Ứng xử với hàng xóm vô ý

Hàng xóm nhà tôi chẳng hiểu sao hay làm những chuyện nhỏ nhặt mà gây bực tức lớn.

Chẳng hạn như họ đem bỏ bịch rác ngay trước cửa nhà tôi, đưa chó tè bậy khắp nơi, đang yên tĩnh thì bật nhạc nhảy, Tết vừa rồi thì bật Ai khổ vì ai cho hàng xóm nghe cùng. Nhắc nhở mấy lần vẫn vậy. Tôi phải làm sao với hàng xóm như vậy bây giờ?

Có lẽ bạn là người không may mắn khi ở ngay bên cạnh một hàng xóm “vô ý” và “bất cần” như thế. Nhưng bạn cũng nên cảm ơn họ, bởi nếu bạn bước qua được sự khó chịu trước những hành động của họ, bạn còn có thể điều tiết cuộc sống của mình tốt hơn. Với những “chuyện nhỏ” họ gây ra cho bạn, bạn đừng mua bực tức vào mình, rồi căng thẳng với hàng xóm và một loạt những bất lợi cho gia đình bạn sẽ lũ lượt kéo đến. Tốt nhất trong hoàn cảnh này, bạn nên giữ thái độ bình tĩnh để xử lý và hãy nhớ câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Biết đâu, những người hàng xóm đó, một ngày đẹp trời lại trở thành bạn tốt của gia đình bạn thì sao.

Chuyện của bạn khá giống với trường hợp anh bạn tôi gần đây. Anh mới chuyển nhà từ Hà Nội vào Sài Gòn. Trước đây, bạn tôi chưa mua thì nhà kia không có người ở nên chị hàng xóm đối diện vẫn thường để rác trên vỉa hè nhà vắng chủ đó, thi thoảng còn ném từ lầu 2 xuống. Trẻ con nhà chị này thậm chí còn thoải mái tiểu tiện ngay cửa nhà vắng chủ ấy. Giờ chủ mới mua nhà là bạn tôi đã dọn về ở, song những thói quen của gia đình chị hàng xóm vẫn không thay đổi. Thậm chí, họ vẫn quen với việc nhậu nhẹt hát hò giữa khuya... Bạn tôi chọn giải pháp chịu đựng một thời gian đầu, tự nhấc bịch rác của họ về đúng chỗ, tự quét dọn phía trước hiên nhà vài lần. Có lần đang quét dọn, chị hàng xóm đi đâu về thấy vậy, bạn tôi chào hỏi, nói chuyện như bình thường. Chị hàng xóm có lẽ cũng thấy ngại và đã biết ý hơn về sau.

Trở về với câu chuyện của bạn. Nói đi thì cũng nên nói lại. Bạn có sở thích đọc truyện, xem tivi, ăn uống điềm tĩnh, còn người hàng xóm lại thích nghe nhạc Rap, thích tụ tập ăn uống nhộn nhịp nhưng họ nào đâu biết bạn khó chịu với điều đó. Trong tình huống của bạn, chỉ cần khéo léo như anh bạn của tôi kèm thêm vài động thái lịch sự để giao tiếp với hàng xóm thì mọi chuyện sẽ được hòa giải sớm.

Thì tôi cũng nhắc nhở đàng hoàng và nói chuyện lịch sự rồi nhưng họ không tiếp thu cho lắm. Nhiều lần họ cứ cãi, rồi nóng nảy lên và nói tôi là nhỏ nhặt, là hàng xóm mới về mà không biết điều, chẳng nể nang gì ai?

Ứng xử với hàng xóm vô ý - 1

Hàng xóm mới về mà không biết điều, chẳng nể nang gì ai? (Ảnh minh họa)

Thực sự, nói với nhau cũng không dễ chút nào. Nhiều người khá bảo thủ luôn cho mình đúng, hoặc tự ái cá nhân, nên tỏ ra khó chịu khi bị góp ý và vì thế cứ tiếp tục làm điều mình thích, bất chấp hàng xóm phiền lòng. Tâm lý của nhiều người sống lâu năm ở các nơi hay có chuyện đó: họ nghĩ mình cần phải được hàng xóm mới nể trọng nên khi không cảm nhận được điều đó, họ bực tức và cố tình gây chuyện. Nhiều người lại cho mình cái quyền là bề trên của khu phố, nên có những đặc quyền lớn hơn người mới về đối với những khu vực công như vỉa hè, sân chơi hay chỗ để rác.

Trong trường hợp như vậy, bạn có thể chưa vội nhắc nhở họ, mà hãy đợi có dịp thuận tiện, qua nhà chơi với chút trái cây hay món quà quê nho nhỏ, ngồi nói chuyện vui vẻ chút xíu, rồi tiện mồm nhờ anh chị hàng xóm ấy giảm bớt chút âm lượng để con mình học bài, hay đặt rác dịch về chút xíu để bên mình cũng có chỗ bỏ rác...

Nếu hành vi của hàng xóm mãi không sửa và ảnh hưởng chung tới khu phố, bạn có thể nói chuyện với các hàng xóm khác cũng bị ảnh hưởng như bạn. Rồi trong dịp họp xóm chính thức hoặc không chính thức nào đó, cử một người có uy tín nói nhẹ vài câu trong sự ủng hộ chung của những “người bị hại”. Có thể tình hình sẽ khá hơn.

Ở nhiều nơi, mỗi khi có người chuyển tới ngôi nhà mới, họ vẫn thường tổ chức một bữa tiệc nhỏ rồi mời hàng xóm, ít nhất là vài nhà sát cạnh mình, sang ăn uống, nói chuyện và giao hảo. Lời chào cao hơn mâm cỗ, khi những lời chào hỏi và chuyện trò thân mật khởi đầu đã được đưa ra, hàng xóm của họ rõ ràng có giảm bớt khoảng cách, bớt đối xử xấu với hàng xóm mới. Và nếu vẫn còn có lúc hàng xóm cũ làm gì đó ảnh hưởng tới người mới, thì nhờ đã có giao hảo trước chút ít nên việc người mới nhắc nhở cũng sẽ dễ được người cũ chấp nhận hơn.

Cuối cùng bạn nên nhớ, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, cùng hít chung bầu không khí của khối phố, vậy tại sao lại không đoàn kết và chia sẻ với nhau? Những cuộc giao tiếp qua lại vào những thời gian rảnh giúp bạn và hàng xóm thắt chặt quan hệ hơn.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Dại dột ngoại tình với hàng xóm!

Vợ anh hàng xóm là... “phở”

Phát mệt với cô hàng xóm

Hàng xóm sát vách nghe hết chuyện ái ân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN