Nếu không biết thì đừng có... phán bừa

Đúng là, nếu không biết thì đừng có phán bừa vì rất dễ chạm vào lòng tự trọng của những thuộc cấp tận tụy.

Chị trưởng phòng kinh doanh chạy vụt ra khỏi phòng, suýt va vào tôi ở cửa. Hơn 10 năm làm việc ở công ty, tôi chưa bao giờ thấy chị phản ứng bộc phát như vậy. Thế nhưng lần này, chị đã bỏ giữa chừng cuộc họp. Đến chiều, phòng nhân sự nhận được đơn xin nghỉ việc của chị.

Dù sau đó cả tổng giám đốc lẫn phó giám đốc và phòng nhân sự đã hết lời năn nỉ, thậm chí tổng giám đốc còn xuống nước năn nỉ, nhưng chị vẫn kiên quyết nghỉ việc. Chị nói: “Nếu các anh thương tình thì giải quyết cho tôi nghỉ ngay như trong đơn, nếu không tôi chờ đủ 45 ngày rồi nghỉ theo luật định”.

Tất nhiên là tổng giám đốc không muốn cho chị nghỉ nên cứ nấn ná. Đến nay đã được hơn 3 tuần. Hôm trước tình cờ gặp chị ở chỗ ăn cơm trưa gần công ty, tôi hỏi: “Sao chị lại kiên quyết như vậy? Em thấy ban giám đốc rất muốn giữ chị lại...”. Chị cười buồn: “Tôi đã nói thì phải giữ lời. Xưa nay tôi không quen kiểu dọa người khác nên lần này tôi nói là làm. Tôi đã suy nghĩ rất kỹ chứ không phải bốc đồng”.

Rồi chị kể về những ngày đầu mới về công ty. Khi ấy cả 3 tháng trời công ty khó khăn không có tiền trả lương; chị và một số anh em phải lặn lội tận các tỉnh, thành xa xôi, mang từng gói sản phẩm của công ty đi chào hàng, xây dựng mạng lưới tiêu thụ. Chị tự nguyện không nhận lương, để dành cho một số anh em khó khăn nhất. “Những lúc ấy mọi người đối đãi với nhau sao mà tình cảm, có một ổ bánh mì cũng chia đôi, một trái chuối cũng bẻ nửa...”- chị nói với giọng tiếc rẻ.

Rồi công ty ăn nên làm ra, nhân sự ngày càng đông đúc. Ban này, bệ kia được thành lập. Chị lãnh phần kinh doanh nên được phong hàm “trưởng phòng”. Chị vẫn lặn lội tận những vùng xa xôi để quảng bá sản phẩm, khảo sát thị trường, tham mưu cho ban giám đốc cải tiến mẫu mã, chất lượng, chủng loại hàng hóa...

Nếu không biết thì đừng có... phán bừa - 1

Dù không có bằng này cấp nọ nhưng chị làm việc hiệu quả, có trách nhiệm, có lòng tự trọng (Ảnh minh họa)

Cho đến một ngày, công ty thực hiện “tái cấu trúc” theo sự tư vấn của một công ty chuyên tư vấn về tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong đó, bộ phận kinh doanh được sáp nhập với makerting và kế hoạch, chị làm phó bộ phận, dưới quyền một nhân sự mới được “chiêu mộ” từ nơi khác về với giá cao ngất ngưởng.

Được gần 6 tháng thì mô hình mới bộc lộ bất cập, kinh doanh không hiệu quả, thị trường có dấu hiệu bị chững lại; tiếp theo đó là doanh số sụt giảm. Giám đốc bộ phận của chị tiếp tục đề xuất “tái cấu trúc” bằng cách giải thể một số đại lý, cửa hàng; rút lực lượng tiếp thị, bán hàng ở các thị trường truyền thống về để đi khai phá thị trường mới. Lý do anh ta đưa ra là ở nơi cũ, khách hàng đã chán sản phẩm của công ty nên phải “khẩn hoang, lập ấp” mới.

Chị không đồng ý vì ít nhất sản phẩm của công ty đã được chấp nhận một thời gian dài, các ý kiến phản hồi đều tốt. Vấn đề là phải làm sao cải tiến để ngon hơn, hợp túi tiền hơn, đa dạng mẫu mã cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn... Với tâm huyết của mình, chị đã bỏ ra gần nửa tháng trời để khảo sát, lập kế hoạch và trình ban giám đốc xem xét.

Thế nhưng ngay trong cuộc họp, chị đã bị sốc khi giám đốc bộ phận thẳng thừng bác bỏ không cho chị phản biện những lý lẽ của anh ta. Đã vậy, tổng giám đốc còn cho rằng chị không được đào tạo bài bản nên phải cầu thị, lắng nghe. Nếu phải chọn lựa nghe ai giữa hai người thì tổng giám đốc sẽ nghe người có học vị cao hơn, chức vụ cao hơn... “Chị nên hợp tác tốt với trưởng bộ phận thay vì chống đối”- đây là câu nói khiến chị bỏ ra khỏi phòng họp, sau đó quyết định nghỉ việc.

Thật sự nếu chị nghỉ thì tôi thấy rất tiếc bởi chị là người đã gắn bó với công ty khá lâu, làm việc hết mình, dù không có bằng này cấp nọ nhưng chị làm việc hiệu quả, có trách nhiệm, có lòng tự trọng. Chị buồn rầu: “Họ cho rằng tôi chống đối mà một khi họ đã suy nghĩ như vậy thì sẽ không bao giờ thay đổi. Nếu ở lại, tôi sẽ không thể làm việc được, nhất là với một người lãnh đạo đã nghĩ sai về mình”.

Bây giờ thì chị bình thản chờ đến hết hạn báo trước để ra đi. Mỗi ngày khi trông thấy chị, tôi đều thấy tiếc... Đúng là, nếu không biết thì đừng có phán bừa vì rất dễ chạm vào lòng tự trọng của những thuộc cấp tận tụy...

Xem thêm các bài viết liên quan:

Sự khác biệt trong giao tiếp nơi công sở

Kỹ năng giao tiếp nơi công sở

Giao tiếp công sở nên biết

Giao tiếp “phi ngôn ngữ” nơi công sở

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Quang Hùng (Người lao động)
Ăn mặc và giao tiếp chốn công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN