“Áo yếm mà mỏng tang, chẳng thà đừng mặc!”
Theo các nhà chuyên môn, các mẫu áo yếm mỏng tang, biến tấu phản cảm đều làm sai đi tinh thần của trang phục gốc.
Một bức trong bộ ảnh cô lang y mặc áo yếm mỏng phản cảm đang gây xôn xao dư luận
Mới đây, cộng đồng Việt Nam lại tiếp tục xôn xao khi bộ ảnh Cô lang y bốc thuốc được nhiếp ảnh gia Đặng Thanh Tùng tung lên mạng. Trong những bức ảnh này, hầu hết người xem đều cảm thấy ngỡ ngàng khi người mẫu trẻ mặc trang phục áo yếm nhưng lại mỏng tang, trong suốt, lộ cơ thể phản cảm.
Nếu coi áo yếm là nội y, hà cớ gì lại “phô” ra?
Dù nhiếp ảnh gia đã khẳng định đây là dụng ý nghệ thuật của ê kíp nhưng bộ ảnh và trang phục vẫn phải hứng chịu rất nhiều ý kiến trái chiều. Đây không phải lần đầu, những mẫu áo yếm truyền thống, vốn gắn liền với vẻ đẹp gợi cảm nhưng vẫn rất nền nã của phụ nữ Việt bị biến tấu với các thiết kế hay kiểu mặc phản cảm, không đúng tinh thần tương tự.
Chị Vân Anh (Biên tập viên, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất nhức mắt vì đập vào mắt tôi là vòng 1 hớ hênh trong chiếc áo yếm mỏng. Bạn mẫu ấy rất đẹp nhưng nếu như bạn ấy ý thức, mặc thêm đồ lót chẳng hạn, sẽ đẹp hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng áo yếm là nội y thì có quyền mặc hở. Bản thân tôi không đồng tình bởi nếu nó là nội y, mặc bên trong không cần đồ lót, thì hà cớ gì lại phô ra như vậy, để làm mất đi vẻ đẹp vốn có của người con gái Việt?”.
"Áo yếm là áo mặc lót bên trong, hà cớ gì lại phô ra?"
Trong khi đó, chị Xuân Lan (nhân viên truyền thông, Hà Nội) cũng bày tỏ ý kiến phản đối: “Theo tôi thì nên mặc theo kiểu truyền thống, bởi nó chỉ là áo lót, bên ngoài phải mặc áo tứ thân chứ không phải áo để mặc độc lập. Áo yếm nên làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình! Đã mặc thì phải tôn trọng truyền thống, có cách tân cũng nên trong khuôn khổ và hợp với khung cảnh!”.
Áo yếm: “Không phải cứ xuyên thấu, lồ lộ là gợi cảm!”
Chia sẻ về chiếc áo yếm truyền thống Việt Nam, họa sĩ, nhà sưu tập đồ cổ Nguyễn Mạnh Đức – người từng thực hiện nhiều chương trình, buổi trò chuyện về văn hóa dân tộc như triển lãm Thời trang và cổ vật, bộ phim Đường tới thành Thăng Long cho hay:
“Áo yếm đúng là đồ mặc lót bên trong nhưng thường thì người ta chỉ mặc trong nhà, hiếm khi mặc đi ra ngoài, đi chợ. Mặc áo yếm cũng phải có áo khoác cánh, khoác ra bên ngoài chứ không để hở lưng nhiều như vậy. Chất liệu người xưa thường sử dụng là chất liệu vải mộc chứ làm gì có chất liệu như bây giờ. Nếu áo yếm mỏng tang như vậy, chẳng thà đừng mặc.”
Trong khi đó nhà thiết kế gạo cội Xuân Thu, người từng dày công nghiên cứu và thực hiện nhiều bộ sưu tập dựa trên vốn cổ truyền thống cũng bày tỏ quan điểm: “Tuy là trang phục có chức năng như nội y nhưng ngày xưa, cha ông ta thường dùng chất liệu vải mộc tự nhiên, với các tông màu như đỏ, nâu nhuộm từ củ nâu, củ mài… Chất liệu vải dày dặn thì mới có tác dụng thay thế cho đồ mặc lót.”.
Nhà thiết kế gạo cội Xuân Thu cho biết, chất liệu vải để làm chiếc áo yếm ngày xưa thường dày dặn...
... chứ không mỏng tang như ngày nay
Nhà thiết kế nữ này cũng cho rằng, thời nay, trang phục chỉ còn hình dáng cái yếm, chứ không phải là yếm nữa mà đã thay đổi chất liệu hoàn toàn, làm sai đi tinh thần của chiếc yếm truyền thống.
Đại diện cho thế hệ nhà thiết kế trẻ, cởi mở trước những đổi mới, tân tiến nhưng nhà thiết kế Hà Duy cũng hoàn toàn không ủng hộ việc mang áo yếm ra để “câu view” phản cảm tương tự. “Bản thân áo yếm, không cần hở hang, khoe thân cũng đã rất sexy rồi. Nhưng cha ông ta xưa nay, chưa bao giờ để lại một trang phục áo yếm xuyên thấu nào như vậy. Đó là chuẩn mực của vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa gợi cảm. Đâu phải cứ lồ lộ hết ra thì là gợi cảm?”
Hà Duy - một trong những nhà thiết kế thế hệ trẻ cũng cho rằng cần phải gìn giữ và cẩn thận với "gia tài" mà cha ông để lại
Cũng theo nhà thiết kế Hà Nội này, cần hết sức cẩn thận khi mang các trang phục truyền thống ra biến tấu, hay đưa vào các bộ ảnh bởi đó là “gia tài” mà cha ông ta để lại. “Gia tài đó từ rất lâu rồi, cần được tôn trọng. Các trang phục truyền thống đều có linh hồn, cần phải đặt vào đó một cái tâm!” – Hà Duy nhất mạnh.
Từ chiếc áo yếm nói rộng hơn về các trang phục truyền thống như áo dài, áo tứ thân, nhà thiết kế Xuân Thu cũng kết luận: “Theo tôi, để tránh những kiểu trang phục gây ngao ngán như bây giờ, cần đáp ứng nhiều yếu tố. Thứ nhất, phải tôn vinh được sản phẩm gốc. Thứ 2, phải làm đẹp cho sản phẩm, thứ 3 là phải thổi được tính đương đại vào sản phẩm và thứ 4 là mang lại cái nhìn mới về màu sắc, chất liệu hay trang trí, để sản phẩm có giá trị mỹ thuật, thẩm mỹ cao!”.