Những SV "quý tộc" bình dân học siêu giỏi

Nghe đến sinh viên “quý tộc”, nhiều người nghĩ ngay đến những cuộc ăn chơi, đua đòi đẳng cấp. Thế nhưng, vẫn có không ít sinh viên “quý tộc” học siêu giỏi, hăng hái tham gia hoạt động công tác xã hội, từ thiện và là thủ lĩnh Đoàn ít ai ngờ tới…

Từ học giỏi…

Luôn sẵn sàng một tâm thế học tập, cống hiến hết mình cho gia đình, cộng đồng, ngay từ đầu, Đặng Phạm Thiên Duy (sinh năm 1990, đại học (ĐH) RMIT Việt Nam) đã nỗ lực vừa học vừa nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc. Trong suy nghĩ của mình, Thiên Duy luôn cố gắng tìm tòi, học tập để đền đáp cho những đầu tư của gia đình, chứ không ỷ lại sự giàu có mà bố mẹ tạo dựng được.

Cuối năm 2012, sau khi tốt nghiệp ĐH RMIT Việt Nam với tấm bằng giỏi ngành Thương mại (Hệ thống thông tin kinh doanh), Duy học chuyển tiếp chương trình Cử nhân danh dự ngành Thương mại tại ĐH RMIT quốc tế (Melbourne, Úc) trong vòng một năm.

Một năm sau, Duy tốt nghiệp chương trình Cử nhân danh dự với kết quả xuất sắc tại ĐH RMIT Melbourne. Nhờ thành tích nổi bật này, Thiên Duy nhận được học bổng tiến sỹ, tiếp tục nghiên cứu về hệ thống thông tin, với hướng tập trung chính là về quản lý bảo mật thông tin của doanh nghiệp và cá nhân. Giờ đây cậu sinh viên năm nào tại RMIT Việt Nam đã là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ hai tại ĐH RMIT Melbourne.

Những SV "quý tộc" bình dân học siêu giỏi - 1

 Nguyễn Hữu Nghĩa trong lần đi làm công tác xã hội.

Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu của Duy đã được xuất bản trong các tạp chí uy tín trên thế giới, như: Máy tính & An ninh, tạp chí quốc tế về An toàn thông tin & thông tin cá nhân, Hệ thống thông tin châu Đại Dương.

“Mình đang phối hợp với một công ty thiết kế, thi công nội thất hàng đầu Việt Nam để cải thiện hệ thống quản lý bảo mật của họ. Đề tài này áp dụng phương pháp phân tích mạng xã hội trong doanh nghiệp để góp phần đưa ra giải pháp tốt nhất cho việc truyền tải thông tin được xuyên suốt, nâng cao nhận thức bảo mật của mọi người và giúp tinh giản thời gian và chi phí”, Duy nói về công việc nghiên cứu hiện tại.

Sinh ra trong một gia đình giàu có, Duy vẫn sống như những bạn học bình thường. Với Duy giàu nghèo không có khoảng cách. Cậu luôn bình dị, luôn quý trọng công sức, thời gian, và tình cảm của những người thầy, người bạn tại cả hai trường ĐH RMIT Việt Nam và RMIT Melbourne.

Đến thủ lĩnh đoàn

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại gia, nhà có nhiều người làm đủ các lĩnh vực, từ kinh doanh tư nhân đến nhà nước, nhưng, Nguyễn Như Quỳnh (sinh năm 1994) sinh viên năm 3 ngành Xét nghiệm trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng là người bình dị, hòa đồng. Cô còn được biết đến với vai trò là thủ lĩnh Đoàn, đam mê từ thiện hơn là tiểu thư của một gia đình “quý tộc”.

Quỳnh hiện đang sống cùng bố mẹ trong ngôi biệt thự ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM, bên cạnh đó, bố mẹ cô còn có 5-7 ngôi nhà khác cho thuê. Gia thế là vậy nhưng cô tiểu thư này luôn đơn giản với vẻ bề ngoài bởi nếu không áo sơ mi trắng thì áo Đoàn, áo hội đến trường chứ không như những sinh viên “quý tộc” khác trên người luôn sài hàng hiệu, vung tiền triệu trong những cuộc vui chơi.

Lên đại học, Quỳnh lần lượt tham gia các đội hình tình nguyện, hiến máu, mùa hè xanh… được mọi người tin tưởng bầu giữ chức Ủy viên Ban thư ký Hội sinh viên rồi Chánh văn phòng Hội sinh viên trường.

Ngoài công tác xã hội ở trường, Quỳnh còn tham gia nhóm câu lạc bộ với các nhà hảo tâm mỗi năm 2- 3 lần để đi khám bệnh cho những người dân nghèo ở các tỉnh khác nhau. Nói về sở thích của mình, cô tiểu thư này tỏ ra thích thú khi  kể về những chuyến du lịch của mình.

