DANH MỤC

Những khu vực sốt đất “dựng đứng” ăn theo dự án "khủng", nhà đầu tư nhấp nhổm tìm cơ hội

Những năm gần đầy, nhiều “cơn sốt” đất nền đã xuất hiện tại các tỉnh thành trên cả nước, trong đó phải kể tới hàng loạt những cơn sốt đất “ăn theo” các dự án quy hoạch mới tại nhiều địa phương.

Giá bất động sản tăng mạnh theo ngày “ăn theo” thông tin quy hoạch

Cơn sốt đất mang tên Vành đai 4 đẩy giá đất nhiều nơi cao gấp 3-4 lần trước đó

Từ khi thông tin xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được công bố, bất động sản khu vực ven Hà Nội - nơi đường vành đai 4 đi qua gồm (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông) đang “nóng” lên từng ngày.

Chị Nga – một môi giới thị trường Sóc Sơn cho biết, từ khi có thông tin dự án tuyến đường Vành đai 4 và dự án khu công nghiệp Sạch Sóc Sơn được đẩy mạnh triển khai, nhiều “cò đất” tại đây đã phải tạm gác lại công việc chính để tranh thủ dẫn mối, dẫn từng đoàn khách về xem đất.

Theo chị Nga, trước kia đất làng, xã ở khu vực xã Minh Trí, Thanh Xuân, Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) chỉ dao động khoảng 3 - 4 triệu/m2 nhưng hiện tại giá đã được đẩy lên cao ngất ngưởng khoảng 3 - 4 lần.

Những khu vực sốt đất “dựng đứng” ăn theo dự án "khủng", nhà đầu tư nhấp nhổm tìm cơ hội - 1

Những khu vực sốt đất “dựng đứng” ăn theo dự án "khủng", nhà đầu tư nhấp nhổm tìm cơ hội - 2

Những thông tin xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội khiến giá đất nhiều khu vực tăng

Những thông tin xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội khiến giá đất nhiều khu vực tăng "dựng đứng", giao dịch nhộn nhịp

Chứng kiến thị trường sôi động, người mua người bán tấp nập, nhiều chủ đất tại các khu vực trên dù đã đạt lợi nhuận cao, nhưng vẫn chưa chốt giá bán.

“Cách đây 2 năm, giá đất ở Thanh Xuân chỉ 3 - 5 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại giá đã được đẩy lên cao gấp 2 - 4 lần. Nhất là những mảnh nằm ven đường 35 hiện có giá khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2. Do đất tăng nóng trong thời gian ngắn, nhiều chủ đất ở địa bàn dù muốn bán nhưng lại lưỡng lự, nghe ngóng chờ tăng giá thêm”, chị Nga nói.

Tương tự Sóc Sơn, tại các địa phương khác như Đan Phượng, Hoài Đức,... giá đất cũng đồng loạt tăng cao. “Đặc biệt, xuất hiện rất nhiều nhà đầu tư ở các quận nội thành về địa phương khảo giá để đầu tư” – anh Thái một người dân tại Đức Thượng, Hoài Đức cho hay.

Khánh Hòa: Thị trường “rung lắc” trước thông tin “ông lớn” đổ bộ

Sau khi có thông tin một số tập đoàn lớn đề xuất đầu tư dự án như Tập đoàn FPT, CTCP Tập đoàn Crystal Bay, Tập đoàn FLC và Tập đoàn Sun Group, giá đất Ninh Hòa đã tăng nhiệt đáng kể. Cụ thể, giá đất thổ cư khu vực này hồi đầu tháng 10 chỉ có giá dưới 5 triệu đồng/m2 nay tăng lên 8 - 12 triệu đồng/m2 tùy khu vực.

Riêng tỉnh lộ 5 và tỉnh lộ 8, giá đất trồng cây lâu năm trước tháng 10/2021 chỉ khoảng 20 triệu đồng/mét dài nay "nhảy dựng" lên 80 - 120 triệu đồng/mét dài tùy khu vực.

