Hãy sẻ chia những địa chỉ cần giúp đỡ

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Được thành lập từ năm 2012 với slogan “Sẻ chia yêu thương”, Sống hướng thiện quy tụ những người chung tâm niệm giúp đỡ cộng đồng kém may mắn, hướng đến những điều tốt đẹp và điều thiện trong cuộc sống ở mọi lúc, mọi nơi.

Từ một cánh thư

Gặp trưởng nhóm Sống hướng thiện Phạm Đình Mạnh tại Hà Nội vào một ngày cuối tháng Tư, sau khi nhóm ngược vùng cao Ngổ Luông (Tân Lạc, Hòa Bình) đến với học sinh nghèo để trao quà. Kể về cơ duyên Sống hướng thiện gắn bó với Ngổ Luông, anh Mạnh cho hay, xuất phát từ bức thư của một thầy giáo vùng cao Tân Lạc là Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngổ Luông Nguyễn Tiến Thành.

“Qua thư và những cuộc trao đổi điện thoại, thầy Thành chia sẻ về những khó khăn, vất vả của học sinh và người dân Ngổ Luông đang phải trải qua hằng ngày và mong muốn mọi người lên thăm một lần để thấy được cuộc sống của người dân và các em học sinh nơi đây”.

Ba lô trên lưng, 6 thành viên của nhóm đã vượt qua hàng trăm cây số đường đèo dốc, lầy lội bằng xe máy để “lên thăm một lần”, tìm hiểu thực tế khó khăn…

“Nhiều vùng đất, mảnh đời khó khăn sau khi được Sống hướng thiện tìm đến sẻ chia, giúp đỡ còn nhận được sự quan tâm của các nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện khác tìm đến. Sẻ chia thông tin các trường hợp cần giúp đỡ là một trong những điều thành công của nhóm”.

Phạm Đình Mạnh

Tham gia chuyến tiền trạm, anh Mạnh nói về Ngổ Luông: “Tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã là hơn 43%. Điện đã vào tận xã, đến các xóm bản; Trạm y tế khang trang, đủ phục vụ chăm lo sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong vùng. Tuy nhiên, đường liên xã chưa được đầu tư, chỉ cần mưa thì không có cách nào di chuyển ngoài đi bộ. Trường học được xây dựng đủ đáp ứng nhu cầu dạy và học, nhưng nhiều điểm trường cách biệt về đường sá…”.

Sau gần một tháng vận động các đơn vị, tổ chức và các nhà hảo tâm, Sống hướng thiện phối hợp với Đoàn thanh niên Trung tâm Đo lường Quân đội đã trao hơn 57 triệu đồng và những phần quà như dàn máy tính, ti vi, tủ sách, đồ dùng học tập, quần áo...

Trong hơn 57 triệu đồng dành cho Ngổ Luông, ban tổ chức trích 28 triệu đồng dùng để xây tặng thầy và trò trường Tiểu học Ngổ Luông hai bể nước; Số tiền còn lại dành mua quà cho 309 em học sinh mầm non, tiểu học, THCS Ngổ Luông”, anh Mạnh cho biết.

Bên cạnh hoạt động trao tặng quà, các thành viên còn mang theo tông đơ, kéo và các dụng cụ cắt tóc đến tận trường để cắt tóc cho hàng chục em học sinh; giao lưu chụp ảnh…

Ngổ Luông là một trong hàng chục điểm tặng quà, thiện nguyện của Sống hướng thiện trong hành trình đến với những vùng khó khăn. Cũng là một trong nhiều trường hợp đặc biệt mà nhóm tìm đến sẻ chia.

Hãy sẻ chia những địa chỉ cần giúp đỡ - 1

Nhóm Sống hướng thiện trong chương trình tặng quà tại Ngổ Luông. Ảnh: NVCC

Nhóm trưởng Phạm Đình Mạnh, cho biết: “Nhiều chương trình hoạt động của nhóm tại những vùng khó khăn, mảnh đời bất hạnh được bắt nguồn từ thông tin cung cấp của bạn bè, thành viên thông qua các chuyến đi công tác, du lịch…”. Trước dịp nghỉ lễ 30/4, anh Phạm Đình Mạnh cũng cho hay: Một số thành viên trong nhóm đang bàn phương án phượt và khảo sát một điểm tại tỉnh Yên Bái theo thông tin của địa phương gửi tới nhóm.

Sẻ chia - lan tỏa - hiệu quả

Nhóm Sống hướng thiện với logo viết tắt ba chữ cái đầu “S-H-T”, trong đó chữ “S” được cách điệu thành chim bồ câu xanh, được thành lập từ tháng 7/2012. Nhóm gồm các thành viên có độ tuổi, ngành nghề công tác khác nhau, với 8 thành viên chủ chốt. “Hoạt động của nhóm hướng tới học sinh nghèo vùng cao, vùng sâu vùng xa.

Nhóm chọn những nơi chưa có, hay ít nhận được sự sẻ chia của các đoàn thiện nguyện. Trung bình 1-2 tháng tổ chức một chuyến từ thiện đến với những vùng còn nhiều khó khăn, có những mảnh đời cần giúp đỡ”, anh Mạnh cho hay.

Khác với nhiều nhóm hoạt động vì cộng đồng khác, các hoạt động, chương trình của Sống hướng thiện đều hướng tới xã hội hóa. Thay vì việc gõ cửa từng cá nhân, tổ chức kêu gọi ủng hộ, các thành viên của nhóm sẽ chia sẻ thông tin về các trường hợp khó khăn cần giúp đỡ.

“Chia sẻ thông tin tốt nhất để mọi người tự tìm đến là hướng hoạt động của nhóm”, anh Mạnh nói. Cũng là một trong những thành viên chủ chốt, trưởng website Hoàng Thủy (đang làm việc trong một tờ báo tại Hà Nội) cho biết: “Những hành động quyên góp, ủng hộ đều xuất phát từ tinh thần tự nguyện, hướng thiện. Các trường hợp cần giúp đỡ của nhóm đều được đăng tải trên Facebook, website songhuongthien. Web còn tổng hợp, cũng như hỗ trợ các hoạt động của những nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện khác”.

Trên web songhuongthien có các thông tin chia thành nhiều chủ đề như: Sống đẹp; Hoạt động từ thiện; Hoàn cảnh khó khăn; Tấm lòng vàng…

Trong các chuyến thiện nguyện, Sống hướng thiện đều tổ chức đoàn từ 20-30 người, trong đó, đều có sự tham gia của các nhà hảo tâm, những thành viên mới.

“Đi và đến, họ có thêm trải nghiệm mới cho bản thân, để hiểu và đồng cảm hơn với thực tế khó khăn của một vùng đất, hay một thân phận thua thiệt. Từ đó, có thêm những tiếng nói, hành động lan tỏa tinh thần trách nhiệm sẻ chia vì cộng đồng”, anh Mạnh chia sẻ.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Nhặt ve chai kiếm tiền tỷ làm từ thiện

Đằng sau những chặng đường từ thiện

9X từ thợ sửa xe đến ông chủ

Từ cậu bé khuyết tật đến "ông chủ" đào tạo CNTT

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Xuân Tùng (Tiền phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN