Trái tim không ngủ đông
Có người biết giữ lửa trong suốt mùa Đông lạnh giá bằng tình yêu thương.
Trong buổi trà dư tửu hậu nói chuyện bốn màu, chị dâu Elise đã khiến tôi khá bất ngờ khi tiết lộ rằng chị thích mùa Đông nhất trong năm. Tôi đã đoán chị phải đặc biệt thích mùa Xuân, bởi những sản phẩm gốm sứ của chị luôn được tô điểm bởi sắc màu vui mắt, họa tiết sinh động. Nhưng không, cái cớ để yêu màu Đông là vì chị thích cảm giác trở về căn hộ ấm cúng của mình và thư thái nhâm nhi ly chocolate nóng bên cửa sổ, sau khi phải xông pha ngoài trời tuyết.
Nhờ Elise, tôi bắt đầu quan sát và dần nhận ra là có những người chẳng cần chờ tới mùa Xuân của đất trời hay những thời kỳ thuận lợi của cuộc đời mới tìm thấy sự ấm áp nơi tâm hồn.
Vẫn nhớ mãi đôi mắt cười và cái vẫy tay của một cô gái Hà Lan dành cho cháu trai Marius trong chuyến du lịch đến Amsterdam hồi đầu năm. Sẽ chẳng có gì khiến tôi ngạc nhiên nếu đó là một phụ nữ ở tuổi lập gia đình, đầu óc lúc nào cũng mơ tưởng về những đứa trẻ. Tôi bất ngờ vì đó là một cô gái đang đứng vẫy khách ở phía sau ô cửa kính hồng. Dù lúc đó đang bận rộn “show hàng”, đánh mắt chào khách, nhưng cô vẫn ngừng lại để vẫy chào một cậu nhóc 2 tuổi đang tròn xoe mắt nhìn mình.
Trong lúc tiếp tục cùng anh chị đi tìm quán café cho cậu nhóc ăn dặm, tôi đã quẩn quanh rất nhiều suy đoán. Có lẽ cô ấy vẫn luôn khao khát có một đứa con, hoặc có khi con của cô đang ở nhà chờ mẹ đi làm về, cho nên cô ta mới bỗng dưng nhớ con khi nhìn thấy Marius? Nhưng dù có lí do gì đi nữa, tôi cũng vô cùng vui sướng khi bắt được ánh mắt hấp háy đó. Dù cho không kéo dài quá lâu thì nó vẫn thường hiện diện nơi khu đèn đỏ.
Làm tình nguyện viên cho một tổ chức từ thiện, tôi thường giúp dịch thư của những đứa trẻ nghèo ở làng quê Việt Nam và cha mẹ đỡ đầu người Pháp của chúng. Dịch thư của hai anh em Quang – Quý và Pierre luôn mang lại cho tôi thiệt nhiều cảm xúc.
Quang viết: “Phía sau nhà cháu là bãi đồi cát trắng, đứng lên đồi cao là nhìn thấy biển. Chiều đến thỉnh thoảng cháu dắt em Quý lên đồi cao là nhìn thấy biển. Qúy lên đồi cát để vui đùa và ngắm cảnh. Anh em cháu hay chọn một đồi cao nhất để định hình nước chú nằm hướng nào. Anh em cháu cứ nhìn mãi mà chẳng thấy gì, chỉ thấy một khoảng trời rộng mênh mông. Thế giới rộng quá chú nhỉ, không biết tương lai anh em cháu như thế nào, đi được đến đâu và làm được những gì…”
Tôi đọc thấy sự chân thành trong tình cảm của một chàng trai mới lớn, nhiều hoài bão nhưng cũng lắm hồ nghi. Nhưng rồi phản hồi của Pierre có lẽ đã tiếp thêm cho Quang rất nhiều tự tin. Khi viết về nơi mình sinh sống Pierre tả: “Ô miền Nam, nghĩa là nằm ở bên dưới của tấm bản đồ của nước Pháp thì rất rất xa, nó nằm ở xa xa bên phái tay trái khi nhìn trên bản đồ thế giới, khi nhìn từ phía Việt Nam…
Dù đang đứng đâu trên đời thì “thế giới lọt thỏm trong tay mình” như một quả cam mà thôi (Ảnh minh họa)
Trái đất thì tròn tròn như trái cam và nếu cháu thử cầm quả cam bằng hai ngón tay của bàn tay phải, thì có nghĩa là chú sinh sống ở nơi ngón cái và cháu thì sống ở chỗ ngón trỏ”.
Có lẽ, phải đi đến tận cùng của cái dốc bên kia cuộc đời, hoặc trải nghiệm những rủi ro của cuộc phẫu thuật căn bệnh nan y giai đoạn cuối con người ta mới có thể hướng tới sự giải phóng toàn diện về tâm hồn, như Pierre đang làm và muốn cậu con trai đỡ đầu của mình cũng làm được. Cám ơn Pierre đã giúp Quang tự tin với con đường trước mắt, giúp anh chàng tin rằng, dù đang đứng đâu trên đời thì “thế giới lọt thỏm trong tay mình” như một quả cam mà thôi.
Có người biết giữ lửa trong suốt mùa Đông lạnh giá bằng tình yêu thương, cũng có người cố tình “lợi dụng” sự lạnh lẽo của màu Đông để kết nối những thành viên trong gia đình mình.
Tháng trước, tôi được đến thăm gia đình một nữ nha sĩ chọn sống ở một ngôi làng nằm giữa thung lũng Jura heo hút nơi biên giới Pháp – Thụy Sĩ. Đủ khả năng để mua một căn hộ rộng rãi hay thậm chí là một căn nhà sân vườn ngay tại thành phố lớn, nhưng Cathy vẫn chọn sống trong một ngôi làng, nơi mà cô phải lái xe đi về mỗi ngày 15 cây số: “Đó là nơi mà vào mùa Đông, khi nhiệt độ ngoài trời xuống âm mấy chục độ, cả nhà cô sẽ không ai có lí do để ra ngoài, và cô sẽ làm bánh macarons cho mọi người”.
Tôi không được chứng kiến giây phút cả nhà nhâm nhi bánh macarons trong lúc cùng xem bộ phim hay, nhưng chỉ riêng giây phút chuẩn bị cũng đủ khiến mọi người quây quần rồi. Khi đó con gái lớn sẽ giúp mẹ đọc công thức, cân đong nguyên liệu, còn hai chàng trai của gia đình dù đang đợi chơi nhạc hay học bài cũng sẽ chốc chốc chạy lại xem hôm nay mình được ăn macarons vị gì mà thơm phức.
Trên đường chở tôi ra ga để đón tàu, khi biết tôi không có máy đánh trứng mà chỉ dùng dụng cụ đơn giản. Cathy đã bất ngờ quẹo xe vào siêu thị để tặng tôi một cái máy đánh trứng.
Có lẽ Cathy muốn tôi biết rằng trên đời sẽ còn rất nhiều bận bịu, nhưng một người phụ nữ chắc chắn phải dành thời gian làm bánh cho những người thân vào cuối tuần. Khi nhận món quà của Cathy, tôi cũng đã nghĩ là mình nhất định sẽ tặng cho ai đó một cái máy đánh trứng khi mùa Đông về.