Hệ lụy từ những chuyện về sự bất hiếu trên Facebook
Đằng sau những câu chuyện không có thật để câu like là cả một hệ lụy.
Thời gian gần đây, một số người đã dùng mạng xã hội rồi tưởng tượng ra những câu chuyện không có thật để câu like. Đằng sau những câu chuyện đó là cả một hệ lụy.
Chuyện hư cấu nhưng hệ quả thật
Mới đây, trên mạng xã hội, một facebooker là M.Lê đã đăng tải 2 bức ảnh chụp lại cảnh hai mẹ con ở một hàng ăn vỉa hè cùng với những dòng chia sẻ: "Chiều buồn, đi mua bún riêu. Đắng sao, phận mẹ nuôi con không tiếc thứ gì, nhưng con gái lại tiếc mẹ tô bún riêu 20.000 đồng. Cụ già thì thào: Cho mẹ ăn một bát với. Con gái hét lên: Bà về nhà ăn cơm khi trưa còn đi. Cụ già im thin thít, thấy đắng lòng, muốn mời bà một tô nhưng nghĩ sẽ làm tình huống tồi tệ hơn. Đời nhiều người khổ quá. Bất hiếu là tội nặng lắm nhé mọi người!".
Câu chuyện bịa đặt về hai mẹ con được đăng tải trên Facebook cá nhân để câu like. Ảnh: T.L
Ngay sau khi nội dung trên được đăng tải đã có nhiều người share, like, comment phẫn nộ về người con gái bất hiếu đó.
Vậy nhưng đang sôi sùng sục với “đồ bất hiếu”, dân mạng lại phải giật mình, ngơ ngác rồi chuyển sự phẫn nộ, giận dữ sang kẻ đã đưa những hình ảnh đó lên Facebook. Đó là bởi cháu của nhân vật trong hình đã lên tiếng đính chính sự thật hoàn toàn không đúng với những gì mà người thanh niên kia chia sẻ trên Facebook cá nhân. Dù vậy, câu chuyện đã làm xáo trộn cuộc sống của hai nhân vật trong ảnh. Người bị coi là “bất hiếu” đó rơi vào tình trạng căng thẳng nặng, nhân phẩm bị ảnh hưởng.
Trước đó, cộng đồng mạng cũng xôn xao khi bức ảnh ghi lại sự việc một nam thanh niên đang cố giằng co, đè lên người một người đàn ông trước sân nhà được chia sẻ là con đánh cha. Hành động bị chỉ trích là bất hiếu, vô tâm. Khi báo chí vào cuộc tìm hiểu thì sự thật không phải như lan truyền. Hành động của nam thanh niên trong ảnh là đang chăm sóc cha bị say rượu chứ không phải là đánh đập.
Người đàn ông này là ông Trần Văn Khá, SN 1963, ở thôn Mép, xã Minh Đức, Tứ Kỳ (Hải Dương) và con trai là anh Trần Văn Khương, SN 1988. Khi người cha đi đám cưới về trong bộ dạng say rượu, ông bị mảnh chai đâm dẫn đến chảy máu nhiều khi cố trèo qua tường rào. Anh Khương về thấy bố bị như vậy nên đi mua băng gạc về băng bó. Do say rượu dẫn đến mất ý thức nên ông Khá không cho con băng bó khiến anh phải vật lộn mãi giữa sân.
Chia sẻ về những câu chuyện như trên, ThS tâm lý Bùi Hồng Quân (Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và Chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) cho hay, hiện nay, nhiều bạn trẻ xem Facebook như một công cụ chính để thể hiện bản thân.
Việc có được những cái “like” và “comment” dần trở nên quan trọng với họ. Xuất phát từ điều đó, nhiều câu chuyện hư cấu về sự bất hiếu đã được vẽ ra chia sẻ nhằm thu hút sự chú ý của mọi người. Phạm trù tình cảm gia đình rất dễ được đồng cảm với nhiều người.
Có thể trong một phút cao hứng, các bạn tưởng tượng ra một câu chuyện xuất phát từ câu chuyện có thật đưa lên nhằm mục đích chia sẻ, nhắn nhủ với người khác về chữ hiếu. Nhưng dù thế nào, điều đó cũng không nên. Dù cố ý hay vô tình, những câu chuyện “bịa” về sự bất hiếu đã gây nên tác động tiêu cực tới cuộc sống của người khác.
Trước hết việc đưa thông tin như vậy là hành vi vi phạm pháp luật về đời sống cá nhân, riêng tư sẽ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Nhân vật trong những câu “chuyện bịa” đó cuộc sống sẽ bị xáo trộn, hình ảnh của bản thân họ bị đánh dấu đen bởi câu chuyện của người khác. Cho dù chủ nhân đăng status đó mà nhận lỗi thì hệ quả tiêu cực cũng đã xảy ra rồi.
Đau lòng hơn, nhiều bạn trẻ cũng thường xuyên đưa lên Facebook những câu mắng chửi bố mẹ rất thô tục, phản cảm hoặc công khai việc bất hiếu của mình. Theo ThS tâm lý Bùi Hồng Quân, nguyên nhân sâu xa là sự suy thoái về đạo đức của một số bạn trẻ. Vì vậy, một số người trong xã hội có tư tưởng cha mẹ phải có nghĩa vụ, nhiệm vụ nuôi mình và cho phép mình thể hiện cái tôi thái quá.
Khi đó, người con nhìn nhận mối quan hệ giữa bản thân với cha mẹ không đúng với giá trị truyền thống, chuẩn mực xã hội nên nghĩ mình có quyền đối xử với cha mẹ thế nào là tùy thích. Công khai sự bất hiếu của mình lên Facebook đồng nghĩa với sự vô cảm, lệch lạc giá trị bản thân, coi thường bản thân mình hơn bao giờ hết. Rồi cho rằng, việc này là bình thường, mang tính cá nhân. Chữ hiếu là thiêng liêng, không thể mang ra đùa cợt.
Gây ảnh hưởng nhiều người
Không phủ nhận Facebook đem lại nhiều tiện ích nhưng ThS tâm lý Bùi Hồng Quân cho rằng, người dùng cần tỉnh táo. Mạng xã hội hiện không đơn thuần là thế giới giải trí, thế giới ảo theo nghĩa của nó mà tác động đến con người thật là rất thật. Chỉ một thông tin được đăng tải, ngay lập tức sẽ lan tỏa với sức mạnh vô cùng khủng khiếp.
Bên cạnh những thông tin có thật thì những tin “bịa” khiến nhiều người lo lắng, phẫn nộ. Bạn có thể nghĩ ra một câu chuyện, hay đăng tải điều gì đó là quyền cá nhân nhưng một nguyên tắc cần nhớ là không xâm phạm đến đời tư cũng như làm ảnh hưởng tiêu cực đến người khác với status hay hình ảnh đưa lên.
Mạng xã hội không phải là thế giới phẳng mà là một thế giới trong suốt. Mình có thể nhìn thấy hết mọi người nhưng đồng nghĩa mọi người cũng có thể nhìn thấy mình. Hãy xem đó là bộ mặt của mình, nhìn vào đó để đánh giá giá trị bản thân mình khi thể hiện trên tường. Mình cập nhật được nhiều thông tin nhưng phải biết cách chắt lọc và sử dụng nó có hiệu quả. Điều đó thể hiện sự tôn trọng chính mình và người khác.
Người xưa có câu “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, tức là trước khi nói gì đó phải suy nghĩ thấu đáo, kỹ càng. Những người sử dụng mạng xã hội cũng nên học cái sự cẩn trọng ấy của người xưa trước khi chia sẻ, bình luận những thông tin có thể ảnh hưởng xấu tới người khác. Khi chia sẻ điều gì cần chắt lọc thông tin và nghĩ chia sẻ điều đó có tác dụng gì hay không?.
“Chúng ta chỉ trích vào phần đen tối của người khác cũng không làm chúng ta tốt lên. Thay vì quan tâm đến cái xấu của người khác hãy quan tâm tới cái xấu của mình, xử lý nó dần", ThS tâm lý Bùi Hồng Quân chia sẻ.
Có thể phạt tù vì tung tin đồn Điều 122, Bộ luật Hình sự về tội vu khống quy định người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị phạt tù từ 1-7 năm. |