Du học sinh chê bai khu cách ly bẩn thỉu: “Ích kỷ và đòi hỏi quá đà”
Một vài du học sinh đã phán xét nơi ăn, chỗ ở được người khác chuẩn bị sẵn sàng để đón mình về là “nơi kinh khủng khiếp”, “không thể sống nổi”...
Một nữ du học sinh trở về từ Mỹ chê bai khu cách ly tại Việt Nam bị lên án gay gắt
Du học sinh chê bai khu cách ly bẩn thỉu khiến cộng đồng mạng giận dữ
Ngày 25/3, cả nước ghi nhận 134 ca dương tính với Covid-19, 1.596 trường hợp nghi nhiễm đang được cách ly và gần 50.000 người tiếp xúc gần hoặc nhập cảnh từ vùng dịch đang phải cách ly theo dõi sức khoẻ.
Cả nước đang bước vào những ngày căng thẳng của dịch bệnh. Hàng ngàn du học sinh và Việt kiều ồ ạt về nước trước khi các nước phương Tây đóng cửa. Tất cả phải trải qua 14 ngày cách ly tập trung trước khi trở về với cuộc sống bình thường. Mục đích duy nhất là đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ, cho gia đình và người xung quanh.
Trong số đó, một vài trường hợp du học sinh mới trở về đã lên mạng than vãn, chê bai điều kiện cách ly ở Việt Nam với những từ ngữ khó nghe.
Một nữ du học sinh Mỹ được cách ly tại khu ký túc xá của trường Đại học Quốc gia TP.HCM đã mô tả nơi ở tạm thời của mình rằng: “Kinh khủng khiếp thật sự, không biết sống sao, không dám đụng vào cái gì trong phòng”. Cô thất vọng vì nơi đây không giống “hình ảnh review trên mạng” và phải nhờ tới hai nam sinh phòng khác qua dọn dẹp giúp. Mong muốn của cô là được chuyển qua khu cách ly ở resort bởi “ở đây thêm giây phút nào nữa chắc không sống nổi”.
Du học sinh Mỹ phải công khai xin lỗi trên mạng xã hội
Một du học sinh Canada thậm chí còn dùng lời lẽ tục tĩu để chê bai khu cách ly. Cô gái này chia sẻ: “Không thể sống nổi luôn á. Như này quá sức chịu đựng của mình rồi mọi người ơi. Wifi không có, không có cái gì hết. Mọi người làm ơn đặt trường hợp đang sống ở một nơi gọi là sạch sẽ đi. Xong về ở như này thì cảm thấy như thế nào?”.
Và còn có cả một du học sinh Pháp lên mạng hỏi công khai rằng, làm thế nào để trốn cách ly tập trung.
Du học sinh Canada dùng từ ngữ khó nghe để chê khu cách ly tại Việt Nam
Ba con người, ba câu chuyện đã làm dấy lên nỗi bức xúc cho toàn xã hội. “Cất giùm tôi cái quan điểm sướng quen rồi, giờ khổ không chịu được đi. Nó chẳng liên quan gì đến ý thức của một người biết rằng mình đang phải đi cách ly. Đó là lười nhác, vô ơn và thích hưởng thụ”, “Tại sao bạn không ở yên cái nơi sung sướng đó mà phải chạy về đây, để giờ than vãn và kể khổ?”, dân mạng dành cho 3 trường hợp này không ít lời chỉ trích.
Phạm Như, chủ nhân của căn phòng ký túc xá – nơi bị nữ du học sinh Canada gọi là “chỗ không thể sống nổi” cũng viết một bức tâm thư dài bày tỏ nỗi bức xúc. Cô khẳng định, căn phòng có tuổi đời 20 năm ấy quả thực rất tồi tàn: bồn rửa tay rỉ nước, toilet tắc nghẽn, bóng điện thi nhau nhấp nháy… Nhưng đối với cô và nhiều người khác, đây vẫn là nơi tuyệt vời và cô biết ơn vì được ở đó.
“Bạn nữ hiện đang ở trong căn phòng của bọn mình có thể không thoải mái vì không quen cuộc sống bình dân, quê mùa, dễ dãi… nhưng không thể thay đổi điều gì nơi bọn mình. Ký túc xá dù cũ, Việt Nam dù nghèo nhưng sẽ mãi đẹp trong mắt người có lòng”, Như viết.
Không phải ngẫu nhiên, lời chê bai của ba du học sinh trên lại khiến dư luận giận dữ đến vậy. Suốt thời gian qua, bất cứ ai được tiếp xúc với báo, đài, mạng xã hội… đều biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đang căng thẳng thế nào, toàn dân, toàn quân đang phải gồng mình chiến đấu với đại dịch ra sao.
Những giấc ngủ vội ngay dưới nền đất lạnh lẽo của các chiến sĩ chống dịch covid-19 khiến nhiều người xót xa
Và để có được điều kiện cách ly như hiện tại, đã có không ít sự hy sinh thầm lặng. Các bác sĩ, y tá sẵn sàng đứng ở tuyến đầu, chữa trị cho người bệnh. Các chiến sĩ bộ đội tự nguyện nhường giường ngủ của mình cho người cần phải cách ly. Hình ảnh các anh căng lều bạt hoặc chỉ trải một tấm chiếu mỏng ngủ dưới nền đất lạnh lẽo từng khiến bao người xúc động. Các cô chú phụ trách hậu cần, vệ sinh, công việc vô cùng vất vả nhưng vẫn tận tâm hoàn thành với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Cả những bạn sinh viên sẵn sàng thu dọn hành lý, nhường lại phòng ký túc xá cho người cách ly. Họ không những không than vãn mà còn dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, cẩn thận, để lại những lá thư tay với lời nhắn nhủ đầy cảm xúc cho người cách ly trước khi rời khỏi ký túc xá.
Một sinh viên của trường đại học FPT vui vẻ chia sẻ: “Bọn em được nghỉ học trên trường, chỉ học online ở nhà nên không dùng đến ký túc xá. Nay nhà trường và nhà nước lên tiếng kêu gọi nhường phòng cho người cách ly, chúng em tức tốc có mặt ngay để dọn dẹp phòng ốc và chào đón đồng bào. Chẳng gì cũng là giúp nước, giúp dân mình chống giặc Covid-19. Đi đâu mà thiệt”.
Nhưng đáp lại sự nhiệt tình và chân thành ấy lại là những lời lẽ chê bai gay gắt của một vài du học sinh. Dẫu rằng, thay đổi môi trường sống đối với bất kỳ ai cũng là thử thách, thế nhưng, trong hoàn cảnh buộc phải cách ly vì trở về từ vùng dịch, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao thì họ cần phải học cách thích nghi.
Phán xét nơi ăn, chỗ ở được người khác chuẩn bị sẵn sàng để đón mình về là “nơi kinh khủng khiếp”, “không thể sống nổi”, “quá sức chịu đựng” được xem là thói ích kỷ và tội vô ơn.
“Chắc các bạn ấy không biết, để có được căn phòng tồi tàn đang ở, biết bao sinh viên chỉ có 2 ngày để dọn ra, tìm một chỗ ở mới mà sống tạm. Để rồi, thay vì được ở trong cái phòng tồi tàn ấy, được ngủ trên chiếc giường cứng ngắc ấy, họ phải sống ở nơi mà 3-4 người chung một phòng, diện tích chỉ bằng cái nhà vệ sinh, tối tối từng đàn gián kéo đuôi nhau chơi trò trốn tìm”, T.Đ. (một thành viên của ký túc xá, trường Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ.
Trở về từ vùng dịch, các du học sinh được chào đón, chăm sóc và bảo vệ. Đổi lại, họ phải thực hiện nghĩa vụ của một công dân bằng hành động đơn giản là cách ly 14 ngày. Trong lúc cả cộng đồng đang chung tay cống dịch, họ nên chấp nhận điều kiện và biết chia sẻ với người xung quanh.
Gia đình không ngừng tiếp tế bên ngoài khu cách ly
Xếp hàng chờ tiếp tế cho người thân ở khu cách ly KTX Đại học Quốc gia TP.HCM (ảnh: Đông Thịnh)
Một câu chuyện khác cũng khiến dư luận chú ý những ngày qua là cảnh tượng hàng trăm người xếp hàng dài cả nửa cây số bên ngoài cổng ký túc xá, Đại học Quốc gia TP.HCM, bên cạnh là những thùng carton để đồ đạc, thực phẩm, nước uống… Họ đang đợi để gửi đồ vào cho người thân cách ly bên trong, mặc dù đã có quy định không được gửi thức ăn bên ngoài vào khu cách ly.
Được biết, đồ dùng phổ biến được tiếp tế cho người cách ly là quạt máy, nệm, nước uống, mì gói… Có người còn đem gửi cả tủ lạnh, bia lon… Khi bị dân quân từ chối thì tìm cách “ngụy trang” để có thể gửi vào.
Hình ảnh những anh dân quân nhễ nhại mồ hôi, vác những thùng carton nặng nề dưới tiết trời nắng nóng gay gắt khiến nhiều người xót lòng. Và không ít người thắc mắc, trong mắt các bậc cha mẹ, con họ đang đi cách ly hay nghỉ dưỡng?
T.H.S (người cũng có con hiện đang ở khu cách ly) chia sẻ: “Tôi tin rằng, ở khu cách ly, cháu không đến nỗi phải thiếu ăn, dù cuộc sống ở đây không được như ở nhà hay bên nước du học. Nhìn tấm ảnh các em dân quân và chiến sĩ bộ đội lao động, tôi thấy con mình còn sướng hơn nhiều, thế nên, tôi không gửi thêm bất cứ thứ gì. 14 ngày cách ly cũng là dịp để các con được trưởng thành, biết quý trọng những người giúp đỡ mình”.
Một người khác tha thiết nói: “Xin các bậc phụ huynh đừng hành xử như thể con mình là ông hoàng, bà chúa. Nhìn thấy hình ảnh các y bác sĩ, các chiến sĩ dân quân gồng mình chống dịch, các vị không đau lòng sao?”.
"Cha mẹ quá bao bọc, con không thể trưởng thành"
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương cho rằng, cách rèn luyện con tốt nhất là để con tự đối mặt với những khó khăn
Có con gái là du học sinh từ Úc trở về, hiện đang thực hiện cách ly tại Hưng Yên, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương thấu hiểu hơn cả những câu chuyện gây xôn xao dư luận vừa qua xung quanh khu cách ly.
Theo chị, chê bai khu cách ly bẩn thỉu, “khó sống”, chỉ là một vài trường hợp hy hữu, là những người trẻ quen được sống trong sung sướng nên khi bị đặt vào tình cảnh khó khăn thì ngay lập tức gào thét đòi hỏi.
Và đó là hậu quả của việc chăm sóc, bao bọc, chiều chuộng quá đà của các bậc phụ huynh.
“Rất nhiều cha mẹ nhầm tưởng sự chiều chuộng, chăm sóc đó thể hiện tình yêu thương các con của mình. Họ luôn nghĩ: nhà có điều kiện, sao phải để con khổ.
Nhưng các con không có trải nghiệm sẽ không có mẫu để so sánh và hiểu mình nên làm gì trong từng hoàn cảnh. Với các bạn lưu học sinh đã được trải nghiệm nhiều, thường các bạn sẽ thấy cảm động vô cùng và thấy mình may mắn vì được nhà nước chăm lo.
Còn các bạn không được trải nghiệm trước qua các điều kiện khó khăn, họ sẽ nghĩ họ đang bị đọa đày, hành hạ khiến họ ức chế, mệt mỏi suốt 14 ngày cách ly tập trung”, chị cho hay.
Chị Thu Hương cũng đến Hưng Yên tiếp tế cho con nhưng chỉ là vài bộ quần áo giữ ấm. Quan điểm của chị là “không biến trại cách ly thành khu nghỉ dưỡng”.
“Các con đang nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ giữ bình an cho cả dân tộc, đất nước. Các con không phải đang đi nghỉ dưỡng. Hơn nữa, thời gian cách ly có 14 ngày, các con không chết nổi sau thời gian cách ly. Thậm chí, đây là lúc để các con chứng tỏ sức mạnh bản thân. Vì thế, hãy ngừng việc chiều chuộng quá đà này lại, đừng làm yếu kém con mình hơn nữa. Hãy để con được rèn luyện, như thế mới là yêu con đúng cách”, chị nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Bất chấp đại dịch Covid-19 đang lan khắp thế giới, các cậu ấm cô chiêu con nhà giàu vẫn không từ bỏ những chuyến đi...