Tặng quà gì để bạn trai nhớ mình?
Em nên tặng gì cho anh chàng mới quen để anh ấy luôn nhớ đến em?
Chúng em mới quen nhau, chưa có chuyện gì đặc biệt nhưng em muốn chủ động tiến sâu hơn một bước bằng món quà nào đó để anh ấy nghĩ nhiều hơn tới mình. Món quà đó tặng vào ngày thường chứ không phải sinh nhật hay kỷ niệm gì cả, đừng quá đắt tiền (vì điều kiện tài chính của em cũng không dư dả) nhưng phải lãng mạn và đầy ý nghĩa. Em nên chọn quà gì?
Chọn một món quà để tặng người khác, nhất là người mới quen, luôn là một bài toán khó. Tôi nghĩ ngoài các yếu tố như giá cả vừa phải, lãng mạn, ý nghĩa, món quà đó nên thỏa mãn những điều kiện sau nữa:
Thể hiện mình hiểu người ta thế nào. Một chiếc áo thể thao đắt tiền sẽ rất vô duyên nếu anh ấy không hề chơi thể thao. Một người ưa hành động thực tế sẽ khó mà thích nếu được tặng một cuốn tiểu thuyết lãng mạn lê thê “sến sỉa”. Bạn hãy cân nhắc anh ấy thích cái gì bởi tặng người ta đúng thứ người ta thích thì món quà mới trở nên đặc biệt.
Thể hiện mình đã vất vả mới có thể có được món quà này. Mỗi khi đi đâu xa, nhiều người hay mua quà tặng người thân và món quà đó luôn trở nên đặc biệt bởi phải đi xa đến thế mới có được món quà đó, chứ nếu chạy ra hàng tạp hóa gần nhà cũng có thể mua được thì còn ai xúc động nữa.
Thể hiện rằng món quà này chỉ có thể đến từ mình, chứ không từ người khác. Nói cách khác, đó là một “hàng độc”, mà món hàng này tiền không thể mua được. Chẳng phải tự nhiên đến mùa đông các cô gái hay đan khăn len tặng bạn trai.
Không cần thể hiện “em yêu anh” hay “em thích anh”, “em rất quý anh”… trên món quà. Thứ nhất, bạn và anh ấy mới quen nhau, không nên vội vàng đến thế. Thứ hai, bản thân việc tặng quà đã là một ngụ ý cho điều đó rồi, không cần phải viết rõ ra nữa, kiểu như không nên chọn một chú gấu bông cầm hình trái tim ghi chữ “I love you” to đùng. Món quà càng thể hiện tình cảm một cách tinh tế lại càng chiếm được cảm tình và khiến người ta nhớ lâu.
Có thể nhân tiện một lời nói trong câu chuyện giữa hai người để chọn món quà. Cách này sẽ khiến người ta thấy rõ món quà này liên quan đến người ta, chứ không phải quà được chọn ngẫu nhiên.
Chọn được quà rồi em cũng rất run vì không biết tặng anh ấy như thế nào (Ảnh minh họa)
Ví dụ, một cô gái đến nhà anh bạn chơi, anh ấy mời cô uống cốc nước nhưng loay hoay mãi không tìm thấy chiếc cốc nào phù hợp. Sau đó, cô ấy mau một bộ cốc đôi rất đẹp đến tặng anh ấy. Một ví dụ khác, có hai người Bắc gặp nhau trong Sài Gòn. Người con trai nói: “Anh nhớ Hà Nội quá!”. Buổi tối cô ấy nhắn tin “Gặp em nhé, em mang Hà Nội đến tặng anh đây”. Anh ấy đến và món quà của cô là một bọc cốm nhỏ xinh còn thơm mùi mùa thu Hà Nội. Cô ấy không cần phải nói gì nữa.
Chọn được quà rồi thì em cũng run không biết phải tặng thế nào, phải nói gì lúc tặng, không thể mang quà đến nhà người ta để trước cửa rồi bấm chuông bỏ chạy được. Quan trọng nhất là… em sợ phản ứng của người ta lúc tặng. Nhỡ người ta không thích món quà đó thì sao?
Bạn tặng quà, nhưng thứ mà bạn đưa cho người ta thật ra không phải là quà. Người ta nhận quà, hoặc từ chối, nhưng thứ mà người ta nhận hoặc từ chối thật ra cũng không phải là quà. Ai cũng hiểu ý ngầm ở đây hết, nếu người ta muốn hiểu.
Các cụ bảo: “Của một đồng, công một nén”, lại có câu “Của cho không bằng cách cho”. Món quà của bạn đã rất quý rồi, nhưng nếu cách bạn tặng mà không khéo, thì không thể mang lại kết quả tốt được. Có người tặng quà, rồi háo hức chờ người ta cảm ơn, chờ người ta tặng lại món quà khác cho mình, hoặc thể hiện là người rất coi trong món quà của mình, khiến cho người nhận quà phát sợ lên được. Món quà bạn tặng, dù đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa chắc là thứ mà người ta sẵn sàng nhận quà. Bởi thế bạn phải rất bình tĩnh khi tặng và chuẩn bị tinh thần cho cả tình huống xấu.
Trên hết, người cần cảm ơn, rất có thể chính là bạn. Anh ấy đã mang lại những cảm xúc đẹp cho bạn, làm bạn rung động, mong nhớ. Đó là món quà người ta đã trao bạn rồi, bạn cảm ơn người ta bằng cách tặng người ta món quà sắp tới đây. Nghĩ như thế thì không cần chờ đợi hồi đáp của người ta nữa, bạn đã có câu trả lời cho chính mình.