Vì sao kỵ đeo ngọc trai trong ngày cưới?
Lớp trẻ không mấy ai đeo ngọc trai vì màu trắng của nó không phù hợp với đám cưới.
Theo quan niệm của nhiều người, để cặp uyên ương có cuộc sống êm ấm tới đầu bạc răng long thì khi rước dâu, cô dâu tuyệt đối không được quay đầu lại nhà cha mẹ đẻ hay không được đeo ngọc trai trong ngày cưới…
Đám cưới truyền thống miền Bắc có nhiều kiêng kị như kiêng khóc, kiêng đón dâu rồi lại quay lại nhà cô dâu (Ảnh minh họa)
15 năm hôn nhân chìm trong nước mắt
Chuẩn bị cho đám cưới con gái, mẹ chị Bích Ngọc (ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho 10 triệu đồng để đi sắm bộ trang sức đeo trong ngày cưới. Thấy con gái hí hửng cầm tiền đi, mẹ chị Ngọc cẩn thận hỏi xem con gái định mua trang sức gì, chị Ngọc bảo sẽ sắm bộ trang sức ngọc trai nạm vàng.
Nghe vậy mẹ chị Ngọc không đồng ý. Chị Ngọc ngạc nhiên bởi từ khi biết đeo đồ trang sức, chỉ thích đeo ngọc trai. Đi làm có tiền, chị Ngọc thỏa sức sắm các loại trang sức ngọc trai trơn, nạm vàng bạc, bạch kim bạc đủ kiểu. Chị em khác đeo ngọc trai thấy già nhưng chị Ngọc đeo ngọc trai lại rất hợp, hạt ngọc trắng muốt, tôn làn da sứ đẹp hơn nhiều. Vì thế, nghe mẹ cản Ngọc ngạc nhiên và hỏi lại ngay.
Mẹ chị Ngọc – vốn là con gái một thầy đồ nên bà đã giải thích, các cụ xưa dạy đeo trang sức ngọc trai trong đám cưới không may mắn. Vì ngọc trai đại diện cho nước mắt trong tương lai. Khi cô dâu đeo vòng ngọc trai, mặc áo cưới đính ngọc trai sẽ có cuộc hôn nhân nhiều nước mắt và nỗi đau khổ tột cùng, rồi lại dễ ôm con bỏ chồng về với mẹ.
Tuy nghe mẹ giải thích nhưng chị Ngọc không nghe và một bộ trang sức ngọc trai tuyệt đẹp được rinh về. Trong đám cưới và sau này nhìn lại bộ ảnh cưới chị Ngọc vẫn rất tự hào vì bộ trang sức ngọc trai tỏa sáng, đẹp rạng ngời và tinh khiết.
Giờ đã 25 năm lấy chồng, chị Ngọc chia sẻ, nếu cho làm lại tôi sẽ nghe không đeo bộ trang sức ngọc trai. Cuộc hôn nhân sau đó của chị Ngọc rất nhiều nước mắt, tuy không đau khổ tột cùng, chưa đến nỗi phải bỏ chồng, nhưng cô đã sống ly thân tới 15 năm.
Cô dâu không được quay đầu lại khi rước dâu
Nguyễn Thu Trang (ở Thành Công, Hà Nội) trước ngày cưới đã được mẹ hướng dẫn về việc kiêng không được khóc, hoặc ngoái lại nhà mẹ đẻ sau khi chú rể đã làm nghi lễ đón dâu. Mẹ Trang còn dặn kỹ con gái phải ngẩng mặt, đi thẳng về phía trước, tuyệt đối không được quay đầu lại nhà mình, hay quyến luyến, khóc lóc không muốn rời nhà cha mẹ đẻ.
Theo mẹ Trang, đó là phong tục dân gian do bà ngoại dạy mẹ và mẹ dạy lại con gái, rằng con gái đã theo chồng mà còn vương vấn nhà đẻ sau này có thể sẽ bỏ chồng về nhà mẹ đẻ, hoặc không an chí phận sự dâu con. Tới ngày cưới, mẹ và chị gái Trang khéo thu vén tất cả nên Trang chỉ việc trang điểm chờ bạn bè, đón nhận những lời chúc tụng của mọi người.
Trong lúc chờ trang điểm, Trang gọt đĩa cóc xanh dầm muối ớt rồi thảnh thơi ngồi ăn. Khi nhà trai đến thì Trang bắt đầu thấy đau bụng và phải chạy vào nhà vệ sinh. Chú rể vào trao hoa, Trang vừa đón bó hoa xong thì ấn lại ngay vào tay chú rể, gương mặt thất thần rồi biến mất tới 10 phút. Dưới phòng khách hai họ đang khẩn trương chỉ mong đón cô dâu.
Ngược lại, trên gác mặt cô dâu tuy đã trang điểm nhưng mặt vẫn xanh ngắt, chạy ra vào phòng vệ sinh mấy lượt. Chú rể cùng mọi người toát mồ hôi mà không biết làm sao, đành gọi “nhạc mẫu” đang lánh mặt về cấp cứu cho cô dâu. Mẹ Trang đành phải quay về nhà lấy mấy viên Becberin bắt cô dâu uống khẩn cấp.
Ở dưới nhà, hai họ sốt ruột đón dâu cho được giờ, phát biểu, nói chuyện mãi mà không hiểu sao chú rể trao hoa đón cô dâu mãi không xuống. Rồi cơn đau bụng dịu xuống, chú rể dẫn cô dâu ra mắt hai họ để về nhà chồng. Nhưng mới ra khỏi ngõ, sắp vào ôtô thì cô dâu lại biến mất, hai họ lại được phen chờ đỏ mắt ngoài đường. Những người cao tuổi trong họ nhà trai đi đón dâu không giấu được sự sốt ruột. Khi biết nguyên nhân, nhiều người đã bực bội mắng cô dâu: “Chết vì ăn”.