Hai cậu học sinh say mê tin học, ham chế tạo
Đam mê chế tạo, Ngô Lê Duy Phong (SN 1998) và Tạ Hoàng Bảo Việt (SN 2000) đoạt giải cao trong nhiều cuộc thi khoa học với những sản phẩm thông minh, có tính ứng dụng cao, hướng đến bảo vệ môi trường.
Làm “mắt” cho người khiếm thị
Ngô Lê Duy Phong (SN 1998, Thừa Thiên - Huế) vừa hoàn thành kỳ thi ĐH với 22 điểm khối A1. Với đam mê chế tạo từ nhỏ, Phong hiện là tác giả của rất nhiều giải thưởng về khoa học, công nghệ.
Năm 2015, sản phẩm hệ thống báo cháy tự động qua internet đã mang về cho Phong giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên-Huế; giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2015; giải ba Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXI năm 2015…
Ngô Lê Duy Phong và sản phẩm găng tay thông minh cho người khiếm thị.
Hệ thống báo cháy tự động qua internet này đã được Cảnh sát PCCC tỉnh Thừa Thiên - Huế thẩm định và xác nhận là sáng tạo hỗ trợ trong công tác phòng cháy chữa cháy, đảm bảo tính mới, tính khả thi và khả năng ứng dụng cao trong đời sống.
Đồng thời, sản phẩm cũng có thể giúp đỡ lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm soát tình hình cháy nổ, giúp đánh giá trực quan các nguyên nhân trước và sau cháy, hỗ trợ các công tác điều tra sau cháy.
Phong cho biết, đang cùng hai bạn khác tiếp tục cải tiến hệ thống báo cháy tự động. Theo đó, nhóm sẽ nâng cấp thành hệ thống báo cháy không dây; báo không cần thông qua internet và chỉ gửi tín hiệu bằng sóng điện thoại.
Ngoài hệ thống báo cháy tự động qua internet, đầu năm 2016, Phong tiếp tục “trình làng” sản phẩm găng tay thông minh cho người khiếm thị. Sản phẩm này đã giúp Phong đoạt hai giải nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Đây cũng là sản phẩm tham gia cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp quốc gia vào tháng 3/2016 vừa rồi. Sản phẩm găng tay cho người khiếm thị của Phong vừa lọt top 10 tin học trẻ toàn quốc và được tham gia thi vòng Chung khảo toàn quốc tại Bình Định (ngày 5/8).
Phong cho biết, găng tay điện tử sẽ đóng vai trò là một chiếc điện thoại cơ bản, một điều khiển từ xa cho máy tính và đồng thời sẽ thay thế chiếc gậy dò đường của người khiếm thị. Không chỉ dừng lại đó, Phong cũng lên kế hoạch sẽ tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời một sản phẩm dành cho trẻ em khiếm thị.
Săn vật liệu cũ phục vụ sáng chế
Tạ Hoàng Bảo Việt (giữa) tại Hội thi sáng tạo KHKT dành cho học sinh 2015.
Với niềm say mê tin học, ham chế tạo, Tạ Hoàng Bảo Việt (SN 2000, THPT Khoái Châu, Hưng Yên) mới đây chế tạo máy “Làm mát bằng tháp bay hơi” với mục đích góp phần bảo vệ môi trường.
Sản phẩm giúp Việt giành giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường, đoạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và giải nhất lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2016.
Việt kể, bố mẹ Việt quanh năm đi bán hàng nước và làm tương, thu nhập không cao nên phần lớn cuộc sống khó khăn. Ngoài những thiết bị phải đặt hàng từ TPHCM, để tiết kiệm tiền, phần lớn các linh kiện Việt chọn để chế tạo máy là đồ tái chế hoặc tận dụng những vật liệu cũ.
Sau khi nghiên cứu, Việt thiết kế sản phẩm “Làm mát bằng tháp bay hơi” thành hai khối: Khối ngoài trời và khối trong nhà. Việt giải thích: “Nước trong tháp bay hơi được bơm qua đường ống dẫn chảy qua khối nước nhằm làm mát cho chip làm lạnh bán dẫn rồi lại chảy về tháp, kết hợp với thiết bị tạo sương, hơi nước trong tháp sẽ được quạt thổi đi nhằm giải nhiệt cho tháp”.
Việt cho biết, ưu điểm của “máy điều hòa” này là không sử dụng gas làm môi chất nên an toàn với môi trường. Có tính năng điều khiển qua mạng nên tiện dụng trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, máy còn có chức năng sưởi ấm mà không sử dụng đến van đảo chiều vật lí như những điều hòa sử dụng gas khác.
Say mê chế tạo quên cả ăn khiến nhiều lần Việt bị kiệt sức, ngất xỉu. “Lúc đó chỉ còn gần một tuần nữa là đến cuộc thi mà sản phẩm của em vẫn chưa đâu vào đâu nên em làm cố. Buổi trưa em không ăn cơm và ngủ nên khi đang ngồi hàn mạch điều khiển thì cảm thấy chóng mặt, rồi không biết gì nữa. Sau bố có kể lại là em bị kiệt sức rồi ngất”, Việt kể.
Không chỉ vậy, Việt còn sáng chế nhiều sản phẩm khác phục vụ đời sống hàng ngày cho gia đình như: máy phun sương, máy cắt cỏ, máy ủ tương… Em cho biết, chính việc dành hết thời gian học và nghiên cứu nên Việt đã tự bỏ được thói quen chơi game mỗi ngày và dành thời gian cho nghiên cứu chế tạo các thiết bị có ích để có thể đưa ra thị trường.