Những khu vực sốt đất “dựng đứng” ăn theo dự án "khủng", nhà đầu tư nhấp nhổm tìm cơ hội - 4

Những khu vực sốt đất “dựng đứng” ăn theo dự án "khủng", nhà đầu tư nhấp nhổm tìm cơ hội - 5

Giá bất động sản tại Khánh Hòa tăng mạnh sau khi hàng loạt ông lớn về đầu tư

Giá bất động sản tại Khánh Hòa tăng mạnh sau khi hàng loạt ông lớn về đầu tư

Gần Khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa, giá đất trồng cây lâu năm từ 80 triệu/mét dài nay tăng lên hơn 120 triệu đồng/mét dài, các khu vực tuyến đường lớn và gần biển có nơi lên khoảng 230 triệu đồng/mét dài,...

Đầu năm 2022, thị trường bất động sản Khánh Hòa tiếp tục được giới đầu tư chú ý. Cụ thể, theo thống kê của một chuyên trang về BĐS cho thấy đây là địa phương có mức độ quan tâm trong tháng 2/2022 tăng cao nhất với 29% so với tháng 1, lượng tin đăng tăng 15%.

Trong đó mức độ quan tâm đến đất tăng gần 31%, đất nền dự án tăng gần 35%. Với bất động sản cho thuê, lượng quan tâm đến nhà riêng tăng hơn 80%; nhà trọ, phòng trọ tăng gần 100%, nhà mặt phố tăng 68%; cho thuê, sang nhượng cửa hàng tăng 134%.

Lâm Đồng: Giá đất tăng nhiệt trước loạt dự án được đề xuất

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt các doanh nghiệp địa ốc đổ về Lâm Đồng "săn" đất với kế hoạch triển khai loạt dự án liên quan đến phát triển du lịch, nông nghiệp, sản xuất hàng hóa, lĩnh vực hàng không… khiến cho thị trường bất động sản tỉnh này chưa thể hạ nhiệt. Một số khu vực dự báo sẽ có biến động như tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà,…

Việc các doanh nghiệp tiếp tục dồn về Lâm Đồng gom đất được cho là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản tỉnh này chưa thể hạ nhiệt.

Những khu vực sốt đất “dựng đứng” ăn theo dự án "khủng", nhà đầu tư nhấp nhổm tìm cơ hội - 7
Những khu vực sốt đất “dựng đứng” ăn theo dự án "khủng", nhà đầu tư nhấp nhổm tìm cơ hội - 8
Giá đất và lượng giao dịch tại Lâm Đồng tăng nhiệt trước loạt dự án được đề xuất

Giá đất và lượng giao dịch tại Lâm Đồng tăng nhiệt trước loạt dự án được đề xuất

Trong năm 2021, theo đánh giá của Sở Xây dựng Lâm Đồng, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh năm vừa qua có chiều hướng sôi động. Đáng chú ý, sau khi có Nghị quyết thông qua phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư, tình hình thị trường bất động sản có chiều hướng diễn biến tích cực tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc.

Cụ thể, một số khu vực dự báo sẽ có biến động như tại TP Đà Lạt và các đô thị dọc tuyến quốc lộ 20; các khu đô thị và khu dân cư mới trên địa bàn huyện Đức Trọng và TP Đà Lạt; các công trình trọng điểm quốc lộ 27, 28B, cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương,…

Nhiều nhà đầu tư tranh thủ săn tìm đất nền để đầu tư ngay từ đầu năm

Hà Tĩnh: Đất “sốt sình sịch”, công ty môi giới BĐS mọc lên như nấm sau mưa

Trong thời gian chưa đầy 2 năm đã có hàng trăm doanh nghiệp với mã ngành kinh doanh môi giới BĐS ở Hà Tĩnh được thành lập. Từng dàn xe ô tô xếp hàng dài, ken kín người tấp nập mua bán khiến đất nông thôn nhiều vùng quê Hà Tĩnh từ vài trăm triệu đã "vọt" lên hàng tỷ đồng.

Các thôn Bắc Hòa, Phú Hòa, Mỹ Hòa... tại xã Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên) những ngày đầu năm bỗng trở nên "sôi động" khi dòng người đổ về đây chèo kéo, mua bán đất trước thông tin khu vực này sắp khảo sát và quy hoạch dự án Tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf.

Những khu vực sốt đất “dựng đứng” ăn theo dự án "khủng", nhà đầu tư nhấp nhổm tìm cơ hội - 11

Các văn phòng công chứng trên địa bàn TP Hà Tĩnh có rất đông người đến thực hiện thủ tục giao dịch liên quan đến đất đai.

Một người đàn ông sống gần khu vực này cho biết, đất được thổi giá lên cao từng ngày do tin đồn có dự án công nghiệp lớn về gần.

 “Cách đây vài năm khi con đường này chưa lên quốc lộ thì chỉ có giá 300 đến 400 triệu đồng mỗi lô. Như năm ngoái thì khu này có giá khoảng 800 triệu đồng/lô. Mảnh đẹp nhất có giá 1,1 tỷ. Nhưng thời điểm này sau khi có tin đồn có dự án về đây thì đất đã lên tới hơn 2 tỷ mỗi lô. Giá đất tăng nhưng người dân cũng không có tiền để mua đất”, người này cho hay.

Tương tự, ông Bùi - một người dân sống tại xã Yên Hòa cho biết: “Tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi từ trước tới nay vùng quê tôi đang yên bình, nay cò đất về tận nhà chèo kéo, rủ rê gia đình tôi bán cả vườn tược. Nhưng bán đất đi thì gia đình tôi ở đâu”... 

Theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2020 đến nay Hà Tĩnh có tới 450 doanh nghiệp có đăng ký mã ngành kinh doanh môi giới BĐS mới thành lập. Tính riêng tại thành phố Hà Tĩnh có 181 doanh nghiệp kinh doanh, môi giới BĐS.

Riêng dọc con đường lớn ở TP Hà Tĩnh như Lê Duẩn, Hàm Nghi, Trần Phú, Hà Huy Tập … rất nhiều công ty môi giới BĐS hoạt động. Đặc biệt có một số công ty vừa khai trương hoặc chuyển từ ngành nghề khác sang môi giới đất.

Thị trường đất ở Hà Tĩnh bắt đầu có biến động từ giữa năm 2021 đến nay. Nhiều khu vực đất nông thôn cũng được đưa ra bán với giá "trên trời".

Theo thống kê của Văn phòng Đăng ký đất đai - Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, nửa quý đầu năm 2022, đơn vị đã xử lý hơn 29.000 giao dịch liên quan đất đai. Trong khi đó, năm 2020, tổng giao dịch phải xử lý của toàn tỉnh Hà Tĩnh là khoảng 84.000 hồ sơ, năm 2021 hơn 122.000.

Ngoài những khu vực kể trên, thời gian gần đây huyện Củ Chi (TP HCM), Đắc Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hưng Yên, Bắc Ninh,… cũng trở thành những địa phương nhận được sự chú ý lớn của giới đầu tư BĐS với hàng loạt thông tin về hạ tầng ở những khu vực, địa phương này sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Nhà đầu tư nhấp nhổm, sẵn sàng vay mượn để rót tiền vào đất

Trước cơn “sốt đất” đang có dấu hiệu trở lại tại nhiều địa phương trên cả nước, chị Trịnh Võ Minh Phương một nhà đầu tư sinh năm 1981 tại TP HCM chia sẻ vừa thắng lớn với quyết định rót tiền về Long An.

Chị Minh Phương cho biết đầu năm 2021 được một người bạn tại Long An giới thiệu về mảnh đất vườn có diện tích 1.350 mét vuông với giá 790 triệu đồng. Tuy nhiên chị Phương rất bất ngờ với biến động giá đất tại Long An và các tỉnh giáp ranh với TP HCM trong một năm trở lại đây.

Theo đó, đến đầu tháng 3/2022, mảnh đất chị mua năm 2021 được khách trả 1,35 tỷ đồng tương đương với mức lãi 560 triệu đồng chỉ sau một năm xuống tiền đầu tư nên chị đã quyết định bán đi mảnh đất của mình để tìm cơ hội đầu tư ở những nơi khác.

Chị Trịnh Võ Minh Phương cho biết vừa chốt lời khoản đầu tư vào BĐS tại Long An sau một năm xuống tiền

Chị Trịnh Võ Minh Phương cho biết vừa chốt lời khoản đầu tư vào BĐS tại Long An sau một năm xuống tiền

Chứng kiến đồng nghiệp hốt bạc khi đầu tư 2 lô đất dự án tại Bình Dương trong năm 2021, chị Thu Phương (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào đất nền sau một thời gian dài chỉ dành tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.

Theo chị Phương, gửi ngân hàng được cái là an toàn nhưng những năm gần đây lãi suất huy động của cá nhà băng duy trì ở mức thấp nên lợi nhuận không cao. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt của gia đình ngày càng đắt đỏ, nên chị muốn tìm một kênh đầu tư mới có mức sinh lợi tốt hơn. Nữ nhân viên văn phòng này cho biết có kế hoạch rút một nửa số tiền tiết kiệm hiện tại của gia đình để đầu tư vào bất động sản trong vòng từ 3-5 năm. 

Không chỉ những nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi, BĐS tăng nóng cũng đang thu hút những nhà đầu tư mới sẵn sàng vay mượn để xuống tiền đầu tư.

Những khu vực sốt đất “dựng đứng” ăn theo dự án "khủng", nhà đầu tư nhấp nhổm tìm cơ hội - 13

Những khu vực sốt đất “dựng đứng” ăn theo dự án "khủng", nhà đầu tư nhấp nhổm tìm cơ hội - 14

Nhu cầu đầu tư đất nền tại nhiều địa phương ghi nhận tăng mạnh

Nhu cầu đầu tư đất nền tại nhiều địa phương ghi nhận tăng mạnh

Sau nhiều năm tích góp gia đình chị Thanh Hương (Hà Đông – Hà Nội) tiết kiệm được số tiền 600 triệu đồng và chị cũng đang có kế hoạch vay mượn thêm để tìm kiếm đầu tư vào đất nền với ngân sách khoảng 800 triệu đồng.

Chị Thanh Hương cho biết, sau khi tham khảo nhiều môi giới trong khu vực đang được giới thiệu đầu tư vào khu vực Hòa Bình bởi số tiền này có thể mua được khoảng 800 - 1.000 mét đất vườn có thổ cư.

Trong khi đó, với số tiền hiện tại rất khó để tìm mua được một mảnh đất có vị trí đẹp tại khu vực chị đang sinh sống khi mảnh đất rẻ nhất khu chị ở đang được rao bán từ 1 tỷ đồng trở lên (30-32 mét vuông). Những vị trí có thể kinh doanh được có giá dao động từ 40 đến 60 triệu đồng/mét vuông. Tính ra, có những lô đất vị trí đẹp với diện tích từ 40 đến 50 mét vuông đang được rao bán lên tới hơn 3 tỷ đồng.

Hạ tầng hoàn thiện giúp BĐS nhiều khu vực tăng giá mạnh

Nhà đầu tư BĐS cẩn trọng với hiệu ứng quy hoạch

Phải nói rằng trong hầu hết các vụ việc "sốt" đất gần đây, đều mới chỉ là chủ trương, chưa có ranh giới quy hoạch, chưa có gì rõ ràng. Cả người mua lẫn cơ quan chức năng đều thiếu chuyên nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho một số đối tượng lợi dụng, "động viên" mọi người mua đất, bán đất làm náo loạn thị trường. Mặt khác, giới "cò đất" lại chuẩn bị sẵn kịch bản tung tin, kích thích mọi người có tiền lao vào cuộc tranh giành đất đai bằng cách trả giá cao hơn".

Giá đất leo thang do đầu tư "lướt sóng", cứ thế nhảy lên, có chỗ thay đổi từng ngày, từng giờ. Việc tạo "sốt ảo" về bản chất chỉ làm lợi cho nhóm "cò mồi", còn người mua càng về sau càng thua thiệt khi phải chịu giá quá cao, vượt xa giá trị thực của tài sản.

Anh Trần Đình Lương (áo đỏ) cho biết nhiều người thua lỗ khi đầu tư BĐS là do xuống tiền theo hiệu ứng đám đông

Anh Trần Đình Lương (áo đỏ) cho biết nhiều người thua lỗ khi đầu tư BĐS là do xuống tiền theo hiệu ứng đám đông

Mặc dù thắng lớn khi đầu tư vào BĐS trong những năm qua nhưng anh Trần Đình Lương – một nhà đầu tư BĐS tại Hà Đông cũng cho rằng thời gian qua nhiều người giàu lên khi đầu tư vào BĐS, tuy nhiên cũng có không ít người nhận trái đắng khi xuống tiền vào lĩnh vực này.

Theo anh Lương, những người thua lỗ khi đầu tư vào BĐS thường là những người đầu tư theo hiệu ứng đám đông, thấy nhiều người đầu tư vào khu vực nào đó cũng nhảy vào trong khi không tìm hiểu rõ thị trường do đó trở thành những người “nắm giữ” hòn than hồng sau cùng khi giá BĐS nhiều nơi đã được đẩy lên gấp 2-3 lần chỉ trong thời gian ngắn trước đó.

Những khu vực sốt đất “dựng đứng” ăn theo dự án "khủng", nhà đầu tư nhấp nhổm tìm cơ hội - 18

Nói về vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội chia sẻ, một trong những yếu tố phát triển thị trường bất động sản, đặc biệt là hiệu ứng tăng giá sẽ xảy ra khi có những quy hoạch, những tuyến đường giao thông mới, với cơ sở hạ tầng đồng bộ, sẽ hâm nóng thị trường cục bộ tại những khu vực lân cận các dự án.

Tuy nhiên, trong cơ hội tiềm ẩn những rủi ro, các nhà đầu tư, khách hàng cần lưu ý. Vị chuyên gia này chỉ rõ “mốc lộ giới, các hành lang tuyến đường hai bên luôn là một ẩn số. Ranh giới của những mảnh đất giao thoa giữa trong quy hoạch và ngoài quy hoạch rất khó để định vị. Cùng trên mảnh đất đó, từ đâu đến đâu, địa chỉ nào, tọa độ nào, mốc giới nào là đất ở trong quy hoạch, được giao dịch và cấm giao dịch”.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam đầu tư BĐS ăn theo quy hoạch chỉ dành cho những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, việc xây dựng mới, mở rộng hạ tầng giao thông sẽ đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận, tuy nhiên việc đầu tư vào khu vực này chỉ phù hợp với người có nguồn tiền nhàn rỗi vì các dự án hạ tầng sẽ thực hiện trong thời gian dài.

Hơn nữa, cần khảo sát kỹ địa bàn, nắm rõ quy hoạch, vị trí đất có tính thanh khoản. Bởi bài học về đầu tư đất tại hai bên đường Đại lộ Thăng Long vẫn còn nguyên giá trị: Do hai bên đường được rào lại, không cho các phương tiện đỗ để bảo đảm an toàn giao thông nên bất động sản khu vực này giảm sâu so với thời điểm trước khi xây dựng tuyến đường.

Thực tế, đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc “ôm” đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều. Do đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh “tiền mất tật mang”.

Những khu vực sốt đất “dựng đứng” ăn theo dự án "khủng", nhà đầu tư nhấp nhổm tìm cơ hội - 20

Hồng Hương – Trung Kiên

Chủ Nhật, ngày 20/03/2022 20:56 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])