Khâm phục chàng trai bị bại liệt vẽ tranh bằng miệng

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Chàng trai ấy là một tấm gương về nghị lực, là nguồn cảm hứng và sức mạnh cho biết bao người.

Tai nạn ập đến khi Long vừa tròn 16 tuổi khiến anh bị bại liệt nửa người. Kể từ đó, cuộc sống của anh gắn liền với chiếc giường nhỏ cũ kĩ nhưng anh không đầu hàng số phận và giờ đây anh có thể vẽ tranh, viết thơ bằng miệng và xuất bản tập thơ Miền khát vọng.

Câu chuyện về cuộc đời chàng trai Phạm Sỹ Long (28 tuổi), quê ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với nghị lực vươn lên số phận khiến nhiều người không khỏi thán phục, ngưỡng mộ. Gương mặt thân thiện ấy là một tấm gương về nghị lực, là nguồn cảm hứng và sức mạnh cho biết bao người.

Khâm phục chàng trai bị bại liệt vẽ tranh bằng miệng - 1

Sau bao cố gắng và nghị lực vượt lên số phận chàng trai Phạm Sỹ Long đã có thể dùng miệng để viết chữ và vẽ tranh.

Chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của gia đình Long vào một ngày đầu tháng 4, dưới cái nắng đầu oi ả của mùa hè. Dù phải vượt qua quãng đường dài quanh co, khá mệt mỏi nhưng ngay khi vừa đặt chân đến ngoài ngõ, những câu thơ vang vọng từ trong căn nhà của Long làm chúng tôi bừng tỉnh hẳn. Bước tiếp vào trong hình ảnh Long nằm trên chiếc giường nhưng miệng đang ngân nga theo dòng thơ, mọi mệt nhoài trong chúng tôi tan biến.

Tiếp chúng tôi bên ấm nước chè xanh, chị Trần Thị Hà (58 tuổi) mẹ Long tâm sự trong nước mắt, Long là đứa con trai duy nhất trong gia đình có 3 chị em. Tuổi thơ của Long cũng như bao đứa trẻ khác, được học hành vui chơi và biết phụ giúp bố mẹ trong công việc thường ngày.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, nhưng đến năm Long 16 tuổi, ngày anh đang chờ kết quả cho kỳ thi chuyển cấp thì tai họa ập đến. Sau một cú ngã, Long bị liệt nửa người nằm bất động một nơi, tất cả mọi hoạt động đều phải dựa vào người thân chăm sóc.

Từ một chàng trai khỏe mạnh với bao dự định còn dang dở ở phía trước nhưng Long lại phải nằm một chỗ, bó mình trên chiếc giường nhỏ. Nhiều lúc Long chán nản, muốn bỏ mặc tất cả nhưng vì thương bố mẹ, thương chị Long đã vượt qua rào cản, để trở thành một thanh niên “tàn nhưng không phế”.

Clip chàng trai Phạm Sỹ Long khiến không ít người khâm phục

Chị Hà cho biết thêm: “Khi mới bị tai nạn Long hầu như không thiết sống nữa, nhưng rồi được anh em, bạn bè gia đình động viên Long dần lấy lại được tinh thần. Ngày em tập viết, tập vẽ tranh bằng miệng cả nhà chúng tôi không ai tin là Long có thể làm được kỳ diệu đó”.

Long tâm sự: “Thực tế em cũng không nghĩ mình có thể làm được điều kỳ diệu này. Hồi đó, nằm mãi một nơi, không làm được gì khiến em có suy nghĩ tiêu cực nên em nhờ mẹ mua cho cây bút. Những ngày sau đó, em dùng miệng để tập viết, tập vẽ. Mấy ngày đầu, khi mới tập viết miệng đau và sưng vù nhưng rồi dần dần em cũng quen. Ấy vậy mà đã hơn 10 năm trôi qua. Chính việc làm thơ, vẽ tranh, viết nhật ký đã giúp em không bàng quang với số phận tàn tật của mình”.

Cầm những cuốn nhật ký Long viết về cuộc đời mình, chúng tôi nhận ra rõ chính nỗ lực, tinh thần không nhụt chí đã không phụ lòng say mê của chàng trai tật nguyền. Từng ngày những nét vẽ của Long lại một mượt mà sắc sảo. Nhìn những dòng chữ, bức tranh, bài thơ do miệng của Long làm nên không ai có thể tưởng tượng được rằng các tác phẩm ấy lại được làm nên chính từ miệng của một người tật.

Được biết, từ bé Long đã có tố chất thông minh học giỏi, đã vẽ nên được nhiều bức tranh sinh động ghi lại cảnh sinh hoạt của người dân quê... Đặc biệt, tập thơ Miền Khát Vọng dày hàng chục trang được chính miệng của Long dùng bút viết nên đã được nhà xuất bản văn hóa thông tin phát hành 500 cuốn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Thắng ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN