Éo le phận đời hoa gió

Sự kiện: Những tâm sự hay

Tôi cảm thấy mình trống trải, cô đơn thật sự giữa cái thế giới nhỏ bé này.

Thế là tôi đã đặt chân lên thành phố được nửa năm, vẫn còn chới với lạ lẫm lắm. Có lẽ, phải mất một thời gian nữa tôi mới có thể hòa nhập được với sự xa hoa, bon chen nơi cuộc sống đô hội. Một chút hụt hẫng, một chút do dự cho những hoạch định của tương lai...

Đêm nay là một đêm đặc biệt với tôi, đặc biệt đến nỗi tôi chẳng ngủ được cứ nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại và bật khóc. Tôi ước gì có ai đó lắng nghe tôi trong lúc này...nhưng cái khoảnh khắc nửa đêm về sáng này thì làm gì có ai chứ. Chỉ tôi với những con chữ nhảy múa theo từng giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Không nhớ rõ đây là lần thứ mấy tôi cảm thấy mình trống trải, cô đơn thật sự giữa cái thế giới nhỏ bé này.

Ngày tôi có mặt trên đời này, có lẽ thượng đế đã sắp đặt cho tôi là con người có cá tính mạnh mẽ thì phải. Thế nên, suốt hai mươi mấy năm qua tôi cứ âm thầm sống, âm thầm khóc, âm thầm lặng lẽ đi qua con đường số phận của mình như một loài cây dại, tồn tại bằng nước mưa và khí trời. Cho nên lúc nào tôi cũng cố gắng tỏ ra mạnh mẽ. Tôi sợ, sợ lắm khi phải nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ, sợ ánh mắt đầy xót xa của cha, sợ cái nhìn thương hại của mọi người thân thuộc dành cho tôi từ sau ngày cánh chim lạc đàn bay về nơi không có nắng.

***

Nhà tôi ngày ấy nghèo lắm, nhưng bố mẹ luôn tạo điều kiện cho chúng tôi ăn học. Vì thế, bố mẹ tôi quyết định đầu tư cho những đứa con có triển vọng tương lai, ngoài anh lớn và chị gái tôi ra thì còn có tôi. Nhưng tôi là đứa được đầu tư trong môi trường tốt nhất từ tiện nghi, điều kiện sinh hoạt học tập tốt hơn cả so với cái nhà trọ chưa đầy dăm thước vuông, nước bơm, quay tay từng thùng của anh, chị tôi. Cái tôi thiếu có lẽ là tình thương, sự bao bọc, chở che hay đại loại là những cái gì đó na ná tình thương để tôi cảm thấy vẫn còn có chút bình an xung quanh mình giữa những con người có khuôn mặt giả tạo.

Vợ chồng mụ đàn bà có đôi mắt xếch, một bụng mưu mô luôn miệng nói câu nhân nghĩa với phụ huynh học sinh và mọi người. Lúc nào trên khuôn mặt mụ vợ cũng trét đầy một lớp phấn son dày kệch cỡm để che giấu đi những khuyết điểm của cái bản chất đĩ thõa và gian manh của mình. Còn ông chồng với khuôn mặt câng câng, đôi mắt trắng dã mỗi khi đối diện với mọi người và luôn luôn quen miệng áp đặt cho tụi tôi những điều như quân lệnh, kiểu như ta là chỉ huy ta là duy nhất.

Đôi khi tôi cảm thấy kinh tởm với những lời nói được phát ra trên đôi môi căng mọng đỏ chót của mụ. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy được chút gì đó từ vợ chồng nhà ấy làm, nói ra cho tôi tương xứng với cái gian nhà thờ phật to đùng đoàng trong gian nhà mụ và tương xứng với cái chức danh cao quý nhà giáo, công an nhân dân mà xã hội ban tặng cho vợ chồng mụ.

Mấy năm ở cạnh mụ là ngần ấy năm tôi thấy kinh tởm và chỉ mong mau thoát khỏi mụ càng sớm càng tốt. Nhưng mẹ tôi cũng giống như bao vị phụ huynh khác cũng cần một người đàn bà có nhiều tài lẻ như thế để giáo dục, rèn giũa những đứa trẻ như chúng tôi thành tài. Mụ ta có thể thiên biến vạn hóa tất cả mọi chuyện bằng mọi cách miễn là có lợi cho mụ dưới sự trợ giúp của quý ông chồng làm phó phòng công an tỉnh. Sẵn sàng hi sinh và thí bất cứ con cờ nào trong tay nếu như tôi có lợi cho từng bước tiến của mụ miễn bàn những hệ lụy mà người khác phải gánh sau đó.

Đơn cử như vụ anh trai thằng Huy. Mụ ta vớ bở, vừa có miếng lại vừa được tiếng trong cả ngành giáo dục. Nói chung lợi cả đôi đường cho cả vợ lẫn chồng, người người nể sợ, khâm phục. Mà chẳng đâu xa tôi cũng nể bà ấy một phép. Chứ sao mà không nể được, một giáo viên tầm trung ngày ngày lên lớp với bản đồ địa lý, lịch sử chẳng có gì nổi cộm mà lật đổ cả một bộ máy lãnh đạo của một trường học có tiếng trong thành phố nhỏ bé vốn dĩ rất nhẹ nhàng và đầy chất thơ mộng này. Năm ấy, đồng loạt từ hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng bộ môn bị cắt chức, hàng loạt giáo viên bị kiểm điểm phê bình và kỉ luật chỉ còn xót lại dàn quân đổ bộ theo mụ ta là còn, đánh dấu một sự kiện lớn lao trong ngành giáo dục thành phố. Tôi thương cho những con người yếu thế vì cái chính nghĩa cuối cùng thành ra lại tự hại chính mình.

Anh trai thằng Huy cũng bị lão chồng tống vào nhà tạm giam năm ngày can tội làm tay trong cho một giáo viên cùng trường nhằm tìm ra chứng cứ phạm tội gian lận trong thi cử của mụ. Thằng Huy và con Huê nước mắt ngắn dài suốt mấy ngày trời năn nỉ vợ chồng mụ thằng anh mới được trả về. Trông thằng anh nó đến thảm thương, trong khi cả nhà vợ chồng mụ hả hê cùng chiến hữu dắt nhau đi nhà hàng ăn mừng chiến thắng vẻ vang.

Sau vụ ấy, chẳng ai trong trường dám động đến mụ. Người ta khéo léo nhường mụ chức hiệu trưởng mới. Mụ từ chối “Tớ chẳng có tài cán gì”. Nhưng bộ máy chính quyền mới cũng kiêng nể mụ chẳng dám đụng đến. Ngày ngày mụ đi dạy như đi chơi, sáng hai vợ chồng đèo nhau đi chợ mua rau củ nấu trong ngày cho bọn trẻ trọ học là chúng tôi, sau đó dặn dò những đứa còn lại lo học hành rồi ngủ nghỉ không thì đi làm đẹp. Tới chiều đi dạy, mụ cầm giáo án lên bảng, nói vài ba câu đại loại rồi đưa giáo án cho lớp trưởng hoặc lớp phó học tập lên ghi bảng cho các bạn ở dưới nhìn vào chép lại. Mấy mươi cái đầu cứ lóc nga lóc ngóc hết ngẩng lên nhìn lại cúi xuống cặm cụi viết trông như cái cảnh người ta chen lấn xếp hàng nộp hồ sơ nhập học vậy. Trong khi đó mụ ngồi đó xem chúng chép bài không thì bỏ lớp xuống văn phòng ngồi uống trà. Có hôm, mụ chẳng thèm lên lớp, đưa hết giáo án cần thiết cho ngày hôm ấy đưa cho tôi mang lên trường, dặn dò đưa cho lớp nào, bài gì là ok. Sau giờ học thì mụ trở về nhà, cơm nước xem phim. Tới giờ học thì lùa chúng tôi đi học bài, dò bài rồi đi ngủ. Hôm nào tối cả nhà mụ phải ra ngoài đi gặp gỡ bạn bè thì con gái mụ sẽ chịu trách nhiệm quản lý chúng tôi. Giáo án của mụ được sao chép từ năm này qua năm khác y như một chẳng phải sửa đổi tí nào. Tôi lúc rảnh rỗi ngày chủ nhật thường kiêm nhiệm vụ soạn giáo án cho mụ, thỉnh thoảng chấm bài kiểm tra, sửa lỗi chính tả. Tới mùa thi thì tôi và vài đứa khác kiêm luôn nhiệm vụ chấm bài thi trắc nghiệm, tìm lỗi bài thi tự luận, tính phẩy kết quả năm học…

Éo le phận đời hoa gió - 1

Anh bỏ tôi lại với những giấc mơ còn dang dở sau hơn một năm xa cách (Ảnh minh họa)

Đời nhà giáo của mụ thế mà sướng! Chuyện giáo án, sổ sách điểm chác có người lo. Ngày lễ chỉ việc tới trường rồi về nhà là có lộc để sẳn chờ mụ cất đi, nhất là những ngày 20/10, 20/11, 8/3… không biết bao nhiêu cơ man quà mà kể. Nhiều khi chúng tôi thống kê những thứ ấy mụ xài cả đời không hết. Mà nào đâu chỉ mỗi quà, trong quà người ta còn kẹp cái phong bì gọi là nhờ giúp đỡ, có những phong bì cả vài triệu. Đôi tay mụ thoăn thoắt nhặt nhạnh cất vội bỏ vào chiếc tủ ở đầu giường, còn vải vóc được lựa chọn cẩn thận, cái nào mụ không thich thì mang ra chợ bán lại cho mấy cửa hàng vải vóc vốn là mối quen của mụ không thì để dành gửi về quê làm quà, đồng hồ treo tường tranh ảnh cũng thế.

Cuộc đời nghề của mụ là thế nhưng lão chồng thì kín đáo hơn.Tất cả đều diễn ra ở ngoài, chỉ tới khi xong việc lão mới cầm tiền về khoe và đưa mụ cất đi. Tiếng vợ chồng mụ cười giòn tan, người ngoài nghe nếu không hiểu tưởng vợ chồng mụ có vấn đề mất.

Đứa con trai khiến hai vợ chồng mụ nhiều phen khốn đốn. Được mụ cưng chiều nên mới học lớp 11 mà hắn có đủ mọi tật xấu, ăn cắp, trộm cướp… Chồng mụ làm to nên dễ dàng đưa nó về nhà dạy dỗ mà không cần phải ăn chực nằm chờ nơi nhà giam cho bọn côn đồ anh chị trong đó đánh đập. Nhưng chứng nào tật ấy, hai vợ chông mụ dù có làm gì đi nữa thì chỉ dăm hôm ngựa lại quen đường cũ. Làm con gái người ta có bầu, mụ cầm tiền qua giải quyết vì không môn đăng hộ đối. Đánh chết con người ta, mụ dùng tiền sửa án và đền bù qua loa cho xong chuyện… Con trai mụ nghiện, lão chồng bắt về nhốt lại để mụ trông coi. Lão đi làm, thấy con gào thét, mụ mở cửa cho nó ra đi mất, lão chồng lại được một phen lật tung cả thành phố để tìm thằng con quý tử.

Con gái của mụ thì ngoan hơn. Chẳng dám cãi mụ nửa lời, bởi nó mà lộn xộn là mụ cho nó ăn gậy vào người liền. Nó như cái bóng và công cụ kiếm tiền của mụ vậy. Ngoài giờ học thì quản lý đám trẻ trọ học, ghi sổ sách. Nhưng dù nó có ghi chép cẩn thận thế nào thì khi mụ tính tiền với các bậc phụ huynh tất cả đều được kê khống một cách bài bản. Có khi vài ngày vẫn phải đánh răng bằng muối, đi vệ sinh bằng nước, giặt đồ chỉ có mỗi nước với nước… thế mà mụ vẫn tính với cha mẹ chúng tôi bằng số lượng có định mức, tiền học thêm, sách vở được mụ kê khai giá cao hơn so với chính thức ở lớp phụ đao, học thêm. Nhìn toa tình tiền của mụ chúng tôi giãy nảy lên mà chẳng được gì. “Chúng mày xài chúng mày đâu có nhớ”. Thế đấy, vậy mà tôi cũng đeo bàm nhà mụ tới 5 năm ròng cơ man bao nhiêu chuyện để mà kể.

Vài năm sau gặp lại mụ trông mụ vẫn xì tin như bọn 9x, tôi bật cười mụ chẳng nhớ tôi nhưng tôi nhớ mụ, nhớ như in cái môi cong, mắt xếch… Giờ mụ ấy có xe hơi, nhà lầu, đất vài ba miếng mặt tiền giá bạc tỷ. Chồng mụ về hưu, con gái mụ lấy chồng nơi xứ người, con trai thì chẳng biết hắn ra sao, chẳng nghe mụ ấy nói gì cả. Vợ chồng mụ vẫn theo cái nghề nuôi trẻ ở trọ như ngày nào nhưng quy mô và cấp tiến hơn ngày trước. Người giàu cứ thế giàu lên, người nghèo cứ thế nghèo đi, xã hội này vốn dĩ đã là không công bằng.

***

Tám tuổi, xa gia đình. Ở trong một môi trường như thế tôi chỉ có sách vở làm bạn và thú vui viết nhật kí sau mỗi ngày trước khi đi ngủ. Tôi tự tách biệt mình ra với những đứa trẻ nhà giàu ở chung khi nghe chúng chỉ chỏ vào những bộ quần áo đẹp nhất được mẹ, chị gái và em tôi lựa chọn ra trong đồng quần áo cũ của anh, chị con bác Trưởng ở Sài Gòn lâu lâu lại gửi ra cho. Cái nào chúng tôi mặc vừa thì đem cất đi, cái nào không thể sử dụng thì mẹ lại đem vào thôn cho đồng bào. Mọi khi thì phải tranh giành nhưng lần này chẳng ai giành với tôi, cái gì cũng nhường. Khóe mắt tôi rưng rưng, tôi yêu gia đình mình đến lạ. Mà mỗi lần như thế, cái xóm nhỏ nhà tôi lại rộn vang những âm thanh náo nức, vui mừng của bọn trẻ con chưa biết gì ngoài cái ý nghĩ có quần áo mới để mặc và đào thải đi được những bộ đồ cũ kĩ đã ngả màu đất đỏ quanh năm bám lấy gót chân người dân ở cái xứ sở nhỏ bé này... Với anh, chị, em tôi đó là những bộ quần áo đẹp nhất sau hai bộ đồ mà mẹ tôi gói gém chắt chiu may vào ngày tết và đầu năm học mới... Tôi giận. Nhưng vì tính trẻ con nên chúng tôi cũng lại mau làm lành, chỉ là tôi luôn giữ khoảng cách với những đứa trẻ ở chung như tôi.

Đêm đầu tiên xa nhà tôi rấm rứt rúc mặt trong chăn mà khóc vì nhớ cái mùi su su kho của mẹ, nhớ những cái xoa đầu của bố, nhớ cái cảnh bảy anh chị em tôi sáng tối lại tranh giành nhau mảng cơm cháy ở đáy nồi mẹ nấu. Hôm nào không được ăn là y như rằng hôm đấy mấy anh em nó lại chia phe canh chừng nhau dể lấy trộm bớt cho riêng mình một miếng cơm cháy trong tay người còn lại, chia năm xẻ bảy cho đỡ thòm thèm. Rồi cũng có những giận hờn vu vơ của cái được gọi là con nít, những trận đòn roi mà những năm sau này thèm lắm nó chẳng thể có lại.

***

Ngày ấy, hầu như nhà tôi chẳng bao giờ tốn tiền mua rau bao giờ... Có giàn su su thì ăn kiệt giàn mới thôi. Lâu lâu mẹ lại đổi món với bí đỏ, bí đao, rau ngót, rau sâm, mùng tơi... tất cả đều thuần nông. Thỉnh thoảng ông nội tôi đi câu được cá lại mang ra nhà cho cháu. Với lại, bố tôi ngày ấy đi học đại học, mẹ tôi một mình quán xuyến chuyện nhà chuyện cơ quan.

Đời sống kinh tế ngày một khó khăn, mẹ tôi quyết định bỏ cơ quan ra đi buôn, bảy anh em tôi lại được gửi cho ông nội trông giúp. Căn nhà vì thế bỗng trở nên ồn ào hơn. Xe hàng vào ra tấp nập, công an, kiểm lâm cũng đến liên tục vì những mánh khóe của dân làm ăn dành tặng nhau. Có hôm có cả một vài ông quân phục áo xanh rêu (kiểm lâm) mang cả khẩu súng K54 ra dí vào đầu mẹ tôi để vòi tiền. Chị em tôi ở trong nhà nhìn ra phát khiếp, ôm lấy nhau òa khóc. Lúc nào cũng thế, mấy ổng chỉ bỏ đi khi mẹ tôi xìa ra một cọc tiền đỏ tươi như màu máu mỗi khi tôi té ngã xếp ngay ngắn cột thun đoàng hoàng, mấy ổng đút lẹ vào tút rồi quay đi, văng vẳng vọng lại "Cô biết điều thế, có phải tốt hơn không?". Rồi tụi tôi quen với cái từ gọi là tiền phí "anh em vất vả" ấy, chẳng còn khóc toáng lên chỉ khẽ nép vào sau cánh cửa chờ có gì thì chạy ra với mẹ.

Có lúc tôi bảo "Sao mẹ không lấy roi đánh mấy ông ấy như đánh anh, chị, em con, cho ông ấy khỏi bắt nạt mẹ?" Mẹ tôi chỉ cười bảo "Ông ấy là người lớn...". Tôi khẽ à to như nhận ra một điều gì đó thú vị chạy lăng xăng khắp nhà tụ tập mấy chị em lại nói nhỏ "Sau này chúng mình thành người lớn, mẹ sẽ không đánh chúng mình nữa", rồi cả đám thích thú với cái ý nghĩ đó, hó hét khắp nhà khiến mẹ tôi phải quát ầm lên mới chịu thôi. Một ngày của mẹ tôi luôn kết thúc vào khoảng hai, ba giờ sáng tùy định lượng hàng hóa ít hay nhiều, về sớm hay về muộn, có kiểm lâm hay không có kiểm lâm... Tôi vẫn chưa kịp nhận ra ngày ấy mẹ ngủ vào thời gian nào khi bốn giờ sáng là bếp đã đỏ lửa, nheo nhéo tiếng mẹ gọi dậy đi nhà thờ, học bài...

***

Trong một buổi chiều như thường lệ ông tôi ra sau hào hái rau nấu ăn cho anh em tôi bị té ngã. Nhập viện. Ra viện. Về nhà, ông tôi nằm liệt một chỗ nhưng vẫn lạc quan, vẫn kể cho chúng tôi nghe những câu chuyên cổ tích về bà tiên, ông bụt, về những tấm gương hiếu học. Vậy mà chưa đầy ba tháng ông tôi ra đi trong nhẹ nhàng thanh thản. Khuôn mặt có nét như mọt người ngủ say đang mơ một giấc mơ đẹp. Bảy anh em tôi nghe ông dặn dò trước khi nhắm mắt mà lệ cứ tuôn tràn. Tôi, mẹ và anh trai thức trọn ba ngày bên linh cửu ông không nỡ rời đi. Khi người ta đậy nắp quan tài, bảy anh em tôi cứ gào thét không cho đậy nắp. Ông anh ba thò tay vào trong quan tài chặn lại khiến mọi người vất vả mới lôi được ra. Con đường đất đỏ lầy lội bện chặt vào chân dòng người đưa tiễn, tiếng mưa hòa cùng tiếng khóc già trẻ lớn bé… càng làm cho cuộc tiễn đưa thêm thê lương, não nùng.

Cả cái xóm nghèo xót thương cho ông cụ với chiếc áo bà ba màu nâu sòng, sống giản dị một đời rồi từ nay vắng bóng. Tiếng kinh cầu hằng đêm cứ réo rắt, dìu dặt đau xót lòng người ở lại. Tôi cứ hết sáng đến chiều lại thấp thoáng nơi nghĩa trang ngồi bên mộ ông kể chuyện hằng ngày đang xảy ra. Ý nghĩ non nớt của một đứa trẻ khiến tôisợ ông ở ngoài đó một mình sẽ buồn, rồi lại ngồi kéo đàn cò như năm nào chiều chiều bên bờ ao con nước lăn tăn, tôi thấy ông nhìn đăm đăm về phía trời xa đỏ gạch như màu lửa, tay kéo nhẹ một khúc đờn gì đó mà khiến lòng tôi quặn thắt, nước mắt tôi khẽ lăn dài theo tiếng đờn sầu bi, não nùng. Mẹ bảo tôi “Ông nhớ quê.”

Xa nhà giúp tôi hiểu, quê ở đây là đất tổ Vua Hùng miền ngoài bắc. Như bao thanh niên trai tráng cùng thời, ông theo những cuộc hành quân những năm tháng trường kỳ kháng chiến của dân tộc, sống chết cùng đồng đội ngược xuôi bắc trung nam rồi ở lại miền nam nắng gió này cho tới ngày nhắm mắt mà chưa lần được trở về. Nỗi nhớ ấy đã trở thành nỗi khắc khoải, khôn nguôi trên mái đầu bạc trắng và nước da nhăn nheo, đồi mồi tì vết, từng nếp da xếp chồng lên nhau như đánh dấu về những chặng đường, những thăng trầm, những ưu tư, trăn trở rong cuộc đời người đàn ông ở cái tuổi thất thập.

Những năm tháng buồn vui cùng những đau thương mất mát để lại trong ông tôi ánh mắt buồn hiu hắt. Tôi nghĩ, chắc những lúc ấy ông buồn lắm, nhưng ông không khóc như tôi mỗi khi nhớ nhà. Vì ông tôi già rồi, nước mắt cạn rồi, nên chỉ nhìn về phía trời xa ấy theo những cánh chim trời gửi chút niềm thương nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn… Nơi đó có tuổi thơ ông màu khói và những dòng chảy đỏ gạch cuộn chảy xiết của sóng sông Hồng, nơi có tình yêu dang dở của một chàng trai trẻ của dưới gốc đa đầu làng hẹn hò đêm trăng sáng , nơi có nhiều hơn một kỷ niệm về một thời mây trắng buồn bay đi…của ông thầy lang với những đứa con không chung một dòng máu. Nơi đã nuôi ông tôi sau những tiếng vang rền bằng câu dân ca, điệu lý, bằng câu chuyện cổ tích mà trưa hè ông vẫn kể cho tôi nghe bên gốc cây tầm vông đầu hè… Ông ra đi mang theo cả tuổi thơ hồn nhiên của tôi, để lại một khoảng trống rộng toác, sâu hoắm mà mãi chẳng thể lấp đầy.

***

Xa nhà. Tôi vẫn giữ nguyên thói quen ngày cũ khi đi học trường làng, khi ở nhà hay khi cùng các anh, chị, bạn bè đi chăn trâu, bắt dế, bắn chim... ngoài những cánh đồng cỏ thơm mùi hương cỏ gạo, hoa dầu gió, thơm mùi bắp, mùi khoai nướng giữa trưa hè oi ả, mùi bùn tanh ngai ngái ở những cái đầm trâu, vị chua thanh dịu nhẹ của những cánh phượng tan dần trong miệng... Cứ hôm nào tranh thủ được tí chút giờ là tôi lại lẩn thẩn đi dọc hết con đường từ nhà đến trường, từ trường đến lớp học thêm, lớp học thêm về nhà. Đôi khi, tôi cứ thẫn thờ trước những mảng hoa cúc tím, vàng... trong những buổi chiều thu se se lạnh. Có lúc, lại đăm chiêu suy tư như một lão bà bà đã ở cái tuổi gọi là "còn chút gì để nhớ". Người ta cũng có thể bắt gặp nó thì thầm với những ánh sao đêm trên nóc nhà vào những đêm trăng sáng. Tinh ý, họ sẽ nhận ra tôi đang rấm rứt, rồi cứ để cho những giọt lệ chảy tràn trên khuôn mặt. Có khi vu vơ, có khi tôi thấy nhớ nhà, nhớ bạn bè... nên òa khóc, có khi tôi muốn cho cảm xúc tự nó chảy tràn theo những cánh thư được gửi từ gia đình...

Tôi vẽ lại bức tranh ngày thơ ấy vào nhật kí mỗi khi buồn, vào những cánh thư viết được gửi và cũng có đôi khi nằm im trong trang vở trắng học trò. Nhật ký của tôi thấm đẫm nước mắt khi nghe ai đó động chạm về cái sự nghèo khó của mình trong sự khinh miệt, nỗi cô đơn bủa vây khiến tôi trở nên lấm lì, ít nói. Ai hỏi gì cần thiết nó sẽ trả lời, không cần thiết nó im lặng cười trừ rồi lặng lẽ bước đi. Tôi thích nhất là thung sâu với đầy những hoa bồ công anh nở vàng rực vào tiết trời thu. Mỗi khi gió nổi lên mang theo những chong chóng gió bồ công anh xa mãi thành bức tranh thật đẹp. Tôi ước một ngày nào đó tôi cũng bay xa như những cánh bồ công anh kia, đi khám phá những miền đất nới lạ.

***

Anh, chị, em tôi lớn lên theo những chuyến hàng đêm đêm của mẹ, những vụ bắp ngồi kẻ chai mòn cả má bàn tay.... Dần dần, tất cả đều phải ra đi để tiếp tục con đường học vấn. Tôi kể từ ngày đặt chân lên thành phố ấy cũng chỉ thỉnh thoảng mới được về thăm nhà vào ngày tết cổ truyền, dăm ba hôm lại đi. Mỗi lần về thăm nhà, tôi lại len lén ngồi một góc nhìn trộm mẹ. Tôi nhận ra nếp nhăn trên trán mẹ nhiều hơn, đầu đã lấm tấm sợi bạc dù rằng mẹ đang ở cái tuổi xuân vừa chín. Và mẹ tôi có thể ngủ ở bất cứ nơi đâu, bất cứ chỗ nào (góc nhà, xó bếp, gốc chuối, trên bàn, hay chỉ dựa vào một cái ghế nhỏ…)

Từ ngày ông mất. Mẹ tôi càng vất vả hơn, công việc làm ăn bận bịu, bố lại đi làm xa nhà, bảy anh em tới tuổi đến trường cả bảy... Mẹ tôi đã nhỏ nhắn lại càng nhỏ nhắn hơn. Và cứ thế mà, 16 năm tôi xa nhà mẹ tôi buồn vui trong nước mắt của anh em tôi. Đặc biệt là tôi, đứa con gái cứng đầu đã phần nào làm nếp hằn ấy tăng thêm, lằn sâu vào khóe đuôi mắt của mẹ. Đôi khi mẹ giận, mẹ đánh anh em tôi nhiều thế nhưng chưa bao giờ mẹ tôi để bất cứ ai trong anh em tôi nhìn thấy mẹ khóc ngay cả khi bố đòi ly hôn. Năm ấy tôi mười lăm tuổi.

Và tôi cũng chẳng còn viết nhật ký nữa kể từ khi bị mẹ tôi đọc trộm vào những ngày tôi học lớp tám. Những câu nói trong lúc nóng giận của bà vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của một đứa trẻ mới lớn trong tôi. Tôi nghĩ rằng mình không được tôn trọng và lặng lẽ ôm mấy cuốn nhật ký ra sau hè châm lửa đốt. Mùi khói cay nồng xộc vào mắt, bao ấm ức và tủi hờn cứ thế mà trôi đi.

***

Cả đời mẹ tôi có lẽ ngày đẹp nhất chắc là ngày mẹ tôi nghe tin em gái tôi đi du học, cũng là ngày đầu tiên chúng tôi tổ chức sinh nhật lần thứ 55 cho bà. Ánh mắt mẹ xa xăm, ánh lên tia hi vọng sáng ngời, lấp lánh. Cuối cùng tôi biết em tôi đã lấy lại phần nào hi vọng cho mẹ sau những gì tôi đã gây ra. Chiếc áo lao động theo năm tháng mòn sờn theo cấp số nhân cái tuổi của chúng tôi tới giờ mẹ chẳng bỏ, vẫn cứ để dành mang ra vá chằng vá đụp để đi làm. Lắm lúc anh tôi về chơi cứ nhìn thấy lại căn nhằn, cử nhử "Giờ không còn giống như lúc xưa, mẹ bỏ mấy cái đồ đó đi, lấy mái cái lành lặn mà mặc..." . Nhưng có bỏ thì mẹ tôi lại mang cất đi để dành lót ổ đẻ cho mấy con heo, con mèo...

Các anh chị tôi ra trường công việc đã tạm thời ổn định, bố tôi chuyển công tác về gần nhà nhưng vẫn như mặt trăng và mặt trời. Ai đó loáng thoáng bảo bố tôi có tình nhân bên ngoài với mẹ, mẹ chỉ cười giòn tan "Cái tuổi này rồi, mẹ chẳng giữ…".Chúng tôi đã đủ lớn để hiểu rằng hạnh phúc trong gia đình này là sự hi sinh thầm lặng của mẹ, sự dằn vặt của bố mà chúng tôi chỉ phần nào hiểu được. Tôi thương mẹ nhiều hơn khi biết mình sắp làm mẹ khi vừa tròn đôi tám.

Mẹ thương tôi khóc ròng trách tôi dại khờ, mê muội một thằng đàn ông chẳng ra gì ngoài việc ăn chơi lêu lổng, lại có xuất thân khiến người ta e ngại. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ và cảm nhận của mẹ tôi thông qua lời nói của người khác, còn với tôi thì anh là người đàn ông tốt. Dù anh không giàu có, công việc không ổn định, hoàn cảnh xuất thân không tốt nhưng tôi muốn gắn kết cuộc đời mình với anh mặc cho gia đình ngăn cản. Chúng tôi vượt giới hạn để ép gia đình. Khi nghe tin tôi bảo có thai rồi, anh hét ầm inh ỏi trong điện thoại mừng rỡ như tôi ngày đầu tiên được khen thưởng trước toàn trường vì thành tích học tập tốt. Sáng hôm sau anh đã có mặt để gặp tôi sau một đêm thức trắng vượt hơn hai trăm cây số trở về. Anh ríu rít với những bàn tính và dự định tương lai chuẩn bị đón con chào đời. Tôi khẽ cười với hạnh phúc mong manh.

Nhân tính không bằng trời tính. Cái suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ mới lớn, và một trái tim đầy khao khát về một gia đình hạnh phúc đầy ắp với tiếng cười của những đứa trẻ bị tan vỡ trước sự cấm cản, bất chấp cả việc anh quỳ lạy, xin xỏ. Gia đình anh tới lui xin hỏi cưới và đưa mẹ con tôi về chăm sóc. Những ngày ấy như ác mộng với tôi. Đêm đêm, tôi nằm xoa xoa bụng nói chuyện với con mà nước mắt lặng lẽ rơi, ướt đẫm gối. Rồi mặc cho gia đình cấm cản, anh mang đồ xuống nhà tôi ở rể hờ kệ cho người ta nói ra nói vào. Đuổi mãi không được cuối cùng mọi người trong nhà tôi cũng mặc kệ anh chẳng thèm đả động.

Sống chung một mái nhà, không chung chăn gối với nhau nhưng tôi và anh cũng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Thỉnh thoảng anh trốn sự canh chừng nghiêm ngặt của mẹ để ôm mẹ con tôi vào lòng, khẽ nựng yêu vào má tôi, rồi tặc lưỡi đùa trêu với hai đứa trẻ...( Chả là sau khi tôi sinh xong một tháng thì người ta lại bỏ rơi trước nhà tôi một đứa nữa nên đang lúc sữa nhiều mẹ tôi đưa vào nuôi cả, riết rồi quen. Nhiều người nghe tin tới xin xỏ nhưng rồi lại quay về hoặc xin nhầm phải thằng con tôi vì đứa còn lại quá èo oặt. Rồi thôi, cứ thế mà tôi trở thành người mẹ của hai đứa trẻ cho tới giờ. Bí mật ấy cũng chẳng còn gì là bí mật nữa). Thỉnh thoảng, tôi nghe giọng anh hát khe khẽ mỗi khi giặt đồ cho tôi và con... - mùa xuân về tự bao giờ trong khoảnh khắc ấy nhưng vẫn đượm nồng chút xanh xao, hư hao của những cơn bão lòng. Cứ vài hôm má anh nhớ hai thằng cháu lại nhờ người chở xuống dăm ba phút nhòm cái cho đỡ nhớ rồi lại về.

Hơn hai năm bố mẹ tôi mới cho tôi đưa con về nhà anh chơi. Má anh thương tôi từ cái ngày hai đứa yêu thương nhau, anh đưa tôi về ra mắt gia đình. Bà cũng giận tôi và anh suy nghĩ nông nổi bồng bột, nhưng thương con, thương cháu bà lại lo toan mong ngày cho hai đứa hợp đôi. Mọi người trong gia đình cũng bớt gay gắt với anh hơn, trò chuyện và cùng ngồi chung mâm mỗi bữa cơm gia đình.

Hanh phúc ở trong tầm tay, đôi khi nó vẫn vụt bay.

Éo le phận đời hoa gió - 2

Nằm một mình trong căn phòng nhỏ tôi bỗng dung thấy nhớ mẹ và các con da diết (Ảnh minh họa)

Anh bỏ tôi lại với những giấc mơ còn dang dở sau hơn một năm xa cách. Tôi ngửa mặt trơ mắt nhìn trời cho nước mắt lặn vào trong. Bơ vơ. Tôi tìm cách chống chọi và đối diện với sự thật đau lòng. Gấp vội đôi bộ quần áo của anh ngày còn ở nhà tôi, tôi bắt xe đi trong vô thức. Trời xanh trong đẹp đẽ với những bông khoe đủ sắc màu hai bên đường mà nó ngỡ như đang lạc vào một thế giới đen ngòm, u tối không lối thoát ra. Từng bước chân tôi nặng trịch bước vào phòng chờ nhà tạm giam, đôi mắt tôi rơm rớm nước, tôi đưa tay quyệt vội trước ánh nhìn của bao người.

Anh công an nhìn tôi vẻ ái ngại khi nhận ra được sự ái ngại nơi tôi đang thể hiện trên khuôn mặt khi nghe sếp của mình bảo rằng “hôm qua đưa nó vào trại đâu có thấy bảo nó có vợ con gì đâu mà cô bảo vợ…” Gửi vội đồ cho anh và ít tiền lưu trú, tôi vội vàng trở ra trước con mắt ngơ ngác của bao người kèm theo chút gì đó xót xa thương hại. Cứ lững thững đi hết cái triền dốc xanh xao ấy, tôicũng chẳng hiểu làm sao mình có thể lên xe và trở về nhà bằng cách nào. Đêm ấy, tôi giở cái mảnh giấy bé tí xíu được anh viết vội gửi ra nằm đọc. Chút hụt hẫng, chút nhói đau cứ theo từng con chữ mà nhạt nhòa theo nước mắt của tôi “Em đừng tìm gặp anh nữa. Cho anh xin lỗi và hãy tìm cho mình một hạnh phúc mới”. Đứa trẻ khẽ giật mình vì tiếng nấc nhẹ của tôi, tôi tự trách móc và dằn vặt bản thân mình như chính mình là kẻ đã gây ra tội đồ chê gớm ấy. Rồi tôi trách ông trời sao gieo cho đời tôi bao nỗi trái ngang, đau đớn… khi mà chì vài hôm nữa tôi sẽ quay lại trường để tiếp tục theo đuổi ước mơ của cuộc đời mình, cũng như là hoàn thiện giấc mơ hạnh phúc mà hai đứa tôi vẫn đang hằng vun đắp cho tương lai. Những ngày sau ấy người ta bắt gặp tôi chạy loanh quanh hết lên lại xuống để đi bất cứ nơi đâu có thể giảm được án cho anh, rồi gọi cho chị anh để lo liệu khi tới ngày tôi phải về trường để nhập học.

Tôi bắt đầu lại với nỗi mặc cảm và tự ti với quá khứ lấm vết bùn nhơ khi tự thân tôi nhận ra rằng động cơ là do tôi tạo nên. Không bạn bè, tôi cắm đầu vào học và làm thêm. Thầy phụ trách Đoàn ra chiều thông cảm và sẻ chia cùng tôi (ngày ra trường thầy mới cho tôi biết điều này) nhưng cô giáo chủ nhiệm kiêm giáo viên bộ môn của tôi thì kì thị nó ra mặt.tôi Cô ta tìm mọi cách để bắt lỗi và chì chiết tôi cả trong bài vở lẫn cuộc sống học trò hàng ngày. Ban đầu, tôi cũng không hiểu vì sao cô không ưa tôi, chỉ tới khi gần kỳ thi cuối năm khi chuẩn bị hồ sơ thi tôi phải đi chỉnh sửa một số giấy tờ thì mới biết được lý do khi vô tình cô ấy bảo “Hạng người như cô thật không biết thân biết phận. Đúng là, vợ của kẻ không ra gì, chết cũng đáng!”.

Trước ngày tôi thi một tuần thì nhận được tin báo phiên tòa xét xử lưu động anh sẽ diễn ra ở địa phương. Lặng lẽ tôi ôm sách vở về nhà nằm lỳ một tuần, vừa được gần con vừa để chờ đợi ngày xử. Mà mục đích lớn hơn là tôi muốn gặp anh sau hơn một năm xa cách, dẫu cho tôi có đôi lần tìm gặp thăm nuôi nhưng anh chẳng bao giờ chịu gặp mặt. Tôi ôm nỗi nhớ, lo lắng cho anh trong lòng mà nhiều đêm trằn trọc, thao thức.

Người dân hiếu kì tụ tập chật kín UBND xã, cố gắng lắm tôi mới có thể vào được. Suốt cả phiên tòa anh không nhìn tôi lấy một lần, và từ chối cả việc anh và tôi không phải là vợ chồng trên danh nghĩa đời thường. Bản án được đưa ra khiến tôi muốn quỵ ngã dù đã được vị luật sư làm trước công tác tư tưởng. Tôi chạy ra khỏi phòng xét xử trong tiếng xì xầm, bàn tán của mọi người. Mua cho anh phần cơm nhưng anh lại không được nhận nên tôi cứ trân trân mắt nhìn. Anh bảo tôi về và đừng nghĩ gì tới anh nữa rồi leo lên xe. Cánh cửa xe thùng khép lại, bốn mắt nhìn nhau trong nỗi đau vỡ vụn. Tôi lên xe về nhà má anh và nằm khóc ngon lành tới tận chiều tối mệt quá rồi thiếp đi lúc nào không biết. Nỗi đau cùng tận dày xéo cả tâm tư, tôi tự trách mình thật nhiều, tự đay nghiến bản thân đến bật máu đào. Má và chị anh nhìn tôi xót xa, động viên tôi ráng ăn tí chút nhưng tôi lại lên xe về nhà với con. Đêm ấy, tôi ngồi trên nóc nhà rấm rức, oán than với trăng vàng như một thói quen. Đưa tay bấu lồng ngực tôi như muốn ngã gục, tôi không thể trách anh nên tôi tự trách mình. Hàng loạt câu giá mà, giá như cứ thế tan vào cùng đêm.

***

Có bao người đi qua thương nhớ mà quên được nhau!

Nỗi đau được xếp vào góc nhỏ nơi trái tim, mỗi khi cô đơn tôi lại mang ra ngấu nghiến. Tập làm quen với nỗi đau, và giấu nó sau nụ cười. Tôi không khóc trước mặt ai một lần nào nữa cả. Dửng dưng với tất cả những gã đàn ông đến bên cạnh tôi vì tình cảm thật lòng hay thương hại. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm anh nhưng anh toàn xua đuổi tôi. Trong một lần gặp mặt anh nặng lời khiến tôi tự ái, tôi mang nỗi hờn tủi trở về và nhận lời yêu của Quang để thỏa mãn cái ý nguyện của anh mà chẳng chút do dự, đến chính Quang và tất cả bạn bè của hắn cũng phần nào phải ngạc nhiên, bất ngờ trước quyết định của tôi. Khi mà suốt mấy năm ròng từ ngày tôi và anh đang là người yêu của nhau thì Quang luôn nhận được cái nhìn lạnh nhạt và thái độ thờ ơ không kém gì người dưng của tôi. Kể cả sau khi anh bị bắt độ nửa năm, hắn mò vào phòng trọ giở trò đồi bại với tôi. Tôi cũng trân trân mắt nhìn hắn như kẻ thù, hắn ước gì tôi mắng, tôi chửi rủa gì nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng khiến người khác nghẹt thở. Hắn tìm mọi cách để tôi mở miệng nhưng đều vô ích, trong mắt tôi hắn giống như một vật gì đó trong suốt không màu, không mùi, không vị vậy.

Nhưng thật ra trong lòng tôi là trăm ngàn nỗi đau không ngôn từ nào tả siết. Chỉ biết lặng chìm sống và thở cùng với đêm. Tôi thấy mình cô đơn, trần trụi như một cái xác không hồn, như một con thuyền không bến đỗ lênh đênh. Tất cả mọi chuyện xảy ra một cách bất ngờ nhanh chóng khiến tôi không kịp thích nghi và chấp nhận, trong lòng tôi là một mớ bòng bong rối tựa tơ vò. Cơn bão đời và cơn sóng lòng dày xéo tâm can tôi, có lúc nó muốn lựa chọn đến cái chết để kết thúc tất cả mọi chuyện nhưng bản năng của một người mẹ không cho phép nó làm thế. Mặt khác cái xã hội thời đại đồng tiền này không đứng về phía tôi.

Nộp đơn tố cáo mình bị xâm hại thì nghe tim mình đau nhói khi nghe nữ chiến sĩ phòng cảnh sát điều tra bảo rằng tôi “lại muốn vòi tiền đây mà”, anh cảnh sát thụ lý lấy lời khai thì bảo tôi rằng nên bỏ qua không lật lại vì “chồng em…”. Tôi ôm đớn đau tóe máu in hằn trên đôi mắt. Ngẩng mặt nhìn trời oán thán kêu to hỏi lấy một tiếng công bằng. Trái tim loang lổ những đau thương khiến tôi tê dại. Tôi tự hứa với lòng thù hận này tôi sẽ trả nhưng chính tôi cũng không ngờ mình lại đang tự đào mồ chôn mình. Bạn bè tôi công tác cùng ngành công an muốn giúp đỡ tôi lật lại vụ án nhưng tôi buông xuôi từ bỏ. Nhìn đâu đâu xung quanh tôi cũng toàn là dối gian, tôi chợt thoáng nghĩ mình còn không bằng một con điếm đứng đường rẻ mạt… Những lúc ấy tôi lại nghĩ về anh, về con như một sự bấu víu cho chút lương thiện quay về, cho tâm hồn xoa dịu đi những xót xa, chua chát, đắng cay đang dâng ngập lòng.

Sau ngày tôi nhận lời yêu của Quang hắn thường xuyên tới lui hơn, chăm chăm chực chờ ở đó để nghe tôi tâm sự nhưng tuyệt nhiên tôi không dịu ngọt hay tỏ thái độ thân thiết gì cả. Phải nói rằng hắn có sức bền hơn tôi nghĩ, sau những tháng ngày dài đằng đẵng tôi cũng mở lòng để nói chuyện với hắn, một phần tự bản thân tôi luôn ý thức rằng cách giết quỷ tốt nhất là ở gần với quỷ.

Lâu dần, tôi có thiện cảm và không thấy hắn xấu xa như trước nữa, nhưng ở bên hắn tôi vẫn không có được cảm giác an toàn như bên anh. Từng đêm nằm bên cạnh hắn mà lòng tôi khôn nguôi nhớ anh. Lặng lẽ lau những giọt lệ tràn khi Quang bất chợt nổi cơn ghen với những lần tôi tới giảng đường hay đi chơi với bạn gái. Hắn mang anh và quá khứ của tôi làm bàn đạp để chà đập lên vết thương trong lòng tôi. Tôi muốn dừng lại thì hắn lại đe dọa sẽ đưa tất cả mọi chuyện ra ánh sáng với bạn bè trong trường. Đau đớn, tủi hổ. Tôi như lạc vào những con đường mòn mù mờ, tăm tối một lần nữa.

Chuyện gì đến phải đến, sau khi cứu thoát Quang ra khỏi mớ bòng bong và rác rưởi của những năm lao động không tính toán, đưa hắn trở lại với danh vọng. Hắn liền rời bỏ tôi đi theo một cô sinh viên trẻ, đẹp làm tại một quán cà phê nơi hắn thường lui tới, với cái bụng đang dần lúp xúp lên khi mà vài tháng trước hắn mua thuốc cho tôi uống phá bỏ đi mà tôi vùng vẫy thoát ra được. Thoạt nhìn trông tôi như một cây nấm mồ côi giữa đại ngàn. Lần này cũng bản năng sống của một người mẹ đã giúp tôi không bỏ đứa bé đi.

Trắng tay và một khối nợ to kếch xù đủng đỉnh đeo theo bên mình. Tôi vừa học vừa bắt đầu làm thêm để để dành tiền trả nợ và chuẩn bị cho việc sanh nở sắp tới. Tôi cũng không dám trở về nhà khi lại thêm một lần nữa sai lầm, tôi sợ bố nó tức giận mà lên cơn đột quỵ.

Cuộc tình tan vỡ không mong muốn khiến tôi đau đớn, chết lặng... tỏ ra ngày càng một mạnh mẽ suốt những ngày sau đó cho tới khi trực trào tuôn nước mắt khi bác sĩ sản khoa hỏi chồng tôi đâu? Sao lại để tôi lệnh khệnh với cái bụng vượt mặt đi sanh một mình. Cả phòng sanh nhìn tôi ái ngại, tôi cười nụ cười xen lẫn mùi vị mặn đắng của cuộc đời. Tôi nhét cho bác sĩ cái phong bì đã chuẩn bị trước, rồi lặng lẽ nghe theo lời hứa hẹn. Mẹ tròn con vuông. Tiếng con tôi cất lên khiến tôi trào dâng nước mắt, mọi giận hờn tan biến. Xuất viện, bố mẹ tôi vẫn giận nên cho em gái tôi lên chăm, nhưng dường như là tôi tự thân vận động. Tôi muốn tự tay tắm rửa, thay đồ cho con, nhìn thằng bé no sữa ngủ say sưa, tôi khẽ mỉm cười mãn nguyện. Những cơn sốt sữa khiến người tôi nóng ran, hút, nặn đổ đi mà không dám uống thuốc. Tôi sợ uống vào mất sữa con sẽ không có sữa để bú. Con cái làm cho tôi bận rộn, tôi vô tình quên đi nỗi đau đang ngự trị.

Lặng lẽ tự chữa lành vết thương cho mình trong thinh lặng. Tôi hiểu có lẽ giờ mẹ tôi đau lòng lắm khi tôi chẳng như bao đứa trẻ khác, những lúc yếu lòng đều sà vào lòng mẹ mà nức nở lại chọn cách ra đi không phiền nhiễu gia đình. Những tháng ngày chông chênh sau này tôi mới hiểu và gần gũi mẹ hơn. Tôi hiểu được nỗi đau bao năm qua mẹ tôi đang gánh dù bà chẳng nói gì nhưng đôi mắt mẹ đã cười khi tôi bắt đầu nói chuyện, chia sẻ cùng mẹ những điều trong cuộc sống, dẫu cảm xúc và suy nghĩ trong lòng tôi luôn giấu kín. Không biết tự bao giờ tôi sợ mẹ và người thân nhìn thấy tôi yếu đuối.

Nguôi giận. Bố mẹ lại đón mẹ con tôi về, thằng nhỏ quấn ông bà hơn cuốn mẹ. Tôi nhìn thấy ánh mắt bố buồn xa xăm, khi định hướng tương lai cho tôi. Tôi bắt đầu đi làm thêm ở một quán ăn và tiếp tục hoàn thành năm cuối giảng đường. Mẹ tôi nhìn tôi bảo "nghề ấy vất vả..." rồi lại lặng lẽ quay đi…

***

Ra trường, tôi loay hoay tìm việc. Cái thời đại của quyền và tiền mẹ tôi lại bảo “Nếu cần mẹ có thể đi vay...". Nhưng thật lòng tôi chẳng muốn gia đình làm thế, cứ loay hoay làm thêm với đủ thứ công việc mất hơn một năm ròng với bao hứa hẹn dở dang, với đủ thứ nghề không chuyên. Rồi tôi quyết định vào thành phố tìm việc sau một vài lần bị đánh ghen vô cớ của những người vợ của các anh cùng cơ quan với tôi, dù tôi chẳng biết mình đã làm gì sai. Tôi cũng chẳng thèm đi tìm hiểu lý do, chỉ biết cam chịu, im lặng và trở về nhà cùng bọn trẻ làm niềm vui. Chỉ cần nhìn thấy ba con giỡn nghịch ngợm, ngoan ngoãn nghe lời là bao nhiêu buồn đau, mỏi mệt trong tôi tan biến hết. Cách tôi nhìn nhận cuộc đời cũng nhẹ nhàng và bao dung hơn. Không oán than hay trách móc nữa, tôi tự thấy thế là hạnh phúc.

 vẫn đi thăm anh thường xuyên, vẫn là những lời đắng cay dành cho nó. Vẫn từ chối những lời yêu thương muốn chăm sóc mẹ con nó của những gã đàn ông tốt bụng vì sợ con cái nó khổ và làm khổ người ta. Chọn cách ra đi cũng là nó muốn thử chính mình, muốn thay đổi chính số phận của mình.Bố mẹ không đồng ý cho nó đưa bọn trẻ đi nên thỉnh thoảng nó lại về thăm con. Nhìn các con no say trong lòng nó như sống lại chút sắc xuân trên gương mặt vốn dĩ quá nhiều u uẩn ma mị đối với người đối diện.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền cuốn nó vào vòng xoáy của nhịp sống đô thị. Chuyên nghành có, không chuyên cũng có, vấp váp trong chốn thị thành đầy rẫy. Tôi bỗng sợ mất lòng tin vào người đối diện, tôi sợ mình lại va vấp trước những cám dỗ nơi thị thành trong khi tìm việc. Chị gái tôi bảo rằng ở nơi này phải biết đặt lòng tin cho xứng đáng bởi ở Sài Gòn này thứ đắt nhất chính là lòng tin.

Tôi đơn phương nghỉ việc ở một công ty bán hàng đa cấp, vì tôi biết được nguy cơ tiềm ẩn sâu trong ấy. Mà như chị tôi nói, đừng nhúng chàm nếu không muốn bố mẹ tôi phải buồn. Rồi trải qua vài công việc thu ngân, bán hàng khác mà cuộc sống vẫn thực sự vẫn chưa đi vào nếp. Suy nghĩ nhiều cộng với việc mất ngủ, ăn uống không đúng giờ khiến tôi bị đột quỵ phải nhập viện. Tôi đã yếu nay lại càng yếu hơn. Người ta nhìn thấy tôi ngày một xanh xao như xác lá chuối khô bên hè. Nằm một mình trong căn phòng nhỏ tôi bỗng dung thấy nhớ mẹ và các con da diết, chỉ muốn gọi điện thoại về nhà để được nghe giọng mẹ và các con mà thôi. Nhưng suốt mười mấy năm xa mẹ tôi vẫn chưa thể làm, tôi vẫn nợ mẹ một lời xin lỗi cho những dại dột, sai lầm tôi đã gây ra…

Cựa mình, tôi bật khẽ nút radio trên bàn phím điện thoại, ca khúc "Tình mẹ bao la" do ca sĩ Anh Thư Nguyễn trình bày trong lúc này như một lời tạ tội của tôi muốn nhắn gửi tới bố mẹ và các anh chị em trong nhà. Dẫu tôi biết rằng ngoài tôi ra chẳng ai trong gia đình tôi có thể nghe được bài hát ấy. Lời người dẫn chương trình vẫn vang vang trầm đều "Con biết rằng quá khứ thì nên xếp lại và bước tiếp. Nhưng hôm nay con chưa làm được thì con nhất định làm cho được mới thôi. Con xin lỗi bố mẹ và mọi người nhiều lắm"

Sài gòn, một ngày đầy gió...

Lời cuối của người đàn bà điên

Người đàn bà không biết ngủ

Người đàn bà ba đời chồng

Người đàn bà có sức mê hoặc

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Em mãi yêu ([Tên nguồn])
Những tâm sự hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN