"Em đồ" 15 tuổi tự mở triển lãm thư pháp
Buổi triển lãm thu hút nhiều quan tâm của người dân yêu thích thư pháp Sài Thành.
Diễn ra từ ngày 9 đến 14/4 tại quán cafe Phố Nhỏ, số 115, Phùng Văn Cung, phường 2, quận Phú Nhuận, triển lãm thu hút nhiều quan tâm của người dân yêu thích thư pháp Sài Thành.
Điều đặc biệt mà nhiều người tìm đến triển lãm có lẽ là người tổ chức. “Em đồ” Xuân Thành năm nay chỉ vừa tròn 15 tuổi, hiện đang là học sinh lớp 9, trường THCS Gò Vấp, quân Gò Vấp.
Yêu thích thư pháp từ nhỏ, năm lên lớp 2, Xuân Thành đã tự viết những nét chữ nghệch ngoặc đầu tiên. “Lúc ấy em không biết mình viết chữ gì nữa, chỉ đơn giản là vẽ mực tàu lên giấy mà thôi”, Xuân Thành chia sẻ vui vẻ.
Không thầy, không giáo trình, Xuân Thành tự mày mò và họ hỏi cách viết trên mạng Internet. “Lúc đầu khó khăn vô cùng, phải hơn một năm em mới có thể viết những chữ đầu tiên tạm gọi là chỉnh chu”, Xuân Thành nói.
Thấy em có niềm đam mê viết chữ, ba mẹ đã cho em tham gia vào CLB Thư pháp của Nhà Văn hóa Thanh niên Tp. HCM. Vậy là từ đó, cái tên “em đồ Xuân Thành” đã xuất hiện và được nhiều người yêu mến.
Clip "Em đồ" triển lãm tranh thư pháp:
Tết Giáp Ngọ 2014, Xuân Thành được nhiều người yêu thích thư pháp để ý và biết đến nhiều hơn khi em ngồi cho chữ trên phố Ông Đồ Phạm Ngọc Thạch, quận 1.
Sau 8 năm tự mài mò học hỏi, trau dồi, rèn luyện, Xuân Thành đã có nhiều bức thư pháp được đánh giá cao. “Tôi khá bất ngờ trước những bức thư pháp của Xuân Thành, dù tuổi rất nhỏ nhưng em đã thổi được hồn vào bức tranh”, Chị Nguyễn Ngọc Hoa, một người yêu thích thư pháp tham quan triển lãm nói.
Chị Hoa cũng cho biết thêm, khi triển lãm vừa mở cửa, chị đã đưa 2 con đến tham quan. “Tôi muốn 2 con của tôi có niềm yêu quý những gì thuộc về truyền thống dân tộc, đặc biệt là thư pháp”, chị Hoa nói.
Xuân Thành cho biết, để có tiền thuê mặt bằng và tổ chức triển lãm, em đã chắt góp mấy tháng ròng tiền bán tranh. Mặc dù là quán cà phê nhưng phí triễn lãm 200.000 đồng/ngày, đó là chưa kể các chi phí phát sinh.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Thiếu nữ Nhật viết thư pháp ở Văn Miếu
Cậu bé lớp 5 biết vẽ chữ như rồng phượng