Những đứa con "bất trị"

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Cha mẹ càng quan tâm con cái bao nhiêu thì những đứa con "bất trị" lại càng vùng vẫy bấy nhiêu.

Mỗi người mẹ khi sinh ra và nuôi dạy con cái họ không bao giờ mong tới ngày nhận được sự báo đáp, họ chỉ mong sao con cái mình khỏe mạnh và nên người. Nhưng đâu phải ai cũng hiểu hết tình thương yêu của cha mẹ?

Những đứa con "bất trị" - 1

Cha mẹ luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống (Ảnh minh họa)

Tôi có quen một cậu bé cùng xóm trọ nhỏ hơn tôi 2 tuổi. Một ngày nọ, cậu cằn nhằn với tôi về chuyện mẹ mình.

Chẳng là mẹ cậu ấy đi từ quê lên hết 8 tiếng, tới Sài Gòn lúc 4h sáng, vậy nên cậu mất giấc ngủ ngon vì bị mẹ gọi dậy để đi rước.

Tôi thực sự ngạc nhiên về thái độ của cậu ấy. Bình thường, cậu là một thanh niên ngoan nhưng không ngờ lại có một hành động "không được ngoan lắm" với mẹ mình như vậy!.

Cậu cằn nhằn vì mẹ đã gọi dậy quá sớm nhưng cậu không hiểu được rằng, mẹ mình đã phải đi từ lúc trời còn tối, tới nơi lúc 4 giờ sáng vừa lạnh vừa mệt chỉ muốn gọi con đến đón, vậy mà...

Trong khi đó, cậu sẵn sàng đi chơi với đám bạn thân đến 2-3 giờ khuya mới về hay lặn lội đi du lịch cùng bạn bè từ lúc trời còn chưa sáng. Lẽ nào bạn bè lại hơn cái gọi là tình mẫu tử?

Phận làm con chẳng bao giờ có thể hiểu được nỗi khổ của cha mẹ cho đến khi chính họ bắt đầu cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời...  đó là lúc họ lên chức làm cha, làm mẹ.

Chị gái tôi lấy chồng, con chị ấy được một tuổi rưỡi, bị đau ốm triền miên. Vài ba tháng chị lại phải đưa con lên bệnh viện tỉnh một lần.

Ngày còn nhỏ, chị là một người "bất trị", luôn cãi nhau với mẹ và không nghe lời ai trong gia đình. Khi lên chức mẹ và phải đêm hôm chăm sóc con nhỏ đau ốm, chị mới hiểu... thì ra làm mẹ vất vả như thế nào.

Một ngày kia, chị cầm tay tôi, mắt rưng rưng và nói: "Em ráng sống cho tốt, đối xử với cha mẹ cho tốt, đừng để đến lúc cha mẹ về già mới nhận ra lỗi lầm như chị". Tôi thấy thật lạ, chị tôi chẳng cần ai giáo huấn, chẳng cần nghe giảng đạo mà chỉ khi có con nhỏ, chị đã hiểu ra phận làm cha mẹ cực khổ thế nào!

Từ khi sinh con ra là bắt đầu một cuộc sống mới: Vất vả, khó khăn hơn. Làm cha làm mẹ, họ phải chăm lo con từng chút một; Khóc ròng khi thấy con đau yếu, bệnh tật; Rồi lại chăm lo cho cả quãng đời phía trước của con cái.

Mỗi người làm cha, làm mẹ đều mong muốn dạy cho con cái mình những điều hay, điều phải. Không người cha, người mẹ nào lại muốn con cái mình trở nên hư hỏng, bị mọi người đối xử tệ bạc...

Thế nhưng, những phận làm con chỉ biết cãi lời cha mẹ, một phần có thể là do nhận thức, một phần là do tuổi trẻ bồng bột. Họ muốn chứng tỏ mình là người đã trưởng thành, họ muốn thoát ra khỏi sự giam cầm về thể xác và tinh thần. Những người làm cha mẹ càng quan tâm con cái bao nhiêu thì những đứa con "bất trị" lại càng vùng vẫy bấy nhiêu.

Hầu hết những đứa con "bất trị" đều cho rằng, cha mẹ mình quá đỗi già cỗi, quá cổ hủ và khó tính , luôn bắt ép chúng làm hết điều này đến điều kia. Chúng chỉ cảm thấy vui vẻ, "được sống là mình" khi đi chơi cùng đám bạn, tìm thấy những trò vui mới.

Đó là suy nghĩ của những đứa trẻ chưa trưởng thành bởi lẽ, con người càng trưởng thành thì từ "nhà" luôn là điều thiêng liêng nhất trong tâm thức của họ.

Khi còn trẻ, họ muốn vẫy vùng ra khỏi ngôi nhà của mình để đến những miền đất lạ bao nhiêu thì khi trưởng thành, họ lại muốn quay về đó bấy nhiêu bởi lẽ, sẽ chẳng nơi nào trên thế gian này ấm áp như ngôi nhà có những người thân của họ.

Có lẽ, những con người trưởng thành là những con người đã được mài dũa ngoài xã hội nhiều, được lên thiên chức làm cha, làm mẹ và họ trưởng thành hơn về độ tuổi, cũng như nhận thức.

Những đứa con "bất trị" - 2

Không có nơi nào ấm áp như ngôi nhà có những người thân thương! (Ảnh minh họa)

Và rồi, họ lại bắt đầu lặp lại cái vòng luẩn quẩn của cha mẹ họ trước đây: nuôi dạy con cái, chăm lo, giáo dục con. Và rồi, có thể những đứa con của họ lại bắt đầu "nổi loạn" giống như họ ngày trước.

Tôi không biết liệu đứa con gái của chị gái tôi có đi lại cái vòng luẩn quẩn mà mẹ nó mắc phải hay không? Tôi cũng liệu không biết rằng cậu bé hàng xóm kia liệu có thay đổi cái suy nghĩ của mình và hiểu được những nỗi khổ của những người làm cha mẹ hay không? Và ngay chính bản thân tôi cũng không biết khi nào mình mới được gọi là trưởng thành để hiểu hết được những điều lớn lao cha mẹ dành cho mình?

Tôi viết lên những điều này, chỉ muốn nhắn nhủ với mọi người một điều rằng: Đừng để đến một ngày khi chúng ta đã trưởng thành thì không còn nhà để quay trở về...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kỳ Kỳ ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN