Sinh viên và nỗi lo xe “Chính chủ”

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Sau ngày Nghị định 71 chính thức có hiệu lực, nhiều sinh viên không dám đi xe máy ra khỏi nhà.

Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực kể từ 10/11/2012, trong đó quy định tăng mức phạt đối vớ những chủ xe “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” đã tạo ra không ít ý kiến trái chiều trong dư luận.

“Chính chủ” đã đi… nước ngoài

Sau ngày Nghị định 71 chính thức có hiệu lực, nhiều sinh viên không dám đi xe máy ra khỏi nhà. Trần Thị Thương (khoa Tiếng Anh, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Nhà mình chỉ có một chiếc xe, mua lại của một người họ hàng nên không nghĩ gì đến chuyện phải sang tên chuyển chủ. Bây giờ, người đó đã đi nước ngoài, chẳng biết phải làm sao nữa. Từ hôm biết quy định đến nay, mình để xe ở nhà, đi xe buýt. Nhưng mà từ nhà trọ ra đến xe buýt phải đi bộ đến cả cây số, những hôm nhỡ xe buýt, phải đi xe ôm. Đi xe ôm cũng lo, nếu xe của người ta vi phạm quy định, lại rề rà lỡ việc”.

Nguyễn Văn Lâm (K55, Báo chí, trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội) nói: “Bọn mình phải đi thực tế suốt nhưng xe cũng phải “đắp chiếu” mấy hôm nay. Chưa hiểu rõ ràng quy định là thế nào nên không dám đi. Bạn bè mình có người bị phạt, có người chỉ bị nhắc nhở. Để xe ở nhà cũng khổ, khu trọ nhà mình chật hẹp, bình thường chỉ để xe buổi tối đã khó khăn đi lại, bây giờ hầu như cả xóm “án binh”, chủ nhà trọ cứ ra lườm nguýt, vào kêu than, dọa sẽ tính tiền”.

Sinh viên và nỗi lo xe “Chính chủ” - 1

Hầu hết sinh viên đều đi xe của gia đình, xe mượn (Ảnh minh họa)

Vũ Quyết Thắng (K4, Tài chính – Ngân hàng, trường ĐH Hòa Bình) thì “liều” hơn: “Mình đi làm thêm ca đêm xa chỗ trọ, nên bắt buộc phải dùng xe máy. Xe này không phải tên mình nhưng đành phải… liều thôi. Nhà mình tận Vũng Tàu, cả năm mới sắp xếp về được một lần, có phải nói về làm thủ tục hay lấy giấy tờ là về được ngay đâu. Đi đường lúc nào cũng lo nơm nớp”…

Rất nhiều sinh viên đi xe không “chính chủ”

Vũ Thị Trà My (K33, trường ĐH Luật, Hà Nội) phân tích: “Quy định này có từ lâu rồi, nay chỉ siết chặt thêm và tăng mức phạt để chủ phương tiện tự giác hơn. Tuy nhiên, theo mình, trước khi áp dụng, cơ quan ban hành nên làm tốt công tác truyền thông, gắn liền với thực tế nhằm tránh gây hoang mang, hiểu lầm trong nhân dân và lúng túng, khó khăn trong công tác kiểm tra, xử phạt”. Cũng theo My, “Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn công an các tỉnh không xử phạt đối với trường hợp chủ phương tiện khẳng định là xe mượn, xe thuê, xe gia đình nhưng không phải ai cũng có điều kiện cập nhật thông tin mới nên có thể vẫn bị phạt”. Bên cạnh đó, có rất nhiều bạn sử dụng xe của gia đình đã qua nhiều đời chủ, giấy tờ đã thất lạc mà người chủ đầu tiên thì không thể xác định được, nhiều trường hợp mua lại xe qua mạng, qua người quen giới thiệu cho người quen… nên việc xác định cũng rất khó.

Hầu hết sinh viên đều đi xe của gia đình, xe mượn. Họ chưa có đủ tiền để tự mua xe và không phải gia đình nào cũng có điều kiện mà mua xe mới. Trong lúc mà việc hướng dẫn và thi hành Nghị định chưa thống nhất thì rất nhiều bạn lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, “dở khóc dở cười”. Có ý kiến cho rằng nên kiến nghị hoãn thi hành, có ý kiến khẳng định cần thi hành triệt để, cũng có ý thức bức xúc: “Đây là một chủ trương thiếu tính thực tiễn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà (Sinh viên Việt Nam)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN