Hối hả làm thêm dịp Tết

Sự kiện: Giới trẻ 9X

Bên cạnh những sinh viên tập trung ôn thi hoặc xả hơi vào dịp cận tết, vẫn có rất nhiều bạn khai thác triệt để “nhu cầu thị trường” thời điểm này để làm thêm, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Xông nhà đêm Giao thừa – part time rất mới 

Xuất phát từ mong muốn có một năm mới may mắn, tốt lành, làm ăn tấn tới, nhiều gia đình tại Hà Nội đã tìm đến các bạn sinh viên hợp tuổi với gia chủ để xông nhà trong đêm giao thừa. Tính đặc thù của công việc là người đi xông nhà phải có mặt tại Hà Nội trong đêm Giao thừa. Bởi vậy mà đa phần những bạn sinh viên thực hiện part-time này đều sinh sống tại Hà Nội.

Nguyễn Văn Quân (năm thứ hai, trường Trung cấp Nghề Quốc tế Việt-Úc) mới bắt đầu công việc xông nhà từ năm ngoái. Làm thêm trong một công ty cung cấp dịch vụ nhân sự nên khi có khách thuê người xông nhà, Quân nhận lời luôn. Trong một đêm, bạn xông đất cho 3 nhà, mỗi gia đình 30 phút. Điều đáng nói là yêu cầu công việc không hề đơn giản và người đi xông nhà thường phải chuẩn bị thật kỹ. Quân cho biết: “Khi khách hàng đặt lịch xông nhà, mình có phiếu điền thông tin khách hàng như công việc, gia đình họ và mình tự nghĩ ra các câu chúc sao cho phù hợp chứ không phải đến xong rồi về ngay. Trang phục cần nghiêm chỉnh, gọn gàng, lịch sự. Khuôn mặt mình phải tươi cười, cử chỉ thân mật, gần gũi, hồ hởi như người thân”. Quân chia sẻ: “Khách hàng không có những yêu cầu nào quá cầu kỳ nên khi đến, mình có cảm giác như một người thân, gần gũi thực sự. Sau khi chúc Tết và nói chuyện năm mới, nhà nào cũng giữ lại dùng bữa nhưng vì công việc nên Quân phải từ chối”.

Nguyễn Văn Tú (ĐHQG Hà Nội) quê ở Thanh Hóa nhưng Tết năm ngoái ở lại Hà Nội trông nhà cho bác ruột nên cũng đăng ký đi xông nhà cho một số người bạn của bác. Bạn cho biết: “Khách hàng yêu cầu rất kỹ về tuổi tác vì đây là công việc rất tế nhị. Nếu không đáp ứng được nhu cầu của khách thì mình phải từ chối chứ không muốn dối họ để có thêm tiền”. Cũng có khi Tú gặp phải trường hợp “dở khóc, dở cười” như lần đến xông đất cho một gia đình, trễ tới 15 phút. May mà chủ nhà tuy không hài lòng lắm nhưng ngày Tết, nên họ chỉ nhắc nhở Tú phải cẩn thận lần sau. Từ đó, bạn đã tự hứa phải luôn tuyệt đối đúng giờ. 

Mỗi lần xông nhà, Quân và Tú nhận được khoản thù lao khá ổn: 200.000-300.000 đồng.

Tết – mùa “làm ăn”

Những ngày cận Tết là dịp “bùng nổ” các công việc part-time quen thuộc mà sinh viên thường tìm đến như làm MC, tổ chức sự kiện tất niên cho các công ty, bán hàng thời vụ… Có khiếu giao tiếp và khả năng PR, Ngọc Sơn (năm thứ hai, Học viện Ngoại giao) nhận được nhiều lời mời tham gia tổ chức sự kiện và làm MC tại các chương trình dành cho sinh viên, dịp cuối năm. Công việc dẫn chương trình mang đến cho Sơn một khoản thu nhập kha khá, dao động từ 400.000 – 500.000 đồng/ sự kiện. Sơn bày tỏ: “Mỗi lần làm chương trình là mỗi lần mình thực sự stress vì cả ngày phải đi học, tối về lại tập trung thời gian hoàn thành khung chương trình, lên danh sách khách mời, vé mời, PR và truyền thông… Rồi còn lo lắng, không biết chương trình có thành công, thời tiết có ủng hộ, mọi người có hài lòng… Vất vả là vậy nhưng sau mỗi lần chương trình thành công thì mình đều cảm thấy hạnh phúc tuyệt vời”.

Hối hả làm thêm dịp Tết - 1

Sinh viên tranh thủ ở lại dịp Tết để kiếm tiền (Ảnh minh họa)

Nguyễn Thị Hà (trường ĐH Thương mại) đã có vài mùa công tác tổ chức tổng kết, tất niên ở một số công ty. Hà cho biết: “Thu nhập không phải là nhiều, do năm nay kinh tế khó khăn nhưng Hà vẫn cố gắng làm để có thêm ít thu nhập mua quà cho bố mẹ và mấy đứa em ở quê”. Nhiệm vụ của bạn là lên danh sách công việc và phụ trách trang trí sân khấu cùng đội ngũ marketing trong công ty sao cho buổi lễ được vận hành tốt nhất. Mỗi chương trình, Hà nhận được 300.000 – 400.000 đồng thù lao và khoảng một tháng trước khi về quê ăn Tết, cô bạn cũng tranh thủ chạy được 5 – 7 “sô” như thế.

Trong các part-time Tết ưa tích của sinh viên thì bán hàng thời vụ mới là công việc phổ biến nhất của các bạn. Bởi đây là dịp mà các gian hàng “nở rộ” để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của khách. Các mặt hàng như: Bánh kẹo, cây cảnh, tranh ảnh, gian hàng tại hội chợ.. đều tuyển rất đông sinh viên làm thêm. Lê Thị Hằng (trường ĐH Bách khoa Hà Nội), phụ việc bán cây cảnh chia sẻ: “Bán hàng là việc làm dễ tìm nhất những ngày này. Nó có thể duy trì đến tận chiều ngày 30 Tết và mình tranh thủ bán vì thu nhập được những 1,5 triệu đồng. Nhưng mình phải mất 300.000 đồng phí môi giới tại trung tâm để có được part-time này”.

Các bạn sinh viên mải mê kiếm tiền dịp Tết đôi lúc cũng gặp phải những rủi ro như: Thiếu thời gian nên không cân bằng được nhiệm vụ học tập và nhu cầu đi làm, mất tiền oan do tính nhầm cho khách, bị trung tâm môi giới lừa… Thậm chí, có bạn còn khiến bố mẹ vô cùng lo lắng khi cận ngày rồi mà vẫn chưa thấy con về hay phải xót xa khi thấy con gầy ốm trông thấy vì quá ham làm thêm…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Dung (Sinh viên Việt Nam)
Giới trẻ 9X Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN