên từ những lò đào tạo bóng đá chuyên nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai hay PVF- những lò đào tạo bóng đá luôn đặt tiêu chí số 1 là: "Phải trở thành người tốt, trước khi trở thành cầu thủ tốt".
Sự sạch sẽ, trong trẻo theo chúng tôi là cái tiền đề đầu tiên, quan trọng nhất làm nên mọi chiến thắng. Vậy nên từ thành công của lứa U.23 tại giải U.23 châu Á năm nay bài học về việc phải "sạch hoá bản thân" - "sạch hoá nền bóng đá" càng phải được thực hiện một cách rốt ráo, triệt để hơn.
Bài học thứ hai: Phải tìm ra công thức chiến thắng trước các đội mạnh
Ở trong cái ao Đông Nam Á, ngoại trừ những đội như Lào, Campuchia, Đông Timor, Brunei..., tất cả các đội còn lại đều có trình độ từ ngang ngửa (Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar) chúng ta đến nhỉnh hơn chúng ta (Thái Lan).
Ra tới biển châu lục thì khỏi nói, tất cả các đại diện của Đông Á, Tây Á, Trung Á đều có thực lực mạnh hơn chúng ta rất nhiều. Vậy thì vấn đề quan trọng nhất là phải tìm ra một công thức vận hành - công thức chiến thắng trước những đối thủ mạnh hơn.
HLV Park Hang Seo đã làm được điều này. Sau 4 tháng ở Việt Nam, ông đã mạnh dạn thử nghiệm khá nhiều đội hình, từ 3-4-3 đến 5-2-3 và cuối cùng chốt lại đội hình cơ bản là 5-4-1. Đội hình ấy luôn chủ động đổ kín người trên nửa sân nhà mình rồi chờ cơ hội phản công nhanh. Đấy không phải là kiểu phản công phất bóng dài từ tuyến dưới lên trên giống thời ông Toshiya Miura, mà là phản công trong đoạn ngắn, dựa trên kĩ thuật, tốc độ của từng nhóm nhỏ 2-3 người. Công thức này được áp dụng ngay từ trận ra quân gặp Hàn Quốc đến trận cuối cùng gặp Uzbekistan, và cho thấy nó là một công thức không thể hợp lý hơn.
Đã có một thời lứa U.19 Hoàng Anh Gia Lai của thầy Pháp Graechen Guillame tin rằng mình có thể đôi công sòng phẳng trước những đội mạnh, và thực tế là cũng đã đôi công thành công trước những AS Roma (Italia), Tottenham (Anh)... tại giải giao hữu quốc tế Nutifood năm 2014 trên sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), nhưng vào đến những giải đấu chính thức như VCK U.19 Châu Á thì lối chơi ấy phá sản nghiêm trọng.
Rõ ràng với thể hình thể lực thất thế so với đối phương, và với những đầu tư chân đế đi sau đối phương cả một thế kỷ, bóng đá Việt Nam không thể áp dụng lối chơi này.
Không thể phòng ngự phản công theo kiểu phất bóng dài như thời Miura, cũng không thể tấn công ồ ạt như thời U.19 Hoàng Anh vừa xuất hiện, rõ ràng thứ bóng đá phòng ngự - phản công với những pha phối hợp trong đoạn ngắn mà Park Hang Seo bây giờ đưa ra là phù hợp hơn tất cả.
Và đến lúc này thì công thức chiến thắng này không chỉ là câu chuyện riêng của cá nhân ông Park cùng các tuyển thủ. Hội đồng HLV Quốc gia, các bộ phận chuyên môn của VFF cần ngồi lại với nhau, mổ xẻ, đúc kết lối chơi này để biến nó trở thành một chiến lược chơi bóng của các Đội tuyển Việt Nam trong tương lai.
Bài học thứ ba: Phải luôn duy trì một trạng thái tự tin cao nhất
Những thế hệ trước đây của bóng đá Việt Nam từng xảy ra chuyện: Cứ gặp Thái là run, cứ gặp Tây là... hoảng. Thế nên cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn mới tổng kết một câu rất chí lý rằng: Trong các trận bóng đá quốc tế lớn, đối thủ lớn nhất của chúng ta là... chính chúng ta.
Với Đội tuyển U.23 Việt Nam tại VCK U.23 châu Á năm nay, điều này tuyệt nhiên không lặp lại. Ngay cả trận thua Hàn Quốc 1-2, trận đấu mà ông Park cho rằng: "Có thể tự tin hơn nữa" thì chúng ta cũng không ở vào mức hoảng sợ. Và nhìn cái cách những Quang Hải, Công Phượng, Văn Thanh, Văn Hậu, Phan Văn Đức... dám đi bóng hoặc đập A-B trước hàng loạt những cầu thủ Australia, Iraq, Qatar... cao to hơn mình, chúng ta thấy sự tự tin của họ là cực lớn.
Vấn đề là làm sao để có niềm tin lớn đến như thế?
Thứ nhất, phần lớn các cầu thủ này được đào tạo cơ bản rất tốt, nên kĩ năng xử lý bóng cơ bản là rất nhuyễn. Thứ hai, họ đã trải qua 2,3 mùa chơi V.League cùng hàng loạt các giải bóng đá trẻ quốc tế những năm qua, và quá trình cọ xát ấy thực sự giúp họ vượt lên chính bản thân mình. Và thứ ba, quan trọng nhất là ông thầy của họ - HLV Park Hang Seo là một con người đầy máu lửa và khát vọng.
Đằng sau cái vẻ ngoài hiền hiền lành lành, trái tim ông Park thực sự là một trái tim rực lửa. Ngay từ đầu giải, khi VFF thậm chí không dám đặt ra bất cứ mục tiêu nào thì ông đã nói với các cầu thủ về việc "chúng ta có thể làm được một điều gì đó", và trong suốt cái hành trình đi tìm "điều gì đó", cứ sau mỗi bàn thắng ông lại nhảy lên ăn mừng quyết liệt. Cũng giống như ông Calisto trước đây, ông Park thực sự là một "chuyên gia thổi lửa" cho các học trò.
Vĩ thanh
Những thành công trong cuộc đời này hoặc là sản phẩm của một quá trình đầu tư bài bản, kéo dài từ chân đế, hoặc là sản phẩm của những toan tính nhất thời kết hợp với sự ủng hộ của vận may. Theo chúng tôi đặt trong bối cảnh một giải bóng đá trẻ (xét cho cùng thì U.23 vẫn chỉ là một giải trẻ, chứ chưa phải cấp độ Đội tuyển Quốc gia), nơi mà những đội như Nhật Bản thậm chí chỉ cử đội U.20 tham dự thì thành công của U.23 Việt Nam đến từ cả yếu tố "đầu tư chân đế" với biểu hiện rõ nhất là sự ra đời của hàng loạt trung tâm bóng đá trẻ chất lượng cao lẫn yếu tố "toan tính nhất thời" cùng vận may, nhưng yếu tố sau có phần nhỉnh hơn yếu tố đầu.
Thành thử, sau chiến thắng mang tính động lực ở giải bóng đá trẻ này, VFF nhất thiết phải tổng kết, đúc rút 3 bài học lớn trên đây, để đến một lúc nào đó Đội tuyển Quốc gia (chứ không chỉ là Đội tuyển U.23) cũng có thể đạt được thành công tương tự, và đấy là một thành công bên bỉ, có giá trị lâu dài, chứ không chỉ là "một phút loé lên rồi chợt tắt".
U23 Việt Nam trải qua 630 phút thi đấu căng thẳng tại VCK U23 châu Á năm 2018.