“Du lịch là sở thích của em nhưng niềm hạnh phúc nhất là em đi du lịch mà không phải xin tiền ba mẹ bởi hiện em đang bán vé máy bay nên nếu có giá rẻ là em săn ngay, còn tiền ăn tiêu thì lấy từ hoa hồng bán vé”, Quỳnh thích thú chia sẻ.

Những SV "quý tộc" bình dân học siêu giỏi - 2

Mặc dù là tiểu thư trong một gia đình giàu có nhưng Nguyễn Như Quỳnh luôn tự mình phấn đấu trong cuộc sống.

Tương tự, cũng có gia cảnh thuộc dạng đại gia trong lĩnh vực kinh doanh ngành gỗ nhưng Nguyễn Hữu Nghĩa (sinh năm 1994, quê Khánh Hòa) sinh viên năm 4 trường Đại học Kinh tế TPHCM lại là thủ lĩnh Đội Công tác xã hội của trường chứ không là công tử bột như những sinh viên “quý tộc” khác. 

Là con út trong gia đình nên Nghĩa được bố mẹ ưu ái. Đậu đại học, Nghĩa vào TPHCM sinh sống cùng 3 anh chị trong biệt thự thuộc dạng VIP ở quận Bình Thạnh (được bố mẹ mua từ trước). Từ nhỏ đến lớn, ngoài việc học và học, Nghĩa hầu như không phải đụng tay đụng chân bất cứ việc gì, thế nhưng, từ khi đặt chân vào TPHCM cậu thiếu gia này hoàn toàn thay đổi, đụng việc gì cũng làm, phong trào nào cũng theo như Tiếp sức mùa thi, từ thiện, hoạt động Đoàn...

“Vào đây mới thấy mình quá sung sướng trong khi nhiều người quá khổ cực, vì thế, em quyết định tham gia công tác xã hội để được giúp đỡ những người khác dù là việc nhỏ nhặt nhất”, Nghĩa nói.

Môi trường tác động tâm lý

Điều quan trọng không phải là dạy con sống khổ mà là giúp con hiểu được giá trị đích thực của đồng tiền thay vì vô tư sử dụng một cách thiếu kiểm soát”, PGS. TS  Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam chia sẻ với phóng viên sau loạt bài “Sinh viên “quý tộc”, họ là ai?” đăng trên Tiền Phong.

Ông Sơn cho rằng: “Có không ít sinh viên quý tộc xuất hiện ở một số trường tư thục, dân lập, trường quốc tế và cả một vài trường công. Biểu hiện dễ thấy nhất là vẻ bề ngoài, xe cộ, phục trang... tiếp đến là việc đi học có phần thể hiện mình một cách quá đáng trong khi học, còn bên ngoài môi trường học đường thì thích vui đùa, thích xuất hiện ở những nơi đình đám như bar, sàn nhảy...

Có thể nói, vai trò của gia đình và nhà trường đối với lối sống của một bộ phận sinh viên quý tộc này hết sức quan trọng, vì chính cách thức tác động của gia đình đã đẩy các bạn đi đến kiểu ỷ lại và vô tư thể hiện.

Ngoài ra, gia đình cũng cần tổ chức những hoạt động để con cái có thể điều chỉnh chính mình, tham gia các hoạt động xã hội tích cực và cân bằng bản thân thay vì cứ vô tư thụ hưởng. Nhà trường cần tôn trọng các em, tôn trọng nhu cầu riêng tư của các em, đồng thời cần định hướng, khuyến khích sinh viên tham gia nhiều hoạt động cộng đồng để điều chỉnh nhận thức, cảm xúc tích cực với cuộc sống”.

Theo ông Vũ Toản - Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, gia đình, nhà trường và xã hội là ba môi trường có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ mỗi con người. Môi trường xã hội chứa đựng đầy đủ tính đa dạng về thành phần, phức tạp về tính chất, đòi hỏi mỗi cá nhân phải luôn làm chủ bản thân, có trí tuệ để nhận biết, kiểm soát hành vi mới có thể tránh được những cám dỗ đời thường.

Ngày nay có nhiều bạn trẻ may mắn được sinh ra, lớn lên trong gia đình có điều kiện kinh tế, đầy đủ về vật chất nên dễ rơi vào trạng thái ngộ nhận về giá trị, tự cho mình cái quyền được hưởng thụ, quyền xác định chuẩn mực đối với người khác.

“Tôi mong các bạn trẻ hãy xem mình là người bình thường, hãy nghĩ và hãy sống tử tế. Chúng ta cần xây dựng môi trường văn hóa đại học mà ở đó vừa là nơi hội tụ tri thức khoa học, đồng thời là môi trường sản sinh những nhân cách lớn, không chỉ tự giúp mình mà còn biết dẫn dắt những người xung quanh tránh khỏi những cám dỗ, những thói hư tật xấu” - ông Vũ Toản chia sẻ.

Ngô Tùng - Đình Đình

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng - Ngô Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN