Gặp mặt cô gái Mông được Forbes Việt Nam vinh danh
Sinh ra và lớn lên tại Sa Pa, Tẩn Thị Shu là cô gái dân tộc Mông đầu tiên vinh dự lọt danh sách “30 Under 30” 2016 của Forbes Vietnam.
Để hiểu rõ hơn, phóng viên đã có cuộc nói chuyện với doanh nhân trẻ Tẩn Thị Shu, nghe chị chia sẻ hành trình lập nghiệp của mình.
Doanh nhân trẻ Tẩn Thị Shu chia sẻ với PV.
Quyết tâm vượt khó
Chào chị, là một người con của núi rừng Sa Pa, chị đã vươn lên và đạt được những thành tích đáng nể đóng góp cho quê hương. Chị có thể chia sẻ quyết định theo đuổi con đường này?
Tôi có một tuổi thơ nghèo khó, phải tự lao động kiếm sống từ khi còn rất nhỏ. Hàng ngày tôi phải đi bộ xa thật xa từ bản ra thị trấn để bán hàng rong, có những ngày bán được vài chục ngàn, nhưng có những ngày không bán được đồng nào cả.
Những đêm ngủ vỉa hè không còn quá xa lạ với tôi, mùa đông cũng không đủ quần áo ấm để mặc. Tôi đã rất thèm khát được đến trường học cái chữ nhưng lại không có điều kiện, bên cạnh đó tôi còn là một nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử.
Trải qua một cuộc sống cơ cực, tôi muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh này, cùng tham vọng kéo những người dân tộc thiểu số như mình ra khỏi cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu. Khi nhìn những đứa trẻ không được đi học, tôi đau lòng lắm, càng muốn giúp đỡ các em nhiều hơn.
Tất cả những điều này là động lực để tôi kiên trì theo đuổi con đường mà tôi đang đi. Phần khác là tại thời điểm tôi bắt đầu sự nghiệp của mình, cái duyên đã đưa đẩy để tôi gặp được những người có tâm, có tầm và có tài. Họ đã hỗ trợ tôi rất nhiều, từ đó tôi mạnh mẽ, tự tin hơn với sự lựa chọn của bản thân.
Tẩn Thị Shu nhận giải thưởng Du lịch trách nhiệm 2016.
Khó khăn đối với một cô gái H’Mông như chị khi tham gia trong lĩnh vực du lịch, quảng bá giới thiệu văn hóa tới với bạn bè, du khách như thế nào?
Nói một cách thẳng thắn thì văn hóa của dân tộc mình có hay đến mấy, có đặc sắc đến mấy mà không phô được nó ra thì cũng như không. Sinh ra tại núi rừng Sa pa, khó khăn ban đầu chính là việc tôi nói tiếng Việt (tiếng Kinh) không sõi, tiếng Anh cũng không biết.
Bên cạnh đó, tất cả những kĩ năng như sử dụng máy tính, kỹ năng giao tiếp, quản lý tôi đều rất yếu. Và thách thức lớn nhất tôi cần vượt qua chính là trau dồi kiến thức của bản thân, cần phải nói được cho mọi người hiểu, mọi người hiểu thì mới thấy văn hóa của tôi hay được chứ.
Sau một thời gian làm việc, tôi lại nhận thấy một khó khăn khác nữa đó là nguồn nhân lực của tôi chủ yếu là người dân tộc thiểu số, chưa từng được đào tạo qua trường lớp và không có kinh nghiệm làm việc, họ cũng như tôi, rất bỡ ngỡ với mô hình kinh doanh mới.
Tôi xác định muốn quảng bá văn hóa thì phải đầu tư về con người vì con người là chủ thể của văn hóa, vậy nên tôi đã cố gắng để những người dân ấy bên cạnh làm việc thì vẫn tiếp tục được học tiếng Việt, tiếng Anh, học cách ứng xử cho hay cho đẹp, cách làm việc sao cho chuyên nghiệp để mỗi người họ sẽ là một đại sứ văn hóa cho Sa Pa.
Lan tỏa thông điệp du lịch trách nhiệm
Chị đánh giá ra sao về du lịch trách nhiệm của Việt Nam hiện nay, những du khách, những người dân địa phương có vai trò như thế nào trong việc quảng bá du lịch tới bạn bè quốc tế?
Để kinh doanh du lịch theo hướng phát triển bền vững thì không phải là một điều dễ dàng, nó đòi hỏi sự kinh doanh có trách nhiệm của cộng đồng tại điểm du lịch, nó cần thêm sự văn minh từ khách du lịch và sự quan tâm từ chính quyền địa phương.
Đối với người dân địa phương, họ cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với số phận của vùng đất nơi họ đang ở và đối với con cháu đời sau của họ. Nếu họ không tỉnh táo mà chạy theo cái lợi trước mắt thì họ chỉ kiếm tiền được trong một khoảng thời gian thôi, còn sau đó có thể môi trường bị hủy hoại, hình ảnh của họ trong mắt khách du lịch không còn đẹp thì lượng khách đến với họ sẽ giảm sút. Đời tôi no mà đời con cháu tôi đói thì đâu có được.
Vậy nên, khai thác du lịch đi kèm với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó họ cũng cần hạn chế tối đa việc chặt chém khách du lịch, phải làm sao để khách muốn quay lại, không những họ quay lại mà họ còn dắt gia đình, bạn bè họ quay lại, chứ không phải để họ đến một lần rồi chạy mất mãi. Thêm nữa, là việc cộng đồng tại điểm du lịch cần đoàn kết lại để phát triển một cách đồng đều, tuyệt đối không có tình trạng chèo kéo, phá giá.
Chân dung Tần Thị Shu được đăng trên trang Forbes Việt Nam.
Khi được Forbes Vietnam vinh danh, cảm xúc của chị như thế nào?
Thật ra thì mỗi giải thưởng tôi nhận được đều là sự nỗ lực không chỉ của tôi mà là của cả một tập thể nên yooi không cảm thấy bị áp lực khi nhận các giải thưởng. Những giải thưởng đã tiếp thêm động lực cho tôi và những cộng sự của tôi trên con đường phía trước còn nhiều gian nan.
Nhưng tôi thấy mình thực sự rất may mắn khi nhận được cộng sự rất nhiệt huyết của mọi người. Và, vì có họ nên tôi cảm thấy khó khăn nào cũng đều có thể vượt qua. Bên cạnh đó mỗi khi tôi nhìn thấy hình ảnh các em học sinh đi đến trường học chăm ngoan là mọi áp lực dường như tan biến hết. Tôi hiểu tôi cần cố gắng nhiều hơn, nhiều hơn nữa.
Dự định sắp tới của chị là gì?
Tôi vẫn đang cố gắng để làm sao trong tương lai không xa có thể có một ngôi nhà chung để các em học sinh có chỗ ở, chỗ sinh hoạt tốt hơn, từ đó các em mới yên tâm mà đến trường học được. Nếu có ngôi nhà chung rồi thì tôi có thể nhận giúp đỡ thêm nhiều những em đang có hoàn cảnh khó khăn khác nữa.
Tôi biết ngoài kia còn nhiều em đang không có đủ điều kiện đi học, tôi thương lắm, nhưng tôi cần có thêm chỗ để các em ăn, chỗ để các em ở mới dám nhận các em về được. Chỉ mong ước mơ xây được ngôi nhà chung này sớm thành hiện thực.
Ngoài ra tôi cũng sẽ cùng với các cộng sự tiếp tục sứ mệnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con dân tộc thiểu số để bữa ăn của bà con được đủ đầy hơn. Tôi muốn xây dựng những dự án để bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông cũng như các dân tộc anh em khác nữa. Đó là những dự định mà tôi muốn làm, nhưng tôi biết một mình tôi sẽ chẳng làm được đâu, vẫn cần thêm rất nhiều, rất nhiều sự giúp đỡ của tất cả mọi người nữa.
Nhận giải thưởng Du lịch thế giới có trách nhiệm năm 2016 Vừa qua, Tẩn Thị Shu đã vinh dự nhận giải thưởng “World’s Responsible Tourism Award 2016” – giải thưởng Du lịch có trách nhiệm của thế giới năm 2016. Giải thưởng này công nhận những đóng góp của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng. Tẩn Thị Shu chia sẻ: “Tôi đã rất hạnh phúc khi đến với World’s Responsible Tourism Award 2016 bởi tôi có thêm một cơ hội quá tốt để quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam nói chung và SaPa O’Chau nói riêng đến với bạn bè thế giới. Tôi thật vinh dự khi nhận được giải thưởng này và tôi cần cố gắng hơn để giữ vững danh hiệu, tôi cũng hy vọng sắp tới có thêm nhiều doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam sẽ nhận được giải thưởng này”. |