Tết của người phụ nữ ba đời chồng chưa một lần đám cưới

Tết đối với tôi là một thứ quá xa xỉ. Tôi thèm tiếng cười, thèm một lời chúc, thèm cả việc phát lì xì cho con cháu.

Không nhan sắc, không tài sản, không bằng cấp... vẫn chưa phải là những gì thua thiệt nhất mà tôi phải hứng chịu. Cái thiếu đau đớn nhất cũng là cái tôi khát khao có được nhất, đó là một tấm chồng tử tế và một mụn con ngoan. Tôi đã chấp nhận sống cả cuộc đời éo le, sóng gió, chông chênh để giành giật lấy niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy từ cuộc đời vốn đã thiếu công bằng với mình.

17 tuổi, tôi kết hôn với người chồng đầu tiên tên là Quang, sinh năm 1970, quê Vĩnh Phúc. Nói là kết hôn nhưng chẳng có lễ ăn hỏi hay mâm cơm ra mắt nào cả, tôi chỉ lẳng lặng theo họ về làm dâu vì gia đình phản đối. Nhưng hóa ra, chồng tôi lại là người đàn ông chẳng mấy mặn mà chuyện chăn gối. Không chịu được cảnh “chăn đơn gối chiếc”, tôi ngậm ngùi bỏ về nhà mẹ đẻ.

Từ sau khi bỏ chồng, cha mẹ, anh chị tôi ngày đêm hắt hủi, đay nghiên rằng “cá không ăn muối cá ươn” đến mức tôi phải bỏ lên Lạng Sơn tìm đường sống. Ở đây, tôi làm đủ mọi nghề từ rửa bát thuê đến vác đá, đổ bê tông, phụ vôi, phụ vữa, sống cảnh “nước sông gạo chợ”.

Tết của người phụ nữ ba đời chồng chưa một lần đám cưới - 1

Tôi đã hứng chịu đủ kiếp chuân chuyên của người phụ nữ (ảnh minh họa)

Tết đối với tôi là một thứ quá xa xỉ. Có một cái Tết, tôi làm giúp việc cho một gia đình nhà giàu, nhìn họ sum vầy, quây quần bên nhau mà đau xót. Tôi thèm tiếng cười, thèm một lời chúc, thèm cả việc phát lì xì cho con cháu.

Duyên trời run rủi, hơn 1 năm sau tôi gặp gỡ và theo một người đàn ông tên Khánh, sinh năm 1968, quê Lạng Sơn về làm vợ. Gia cảnh nghèo khó, một tay tôi làm lụng nuôi bố mẹ đau yếu và ba người em chồng ăn học. Nhưng sống với anh 2 năm mà tôi chưa có lấy một mụn con. Tôi muốn cùng anh đi khám nhưng anh không chịu, chỉ đồng ý uống thuốc nam, thuốc bắc. Mãi đến sau này, anh mới nói thật rằng, anh bị vô sinh, sợ tôi phát hiện ra sẽ bỏ đi nên không dám nói. Tôi sụp đổ hoàn toàn và hôn nhân cũng “đứt gánh” luôn từ đó.  

Đến lúc này, tôi chẳng còn thiết tha chuyện lấy chồng, chỉ mong kiếm được mụn con để được nương nhờ lúc tuổi già bóng xế. Tôi quan hệ với một người đàn ông đã có gia đình ròng rã suốt 7 năm nhưng vẫn không có con. Đó cũng là lúc tôi phát hiện ra mình không còn khả năng làm mẹ.

Đau đớn, tôi bỏ lại tất cả sau lưng, lang thang nay đây mai đó sống cảnh màn trời chiếu đất, làm gái mại dâm. Tôi vùi thân vào cuộc sống nhục nhã, ê chề như vậy suốt 3 năm cho đến ngày bị bắt và đưa vào trại cải tạo. Người  khác thì sợ trại giáo dưỡng như cọp nhưng tôi lại mong mình được ở đó cả đời, để không phải một mình vật lộn với cuộc đời sương gió này nữa.

Nhưng thì ra, thế giới rộng lớn này chẳng có nơi nào chịu cho tôi nương nhờ cả đời hết. Rời trại giáo dưỡng phục hồi nhân phẩm, tôi quyết định làm lại từ đâu. Tôi gặp gỡ một người đàn ông góa vợ hơn mình 20 tuổi và theo ông về làm vợ để sau này có bạn tuổi già.

Thật không ngờ, một tháng sau, tôi có thai. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm giác vui mừng khôn xiết ấy. Tôi đã được làm mẹ.

Nhưng chồng và cả năm người con của ông ta đều ép tôi phải bỏ cái thai. Ban đầu họ dỗ dành tôi rằng, năm nay không được tuổi sinh con nên phá thì hơn. Dỗ ngọt không được, họ quay sang cưỡng ép với lý do, tôi “lật mặt” bởi, trước khi theo chồng về thì nói bị vô sinh, giờ lấy về mới được 1 tháng đã chửa.

Tôi nhất quyết không đồng ý, quỳ gối cầu xin họ cho mình giữ lại cái thai nhưng đều vô nghĩa. Cuối cùng họ tuyên bố, nếu tôi muốn sinh đứa con ra thì phải kí giấy nợ 70 triệu đồng, còn nếu không thì buộc ra khỏi nhà, cắt đứt quan hệ. Thì ra, chúng sợ đứa con trong bụng tôi sau này sẽ tranh cướp tài sản của chúng nên bằng mọi cách, ép tôi phải bỏ con.

Tôi ôm bụng ra đi, trong lòng xác định sẽ tiếp tục cảnh màn trời, chiếu đất. Nhưng lần này tôi không sợ nữa, vì tôi đã có con. Tôi về quê, dùng vốn liếng của mình trước đây, dựng một căn nhà nhỏ trên miếng đất ruộng bố mẹ để lại.

Gần 4 năm nay, tôi làm việc quần quật ngày đêm nuôi mình, nuôi con. Việc gì tôi cũng làm, từ phụ hồ, đào giếng thuê cho đến vác đá, đổ bê tông… Những việc nặng nề này, trước đó tôi đều đã từng làm qua nhưng chưa bao giờ có cảm giác sung sức như bây giờ. Có lẽ bởi, bên cạnh tôi có con là động lực.

Và giờ, tôi cũng đã có Tết, cái Tết của riêng mình. Hai mẹ con tôi cùng nhau đi mua sắm, cùng thức trông nồi bánh chưng. Tôi cũng đã có con để mua quần áo mới, phát tiền lì xì, đã có thể dẫn con đi gặp gỡ mọi người chúc mừng năm mới.

Gần đây, tôi mới được biết, người phụ nữ một mình nuôi con được gọi là mẹ đơn thân. Phải, tôi là một bà mẹ đơn thân, từng bị sóng dập gió vùi đến suýt vỡ tan cái kiếp “bánh trôi bảy nổi ba chìm”. Nhưng tôi đã sống trở lại, sẵn sàng gác bỏ mọi lầm lỡ để trở thành một người mẹ tốt, ít nhất là trong mắt con trai mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Thanh (Ghi) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN