Giới trẻ học thiết kế: Đam mê hay sĩ hão?

Sự kiện: Góc may vá

Nhiều bạn trẻ đi học vì thấy rất oai khi được giới thiệu là sinh viên thiết kế thời trang.

Được tung hô với những bộ sưu tập xa xỉ, được đặt chân đến những kinh đô thời trang lừng danh thế giới. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp mà nhiều bạn trẻ mơ tới khi nuôi mộng trở thành nhà thiết kế thời trang.

Lan Anh (16 tuổi, học sinh trường Kim Liên, Hà Nội) tỏ ra hồ hởi khi nói về ngành nghề này: “Từ nhỏ tôi đã thích ăn mặc đẹp và tạo kiểu váy mới cho búp bê nữa. Lớn lên, tôi hay xem các chương trình biểu diễn thời trang nên ngày càng yêu nghề này hơn. Tôi cũng muốn được học để ra trường trở thành nhà thiết kế.”

Đây là tâm sự mà không chỉ riêng Lan Anh mà rất nhiều bạn trẻ khác cùng chia sẻ. Trên thực tế, khi được hỏi động lực nào khiến họ muốn trở thành nhà thiết kế, câu trả lời đều rất mông lung.

Các bạn trẻ dễ dàng dùng từ “đam mê” khi nói về ngành học nhưng bản thân họ có lẽ chưa định nghĩa chính xác được từ này. Nhiều bạn “đam mê” thời trang vì thích mặc váy đẹp hay được nhiều người khen mặc đẹp, có người “đam mê” vì hay xem show thời trang, mê mẩn vẻ hào nhoáng, hoa lệ của thế giới này. Có người còn thiển cận đến mức cho rằng vì không học giỏi môn nào cả nên đành theo nghệ thuật!

Giới trẻ học thiết kế: Đam mê hay sĩ hão? - 1

Có bạn trẻ đi học thiết kế thời trang vì sĩ diện hão hay quá ảo tưởng về nghề.

Ngoài những người chưa hiểu rõ về nghề, cũng có không ít bạn trẻ học thiết kế thời trang vì... sĩ hão!? My (Khoa thiết kế thời trang, đại học V., TP.HCM) cho biết: “Ban đầu tôi chọn học nghề này vì thấy oai lắm. Đi đâu giới thiệu mình là nhà thiết kế cũng cảm thấy được nhiều người nhìn bằng ánh mắt khác hẳn. ”

Đáng cười hơn, có những cô nàng ôm mộng học thiết kế để tha hồ ăn mặc những kiểu kỳ dị mình thích, nhuộm tóc xanh, đỏ cũng không ai nói gì vì “sinh viên thiết kế mà”.

Cũng chính vì vậy, rất nhiều “nhà thiết kế” chưa lên đã xuống này “sáng mắt” khi thực sự bước chân vào nghề. Phần đông những người vỡ mộng là học viên tại các cơ sở đào tạo tư nhân. Do không phải học trước và cũng không trải qua cuộc thi đầu vào khắc nghiệt nên những cô gái, chàng trai này rất hồn nhiên và không được chuẩn bị trước cả về tinh thần lẫn kiến thức.

Thu Trang (Minh Khai, Hà Nội) cho biết: “Tôi phải đóng tới gần 2.000 đô la (khoảng hơn 40 triệu đồng) để vào học tại một học viện thiết kế tư nhân nhưng cuối cùng đành bỏ vì không theo nổi.”

Để trở thành nhà thiết kế, gu thẩm mỹ chưa phải là tất cả. Bạn cần có khả năng vẽ phác thảo thiết kế, lựa chọn chất liệu vải, cắt rập (các mẫu bìa của từng miếng vải để ráp lại thành trang phục), khả năng may đo, chưa kể đến việc phải có định hướng về chụp ảnh, trang điểm để làm đẹp thêm cho bộ sưu tập của mình…

Giới trẻ học thiết kế: Đam mê hay sĩ hão? - 2

Giới trẻ học thiết kế: Đam mê hay sĩ hão? - 3

Thiết kế thời trang là con đường đầy chông gai chỉ dành cho những người thực sự đam mê.

Hồng (25 tuổi) làm nhân viên văn phòng nhưng luôn nghĩ rằng mình có đủ khả năng làm nhà thiết kế. Cô đã đăng ký theo học lớp công nghệ thiết kế thời trang tại Học viện L. Chỉ là một khóa học ngắn hạn kéo dài vài tháng với 3 buổi/tuần nhưng cũng đủ khiến Hồng “ngộp thở” vì khối lượng công việc khổng lồ.

Tại đây, cô được học cách ra rập của một số mẫu áo, váy và may cơ bản. Chỉ riêng việc vẽ sai, may lỗi, tháo chỉ, gãy kim… đã “ngốn” của Hồng không ít thời gian. Thành phẩm ra thì chưa nhiều, tiền vải, tiền mua nguyên, phụ liệu cũng không hề ít. Đó chỉ là những bước gian nan ban đầu của nghề thiết kế.

Thư (26 tuổi, nhà thiết kế thời trang) từng lăn lộn với nghề 5, 6 năm ròng rã. Cô khẳng định: “Các bạn trẻ cần suy nghĩ thật kỹ trước khi bước vào nghề này. Bên cạnh những bức ảnh, những show diễn hoành tráng, bạn sẽ thường xuyên phải thức đêm thức hôm cho kịp hạn may cho khách.”

Ngoài ra, các nhà thiết kế không phải lúc nào cũng có thể làm theo ý mình mà phải rập khuôn theo ý đồ của các hãng thời trang lớn. Sau nhiều năm bươn chải với nghề, Nhị (30 tuổi, Tp.HCM) đã từ bỏ hoàn toàn mơ ước làm nhà thiết kế để chuyển hướng, mở một studio chụp ảnh cho trẻ em. Tại đây, cô vẫn tiếp tục may váy cho các bé gái, “cũng là một cách để đỡ quên nghề”.

Theo nghề thiết kế đã đòi hỏi năng khiếu và nhiều mồ hôi nước mắt, để sống được với nghề này lại càng không phải con đường hoa mộng. Vì vậy, các bạn trẻ Việt cần suy nghĩ, tìm hiểu thật kỹ trước khi đến với công việc thiết kế, để không phải hối hận khi chọn nhầm nghề chỉ vì sĩ hão. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Vũ ([Tên nguồn])
Góc may vá Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN